Người hút thuốc lá nguy cơ cao mắc COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa, những người hút thuốc lá càng cần chú ý vì có nguy cơ mắc cao hơn và triệu chứng cũng nặng hơn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thống kê cho thấy, việc sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, cao gấp 10 lần so với tử vong do tai nạn giao thông gây ra.

Tại Việt Nam, theo ước tính số tiền bỏ ra mua thuốc lá lên đến 49.000 tỷ VNĐ/năm (ước tính từ nguồn dữ liệu của nghiên cứu PGATS 2020). Ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.

Khói thuốc lá có hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có khoảng 70 chất có thể gây ung thư. Khói thuốc lá không chỉ có hại với người hút thuốc mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh khi hít phải khói thuốc lá thụ động. Những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ có thể gặp phải các bệnh như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, tim mạch, đột quỵ... Đặc biệt gần đây, các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha) rất có hại cho sức khỏe của cả người hút và những người xung quanh, là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotin, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.

Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn

Trong đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng lưu ý, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền COVID-19 từ tay lên miệng. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như: thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền COVID-19 trong cộng đồng. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên quan giữa thuốc lá và COVID-19.

Ngoài ra, những người nghiện thuốc lá thường không bỏ được thói quen hút ngay cả nơi công cộng hoặc nơi đông người. Như một thói quen trong vô thức, người hút thuốc thường không kiểm soát được hành động của bản thân. Hành động bỏ khẩu trang để hút thuốc nơi công cộng, việc cầm điếu thuốc và đưa tay lên miệng vô tình là hành động khiến virus có thể lây lan và nhiễm vào cơ thể qua đường hô hấp mà bản thân họ không hay biết.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, khảo sát trực tuyến vào đầu tháng 5/2020, với sự tham gia của hơn 4.300 thanh thiếu niên Mỹ, từ 13 đến 24 tuổi, công bố trên Tạp chí Sức khỏe Vị thành niên đã chỉ ra rằng, những người hút thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc COVID-19 cao gấp 5 lần. Trong khi, những người trẻ tuổi vừa hút thuốc lá điện tử vừa hút thuốc lá thông thường có nguy cơ cao gấp 7 lần so với người không hút thuốc.

COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công vào phổi. Hút thuốc làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại COVID-19 và các bệnh khác. Thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không truyền nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và tiểu đường, khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ trở nặng hơn khi mắc COVID-19.

Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc COVID-19 với triệu chứng nặng hơn

Một nghiên cứu của The Society for Research on Nicotine and Tobacco đã khảo sát 11.000 bệnh nhân COVID-19 và phát hiện khoảng 30% những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá mắc phải căn bệnh với các triệu chứng đi từ nghiêm trọng đến nguy kịch. Tỷ lệ này cao gần gấp đôi so với nhóm bệnh nhân không hút thuốc lá.

Một nghiên cứu khác được công bố bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học California cho thấy một phần ba số thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 25 có nguy cơ mắc COVID-19 với các triệu chứng nghiêm trọng. Và thói quen hút thuốc là một trong số những thủ phạm chính gây ra hậu quả này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã kết luận những người có thói quen hút thuốc lá là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch COVID-19, bên cạnh những người mắc bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư…

Các chuyên gia y tế khuyến cáo những người đã, đang và chưa hút thuốc lá: Không hút, không thử, không sử dụng thuốc lá thế hệ mới làm phương tiện cai thuốc lá. Nếu đã hút thì nên dừng càng sớm càng tốt, người hút thuốc lá nên bắt đầu thực hiện ngay các bước để bỏ thuốc.

WHO cũng khuyến nghị người hút thuốc nên bắt đầu thực hiện ngay các bước để bỏ thuốc bằng cách sử dụng các phương pháp đã được chứng minh, như tư vấn bỏ thuốc qua số điện thoại miễn phí (ở Việt Nam là số 18006606), chương trình nhắn tin giúp bỏ thuốc qua điện thoại di động và liệu pháp thay thế nicotin.

Trong vòng 20 phút sau khi bỏ thuốc, nhịp tim và huyết áp giảm. Sau 12 giờ, nồng độ các-bon mô-nô xít trong máu giảm xuống mức bình thường. Trong vòng từ 2-12 tuần, hệ tuần hoàn được cải thiện và chức năng phổi tăng lên. Sau 1-9 tháng, ho và khó thở giảm.

WHO nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nghiên cứu có hệ thống, chất lượng cao và được phê duyệt về mặt đạo đức sẽ góp phần cải thiện sức khỏe cá nhân và cộng đồng. WHO đồng thời cảnh báo việc quảng bá các can thiệp chưa được chứng minh có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Đọc thêm