Anh Trương Văn Tình (Hoài Nhơn - Bình Định) hỏi: Bác tôi có việc tranh chấp đất đai. UBND xã đã hòa giải và hướng dẫn bác tôi khởi kiện ra Tòa, nhưng bác không biết chữ, sống một mình nên rất khó khăn trong việc làm các thủ tục và bảo vệ quyền lợi của mình tại Tòa. Vậy có cơ quan, tổ chức nào giúp bác tôi trong vụ việc trên không?
- Căn cứ Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) và các văn bản hướng dẫn thi hành, bác anh thuộc diện người già cô đơn không nơi nương tựa được TGPL. Bác của anh cần liên hệ UBND xã nơi cư trú để xác nhận về hoàn cảnh hiện tại của mình, sau đó liên hệ với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh để cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư - cộng tác viên để giúp làm thủ tục khởi kiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bác của anh tại Tòa. Khi đi cần đem theo giấy xác nhận của xã về hoàn cảnh cô đơn; Biên bản hòa giải và các giấy tờ khác có liên quan.
Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm bản án dân sự bao lâu?
Anh Văn Giang (Bến Cầu - Tây Ninh) hỏi: Tôi là bị đơn trong vụ tranh chấp Quyền sử dụng đất đã được Tòa án (TA) huyện xét xử sơ thẩm, nhưng tôi không thống nhất với bản án của TA và đã kháng cáo. Vậy thời gian để đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm là bao lâu?
- Theo Điều 258 Bộ luật Tố tụng dân sự thì trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp TA cấp phúc thẩm (PT) ra một trong các quyết định sau đây: Tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử PT vụ án; đưa vụ án ra xét xử. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án TA cấp PT có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, TA phải mở phiên tòa PT; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng./.
PLVN