Quá khứ nợ nần chồng chất, gán con trả nợ không dập tắt được tinh thần sáng tạo và ý chí thoát nghèo của ông Trần Văn Dũng (57 tuổi, ngụ ấp Phước An, xã Long Toàn, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Cố gắng không ngừng nghỉ, người nông dân mù chữ giờ trở thành một tỉ phú, có những phát minh hữu ích.
|
Chân dung tỉ phú lam lũ |
Quá khứ nghèo khó
Là con thứ 7 trong gia đình có đến 9 anh chị em, cuộc sống cậu bé Dũng từ lúc lọt lòng mẹ đã bị cái nghèo đeo bám. Miếng ăn còn không đủ lấy đâu tiền lo cho con học lấy cái chữ, tất cả anh em trong nhà đều chưa từng một ngày đến lớp. Ở vùng đất xa xôi ven biển này, kiếm việc làm là chuyện không dễ vì ai nấy cũng nghèo, cũng giành giật nhau từng công việc kiếm miếng ăn. Dũng vào đời với nghề đào bùn, tiền công chỉ đủ hai bữa ăn.
Lớn lên, chàng trai lập gia đình với một cô gái cũng “nghèo rớt mồng tơi” rồi vợ chồng sinh được bốn mặt con. Đã nghèo, con cái lại nheo nhóc, cặp vợ chồng làm thuê “đầu tắt mặt tối” vẫn “thiếu trước hụt sau”. Anh khởi nghiệp bằng cách đi vay mượn khắp nơi, được số tiền 8 triệu để đào ao nuôi tôm. Không được đào tạo bài bản, tôm nuôi dần chết sạch, anh trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần. Dù đã làm đủ thứ nghề như hớt tóc, sửa xe, thợ mộc, thợ hàn… vẫn không đủ tiền trả nợ, một đêm giữa năm 1993, anh quyết định cùng vợ con trốn nợ, men theo con nước trên chiếc ghe nhỏ xuống tới mũi Cà Mau sinh sống.
Muốn khởi nghiệp lại từ đầu nhưng không có một đồng, anh tiếp tục vay mượn 5 triệu nuôi tôm. Không giấy tờ thế chấp, người nông dân bấm bụng gán hai đứa con nhỏ cho chủ nợ có vốn liếng làm ăn. “Không còn cách nào khác, nếu không cả nhà ôm nhau chờ chết đói”, ông nhớ lại. Rút kinh nghiệm lần trước, mùa tôm năm ấy ông thắng đậm, đủ tiền chuộc con về.
Nào ngờ vận đen lại kéo đến, một cơn bão đã cướp đi toàn bộ tài sản gia đình cố công dành dụm suốt 7 năm, trở về hai bàn tay trắng. Ông chua chát nhớ lại: “Lúc đó hụt hẫng vô cùng, nhủ lòng nếu có chết cũng phải chết trên đất ông bà nên tôi quyết định cùng vợ con về quê, chấp nhận cảnh mắc cỡ, xấu hổ với láng giềng, chỉ biết lầm lũi qua ngày kiếm sống bằng nghề đắp bùn mướn”.
Năm 1999, phong trào nuôi tôm sú phát triển mạnh ở vùng đất ngập mặn Duyên Hải, nảy sinh yêu cầu mở rộng diện tích ao nuôi, đắp mương. Tuy nhiên những máy móc thời điểm bấy giờ có cùng nhược điểm là khi gặp địa bàn không tiện đường giao thông thì máy xáng cạp khó di chuyển, còn máy sên bùn thì công suất thấp, gặp dừa nước, rễ cây phải “chào thua”. Thời cơ đã đến với anh nông dân nghèo.
Tự chế chiếc máy thoát nghèo
Với kinh nghiệm nhiều năm đào bùn và sửa xe, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông nông dân mù chữ hình dung ra chiếc máy đào bùn có thể hoá giải khó khăn. Đã có ý tưởng nhưng bắt tay vào việc sáng chế còn khó hơn vì không một đồng vốn. Nghe người đàn ông từng một lần “xù nợ” ngỏ ý mượn tiền, ai nấy cho rằng chuyện bịa, chỉ cần thấy anh lấp ló trước nhà là chủ nhà vội trốn đi. May mắn trong một lần ăn tiệc, nghe được sáng kiến của anh, một người nông dân nghèo “cả gan” giao hết giấy tờ đất đai cho anh đem thế chấp lấy tiền. Lòng tốt bụng của ông lão khiến anh cảm kích: “Phen này không thể thất bại”.
Không trường lớp đào tạo kiến thức, không một bản thảo chi tiết, anh nông dân chỉ biết hình dung sản phẩm trong đầu, sai cái nào thì tháo ra chỉnh sửa lại. Quá trình tự mày mò sáng chế, anh không may bị dây sên cắt đứt hai ngón tay. Nỗi đau thể xác không làm anh bỏ cuộc. Sau gần 3 tháng mày mò cực khổ, một thành phẩm trọn vẹn cũng được ra đời với tên gọi rất bình dân: “Máy hút bùn”. “Ngày đem máy ra sử dụng, bà con trong ấp ai nấy cũng hiếu kì chạy theo xem. Nhìn thấy máy móc vận hành ngon ơ mà nhanh lẹ, mọi người đều tấm tắc khen”, anh nhớ lại.
|
Anh Dũng bên chiếc máy đào bùn đầu tiên |
Chiếc máy hút bùn hoạt động bằng động cơ 22 mã lực gắn trên giàn sát - xi dài hơn 4m, ngang hơn 2m, có hệ thống hộp số, bộ phận điều khiển 2 giàn dao cao hơn 1m, gồm 34 lưỡi dao chặt đất. Mays không cần người phía trên đào đất, chỉ cần người cầm máy vừa kéo vừa đẩy đầu bò để “ăn đất”. Dù gặp đất cứng, dừa nước hay rễ cây, máy vẫn hoạt động tốt nhờ hệ thống lưỡi dao ở trục. Thiết kế trục “ăn đất” trên cao nên phần đất tơi bị đánh rơi vào đầu bò, được hút vào một ống vải và dễ dàng chuyển đi nơi khác cách đó đến 1km, công suất máy đạt từ 25 – 30 m3/giờ, cao gấp 5 lần máy sên bùn cũ, nhiên liệu chỉ tiêu hao từ 2 - 2,5 lít dầu/giờ.
Chiếc máy hữu ích đắt hàng như tôm tươi khi người khắp nơi hay tin đều nhờ đến đào bùn giúp. Hút mỗi m3 bùn giá 5 ngàn đồng, bình quân một tháng Dũng thu về lợi nhuận hơn 50 triệu, không chỉ trả hết nợ mà còn thoát nghèo, mua được một căn nhà khang trang.
Nghị lực phi thường
Tiếng tăm về anh nông dân mù chữ tự chế máy móc lan xa. Người khắp nơi kéo về ngỏ ý mua, năm 2003 anh cho ra đời cơ sở cơ khí Thanh Liêm. Để có những sản phẩm rẻ, vừa túi tiền nông dân, anh không quản khó khăn, mỗi tuần vượt hơn 300km đến An Giang tìm mua sên, nhông, ốc… cũ về tái sử dụng. Tính đến nay cơ sở này đã cung cấp hơn một ngàn máy đào bùn cho khách hàng khắp Việt Nam, có cả những khách hàng từ Lào, Campuchia, Úc cũng tìm đến mua sản phẩm với giá khoảng 18 triệu đồng/chiếc. Anh nông dân mù chữ còn sáng chế nhiều loại máy hữu dụng khác cho nông dân như máy cải tạo ao, máy bơm cát, máy thông đáy ao, máy nhổ cây… đều có cấu tạo đơn giản, rẻ tiền, hiệu quả.
Khi đã bước qua cái dốc của bên kia cuộc đời, nhìn lại con đường đầy sóng gió mà mình đã bước qua, anh Dũng mới thấm thía tâm niệm: “Cứ sống hết mình, cứ làm việc hết sức mình thì cuộc đời chẳng phụ ai”. Đời đã thoát nghèo, nhà cao cửa rộng nhưng tỉ phú này vẫn giữ nếp sống mấy mươi năm về trước, trải chiếu ngủ giường, nằm võng tre, nghêu ngao vọng cổ, nông dân chính gốc với làn da đen sạm vì nắng gió, quần áo đơn sơ, cử chỉ ân cần.
Anh tự nhận mình giàu hơn, nhưng không sang hơn chút nào, có khác chăng là giờ không còn bị cái nghèo đeo bám đến ám ảnh giấc mơ. Cái nghèo tưởng chừng hạ gục khát vọng sống, nhưng thực tế không thể đánh bại sự mưu cầu hạnh phúc của người đàn ông mù chữ. Anh chân chất tâm sự: “Bây giờ tuy gia cảnh đã khấm khá lên rất nhiều nhưng tôi không cho phép mình tự cao, sa ngã, phải ngoái lại quá khứ để 0phấn đấu từng ngày”.
Với những đóng góp cho ngành ngông nghiệp, năm 2003 anh Trần Văn Dũng được UBND tỉnh Trà Vinh tặng bằng khen lao động, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Chiếc máy hút bùn cũng được chọn dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 7 và trưng bày tại Hội chợ Triển lãm thiết bị công nghệ mới tại Hà Nội. Anh vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. |
Quốc Dũng