Người già không phải là gánh nặng

(PLVN) - Tuổi già đồng nghĩa với ốm đau, yếu ớt và bắt buộc phải nhờ vả vào con cháu, người thân cho dù không muốn. Vì thế, nhiều gia đình và bản thân người già nghĩ mình là gánh nặng của gia đình, xã hội. Suy nghĩ và thực trạng này có thể thay đổi được hay không? 
Người già không phải là gánh nặng

Trung tâm đã thực sự là nhà

Ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương, chăm sóc và yêu thương các cụ như cha mẹ là tinh thần có thể nhận thấy từ Giám đốc đến nhân viên. Hàng sáng, cứ sau một vòng kiểm tra Trung tâm, ông Giám đốc Bùi Trọng Hải lại ghé phòng thăm các cụ. “Ngày nào tôi cũng đến để kiểm tra tình hình sức khỏe của các cụ. Nắm rõ các cụ như thế nào thì mới chỉ đạo để các nhân viên y tế chăm sóc tốt nhất được”, ông Hải cho biết. 

Kể về kỷ niệm khi chăm sóc các cụ, chị Trần Thị Thu Thủy - nhân viên y tế cho biết cách đây rất lâu có một cụ già lang thang ở TP Hải Dương được đưa vào Trung tâm với tình trạng sức khỏe yếu và mắc rất nhiều bệnh. Cụ hiền lắm, đau mấy cũng chẳng kêu than. Thương cụ, chị ngày đêm ở bên cạnh chăm sóc.

Suốt gần 1 tháng trời cụ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị cũng theo lên. Khi cụ mất, cảm giác giống như chị mất đi người thân vậy. "Phần lớn các cụ tại Trung tâm đều cao tuổi và mắc nhiều chứng bệnh khác nhau nên việc chăm sóc vất vả hơn rất nhiều.

Ngoài chăm sóc bệnh tình, chúng tôi còn giúp các cụ vệ sinh cá nhân, chăm lo ăn uống hàng ngày. Hầu như lúc nào chúng tôi cũng ở bên cạnh các cụ để kịp thời hỗ trợ. Nhiều lúc mệt mỏi nhưng không ai lấy đó làm nản, làm giận bởi ai cũng biết ngoài họ ra, các cụ không còn chỗ dựa nào khác”, chị Thủy tâm sự. 

Người già tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương được các nhân viên y tế chăm sóc tận tình như người thân
Người già tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương được các nhân viên y tế chăm sóc tận tình như người thân

Bố con ông Tiêu Công Vượng quê ở xã Liên Mạc (Thanh Hà, Hải Dương) là trường hợp khá đặc biệt ở Trung tâm. Ngày nhỏ, sau một cơn bạo bệnh, ông Vượng bị teo hết khớp chân, tay, đi lại khó khăn. Lấy vợ, có con, rồi vợ mất, con cũng bệnh tật như bố khiến ông buồn bã, suy sụp. Hoàn cảnh gia đình quá túng quẫn, không còn người thân chăm sóc nên cả hai bố con ông phải vào Trung tâm.

Ở đây, hai bố con ông đã tìm lại được niềm vui sống. Con trai ông được Trung tâm tạo điều kiện cho đi học nghề. Anh đã xin việc làm ổn định ở một khu công nghiệp. Ngày nghỉ cuối tuần, anh vẫn về thăm bố, thăm các cán bộ, nhân viên Trung tâm. Với hai bố con ông Vượng và những người sống Trung tâm Bảo trợ xã hội, đây đã thực sự là nhà. 

Không sợ khổ, chỉ sợ thiếu người

Nói về thực trạng của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương, Giám đốc Bùi Trọng Hải cho biết hiện tại, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 60 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, các cụ có tuổi thọ trung bình là 74 tuổi, một số cụ gần 100 tuổi như: cụ Phạm Thị Thanh (98 tuổi), cụ Phạm Thị Nga (93 tuổi)...

“Vấn đề trọng tâm nhất trong công tác chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm hiện nay là chăm sóc y tế, chế độ dinh dưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ ngơi cho người cao tuổi”, ông Hải nhấn mạnh. 

Thực vậy, có những chuyện tưởng như rất nhỏ nhặt như vấn đề té ngã, uống nước của người già cũng được các cán bộ ở Trung tâm quan tâm. “Cùng với chăm sóc về y tế, Trung tâm thường xuyên hướng dẫn các cụ đề phòng việc té ngã, đây là một nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh tật cho người cao tuổi dẫn đến các chấn thương.

Trung tâm còn hướng dẫn người cao tuổi cần phải uống đủ nước để tránh sỏi đường niệu và táo bón. Tuy nhiên không nên uống quá nhiều dẫn đến tình trạng tiểu nhiều lần, nhất là ban đêm sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ...”, ông Hải cho biết.  

Như đã nói trên, do phản xạ không còn nhanh nhạy, trí nhớ giảm sút mà người cao tuổi tự xa lánh mọi người với ý nghĩ tự cho mình là người vô dụng, là người thừa trong xã hội. Vì vậy, Trung tâm luôn quán triệt cán bộ cần có sự quan tâm, chăm sóc, trò chuyện, hỏi han, tâm sự với người cao tuổi, cùng với sự kính trọng sẽ giúp người cao tuổi cởi mở lòng mình, tiếp xúc với những người xung quanh mà không mang mặc cảm. 

Không ngại vất vả khó khăn khi chăm sóc người cao tuổi, nhưng điều ông Giám đốc Trung tâm lo nhất là vấn đề nhân lực quá thiếu.

Được biết, theo định mức tại Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội thì nhân viên chăm sóc người cao tuổi: 01 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 10 người cao tuổi còn tự phục vụ được hoặc tối đa 04 người cao tuổi không tự phục vụ được; nhân viên y tế: 01 nhân viên y tế phụ trách việc chăm sóc sức khỏe cho tối đa 50 đối tượng; nhân viên phụ trách dinh dưỡng: 01 nhân viên phục vụ tối đa 20 đối tượng; nhân viên phục hồi chức năng: 01 nhân viên hướng dẫn phục hồi chức năng cho tối đa 05 đối tượng. Nhưng thực tế Trung tâm vẫn còn thiếu rất nhiều người làm việc so với quy định…

Đọc thêm