Đầu tháng 12/2019, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tổ chức lễ trao Giải Cống hiến bảo vệ động vật hoang dã năm 2019 nhằm vinh danh những cá nhân, cơ quan thực thi pháp luật có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ động vật hoang dã.
Đây là lần thứ 3 giải thưởng được tổ chức với 5 hạng mục được lựa chọn trao giải và lễ trao giải được xem là sự kiện ghi nhận vai trò quan trọng của các cơ quan thực thi pháp luật, Tòa án, Viện Kiểm sát không chỉ trong việc đảm bảo pháp luật về động vật hoang dã được thực thi mà còn góp phần nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã.
Lễ trao giải năm nay diễn ra trong bối cảnh Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đang thực sự phát huy tác dụng khi tăng mức phạt tù tối đa đối với tội phạm về động vật hoang dã lên đến 15 năm. Ngày càng có nhiều bản án tù giam từ 5 năm trở lên, đơn cử như tháng 11/2019, một đối tượng đã bị TAND tỉnh Quảng Ninh kết án 13 năm tù vì hành vi nuôi nhốt, buôn bán trái phép 145 cá thể tê tê Java. Mười đối tượng khác trong vụ án này cũng bị kết án từ 5-8 năm.
Bản án là một lời tuyên chiến với vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã
Trong lễ trao Giải Cống hiến bảo vệ động vật hoang dã năm 2019, Giải Đặc biệt - Chiến công xuất sắc – Triệt phá đường dây tội phạm về động vật hoang dã dành cho một cá nhân hoặc một tập thể đã cùng hợp tác nhằm điều tra, bắt giữ, truy tố và giam giữ kẻ cầm đầu của một mạng lưới tội phạm, từ đó tạo ra những chuyển biến lớn trong công tác bảo vệ động vật hoang dã trên phạm vi toàn cầu đã được trao cho TAND tỉnh Khánh Hòa.
Cuối năm 2014, hơn 10 tấn rùa biển được phát hiện tại 6 nhà kho ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hai đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán rùa biển này là hai anh em Hoàng Mạnh Cường và Hoàng Tuấn Hải. Được biết hai đối tượng này từ lâu đã được đặt trong “tầm ngắm” của lực lượng công an nhưng sau nhiều năm, các cơ quan chức năng mới triệt phá được đường dây buôn bán và chế tác rùa biển do chúng cầm đầu.
Để bắt giữ được đường dây này, cơ quan chức năng cùng các tổ chức bảo vệ môi trường đã mất khoảng 2 năm theo dõi đường dây săn bắt và buôn bán rùa biển, từ những đối tượng chuyên đánh bắt rùa biển tại các địa phương đến các thương lái trung gian và mọi đầu mối. Cơ sở chế biến rùa biển được đặt ngay tại thành phố Nha Trang. Sau khi chuyển về đây, rùa biển được lọc thịt lấy mai, ngâm tẩm hóa chất và chế tác thành đồ mỹ nghệ bán sang Trung Quốc.
Với số lượng ước tính gần 7.000 cá thể, đây là số lượng rùa biển bị thu giữ lớn nhất lịch sử, thu hút sự quan tâm của dư luận Việt Nam và thế giới.
Qua hai cấp xét xử, bị cáo Hoàng Tuấn Hải đã phải chịu mức án 4 năm 6 tháng tù giam. Kể lại vụ án thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận trong nước và thế giới, ông Nguyễn Tuấn Long – Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi bản án sơ thẩm tuyên 4 năm 6 tháng tù, Hoàng Tuấn Hải đã kháng cáo. Ở cấp phúc thẩm, ông là chủ tọa phiên tòa, sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, cũng như nội dung kháng cáo của bị cáo thì Hội đồng xét xử đã không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên mức án 4 năm 6 tháng tù.
“Điểm nổi bật của vụ án là số lượng tang vật cá thể động vật hoang dã rất lớn, không chỉ trên phạm vi Việt Nam mà cả thế giới. Vì số lượng quá lớn nên trong quá trình giải quyết có một số khó khăn về mặt pháp luật như: quy định của pháp luật Việt Nam về việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm nguy cấp chưa theo kịp Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp; là bản hiệp ước giữa các quốc gia thành viên về việc kiểm soát việc buôn bán, trao đổi các loài động, thực vật hoang dã để tránh tình trạng khai thác quá mức dẫn đến tình trạng tuyệt chủng; CITES bao gồm khoảng 5.000 loài động vật và 25.000 loài thực vật, chia làm 3 phụ lục - PV). Bên cạnh đó, từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, Hoàng Tuấn Hải liên tục thay đổi lời khai khiến cho việc đấu tranh với đối tượng rất khó khăn”, theo ông Long.
Liên quan đến việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp nói chung và loài rùa biển nói riêng, Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh Khánh Hòa, Nguyễn Tuấn Long khẳng định việc nghiêm khắc xét xử vụ việc có ý nghĩa rất lớn không chỉ riêng với Việt Nam mà đối với cả thế giới. “Qua việc xét xử, Việt Nam chính thức thông báo cho toàn thế giới biết là đã, đang và sẽ tuyên chiến mạnh mẽ với loại tội phạm này. Ngoài ra, bản án cũng là một sự răn đe và cảnh báo cho các đối tượng đang/sẽ có hành vi vi phạm bảo vệ động vật hoang dã, cũng như giáo dục người dân ý thức bảo vệ tôn trọng động vật hoang dã quý hiếm nguy cấp” – ông Long nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Công an tỉnh Kiên Giang nhận Giải Cán bộ thực thi pháp luật xuất sắc nhất |
Chuyến tàu ra đi trong bão gió vì động vật hoang dã
Tháng 11/2018, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vừa phê chuẩn quyết định khởi tố điều tra hai vụ nuôi nhốt rùa biển (vích) trái pháp luật. Hai bị can Trần Xuân Mậu (50 tuổi, ngụ khu phố 3, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc) và Phạm Văn Tuấn (50 tuổi, ngụ ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc) bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú với cùng tội danh “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo khoản 3, Điều 244 Bộ luật Hình sự.
Tại cơ quan điều tra, bị can Mậu khai nhận khoảng tháng 7/2018, Mậu tình cờ gặp một người tên Đ (ngụ TP HCM, chưa rõ nhân thân) ở thị trấn An Thới. Biết Mậu làm nghề mua bán hải sản, Đ nhờ Mậu tìm mua rùa biển nói là để phóng sinh. Để thực hiện “hợp đồng” nói trên, Đ tạm ứng cho Mậu 30 triệu đồng. Sau khi có tiền, Mậu bắt đầu đi lùng mua rùa biển. Qua giới thiệu, Mậu biết Tuấn đang có nguồn rùa biển khá dồi dào. Tuấn cung cấp ngay cho Mậu 12 con rùa biển tại đảo Thổ Châu.
Theo kết luận giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, số rùa biển nói trên có tên khoa học là Chelonia Mydas thuộc bộ rùa biển, họ vích. Sau khi khởi tố bị can đối với Mậu, Tuấn, cơ quan chức năng huyện đảo Phú Quốc tiếp tục phát hiện 16 con rùa biển đang được nuôi nhốt ở một cơ sở thu mua hải sản tại thị trấn An Thới. Vụ việc này cũng đã được khởi tố vụ án để điều tra làm rõ. Cả 28 con rùa biển (trọng lượng từ 0,7-4kg/con) đều đã được thả trở về môi trường tự nhiên.
Kể lại về quá trình điều tra, bắt giữ các đối tượng của hai vụ nuôi nhốt rùa biển (vích) trái pháp luật này, ông Nguyễn Minh Tiến, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Kiên Giang - người được trao Giải Cán bộ thực thi pháp luật xuất sắc nhất dành cho những cán bộ đang công tác tại các cơ quan thực thi pháp luật đã tham gia trực tiếp vào các vụ việc liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã tại lễ trao Giải Cống hiến bảo vệ động vật hoang dã năm 2019 cho biết, đây là cả một quá trình nghiệp vụ vất vả của tập thể cũng như cá nhân ông.
“Ở địa bàn Kiên Giang chúng tôi thường hay xảy ra việc buôn bán các loại động vật hoang dã như rùa, kỳ đà, trăn, rắn… nhất là loài rùa biển vì vùng biền Tây Nam có nhiều loài rùa biển quý hiếm. Ở vụ tại đảo Thổ Chu, nhận được nguồn tin, chúng tôi ngay lập tức lên tàu xuất phát, dù lúc đó trời đang bão rất lớn. Biết là nguy hiểm nhưng chúng tôi không thể không đi vì nếu không tang vật mất, đối tượng tẩu thoát, vụ án sẽ đi vào bế tắc. Khi ra đến đảo, chúng tôi đã bắt giữ được đối tượng đang cất giữ nuôi nhốt 12 cá thể và không chỉ nuôi nhốt không mà còn có cả hành vi mua bán. Sau đó, chúng tôi còn phát hiện ra thêm một đối tượng đồng phạm nữa.
Sau khi đấu tranh, chúng tôi đã củng cố hồ sơ, đưa về Phú Quốc giám định, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định. Một đối tượng chịu mức án 5 năm tù, đối tượng chịu mức án 5 năm 3 tháng tù. Vụ thứ hai cũng từ nguồn tin của nhân dân qua công tác trinh sát phát hiện được ngay thị trấn An Thới có đối tượng kinh doanh rùa biển. Đối tượng này trước đây đã từng có hành vi nuôi nhốt và đã được tuyên truyền giáo dục, buộc thả cá thể về với tự nhiên và cam kết không tái phạm, nhưng lần này đối tượng lại có cả hành vi mua bán nên đã bị bắt giữ.
16 cá thể rùa biển được nuôi nhốt ở bè nuôi cá khá lâu nên đã mất tập tính tự nhiên. Vụ việc đã được củng cố hồ sơ và truy tố trước pháp luật. Có thể nói, quá trình truy đuổi, bắt giữ đối tượng buôn bán động vật hoang dã nói chung và trên biển nói riêng, rất vất vả. Cán bộ điều tra phải ăn chực nằm chờ, sẵn sàng hoạt động trong bão gió, thời tiết khắc nghiệt. Nhưng với chúng tôi sự quyết tâm tuyên chiến với hành vi vi phạm bảo vệ động vật hoang dã vẫn cao hơn cả” - ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.