Người kể chuyện “điền dã” về văn hóa Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội là một cái tên, một vùng đất, một đề tài thật đặc biệt: người ta nói mãi, viết mãi mà dường như vẫn không hết chuyện, không thấy chán. Nhưng có lẽ Hà Nội không lấp lánh, bền bỉ được như thế nếu thiếu đi những người kể chuyện duyên dáng. Một trong số đó là Nguyễn Ngọc Tiến.
Hà Nội luôn là một đề tài thật đặc biệt đối với nhiều nhà văn. (Nguồn: internet)
Hà Nội luôn là một đề tài thật đặc biệt đối với nhiều nhà văn. (Nguồn: internet)

Phố cũ mà không cũ

Vẫn là những phố ấy, những nhân vật, sự kiện ấy, nhưng ông không bao giờ viết lại những điều đã biết, nói lại những điều người ta nghe đã nhàm. Dân kinh kỳ nổi tiếng với những thú chơi độc lạ, nhưng ít ai biết tường tận để kể lại một thời chơi chó, chơi xe, chơi lô đề cười ra nước mắt như Nguyễn Ngọc Tiến. Những phố, những cửa ô, ga tàu, khu chợ, nhà hàng,… tất thảy đều hiện lên mới lạ dưới sự quan sát tỉ mỉ và lối viết hóm hỉnh của ông.

Theo nhà phê bình Nguyễn Hòa, từ 6 cuốn sách “Đi dọc Hà Nội”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi xuyên Hà Nội”, “Chuyện quanh quanh Dâm Đàm”, “Hà Nội còn một chút này”, có thể hình dung Nguyễn Ngọc Tiến viết về Hà Nội như một cuộc điền dã văn hóa - lịch sử trong không gian rất rộng. Không gian đó không thể hiện qua các nét phác vẽ đơn thuần hoặc dàn trải, mà là không gian văn hóa - lịch sử của vùng đất ngàn năm văn vật với rất nhiều câu chuyện sinh động, rất nhiều chi tiết thú vị, đồng thời giúp lý giải nhiều vấn đề, sự kiện, hiện tượng.

Ở “Hà Nội còn một chút này”, nhiều nội dung được Nguyễn Ngọc Tiến tiếp cận qua cách đặt nhan đề bài viết là câu hỏi, ví như: Tên Kẻ Chợ có từ bao giờ? Vì sao trường học lại trồng phượng? Vì sao nước hồ Gươm có màu xanh? Vì sao thành Hà Nội bị phá? Vì sao gọi là bờ hồ? Vì sao nhà ở Hà Nội ôm hết vỉa hè?… Với nhan đề là câu hỏi như vậy, bài viết vừa gợi mở, vừa khiến người quan tâm phải đọc, để tìm biết tác giả trả lời, lý giải ra sao.

Để làm được như thế, Nguyễn Ngọc Tiến phải tìm kiếm và đọc khá nhiều rồi tập hợp, khái quát, ghi chép. Đơn cử như bài “Những vị khách du dịch châu Âu đầu tiên đến Hà Nội”, Nguyễn Ngọc Tiến đã tìm hiểu thông tin phái bộ Bồ Đào Nha tới Thăng Long năm 1523, các cuốn sách “Về châu Á” của người Bồ Đào Nha xuất bản năm 1550, “Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài” xuất bản ở Paris năm 1681, “Một chuyến du hành đến Đàng ngoài năm 1688” của một người Anh. Ông tìm hiểu khách sạn đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội có tường đất, lợp lá xây dựng năm 1883; từ cuối năm 1902 đến giữa năm 1903 có gần 1.000 người nước ngoài đến Hà Nội… Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Tiến còn tham khảo báo cáo hằng năm của Toàn quyền Đông Dương, khảo sát khách sạn ở Hà Nội trong hơn nửa thế kỷ, rồi dịch vụ bán bưu thiếp du lịch, thuyền đưa du khách dạo chơi trên hồ Gươm, làm chòi lá để du khách ngắm cảnh chiều…

Đọc “Hà Nội còn một chút này”, hóa ra phố Tràng Tiền với mái hiên che kín vỉa hè cũng có chuyện riêng của nó. Hóa ra chiều cao những ngôi nhà ở phố cổ, phố cũ có quy định cụ thể được diễn Nôm: “Dân phường, nhà giáp, đường quan/Không được làm gác trông ngang ngoài đường/Có cần làm chỗ chứa hàng/Chiều cao không được cao bằng kiệu quan”. Hóa ra bánh mì thơm ngon hôm nay bắt đầu từ ông Camin - chủ lò bánh mì đầu tiên ở Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền)…

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến. (Ảnh: PV)
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến. (Ảnh: PV)

“Khách phong trần” nặng tình núi sông

Nhẩn nha, tỉ mỉ từ quá khứ đến hiện tại, từ truyền thống đến hiện đại, từ sách vở hay văn bản hành chính đến sản phẩm văn hóa dân gian, 368 trang sách của Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục đem tới nhiều điều thú vị. Sau tập tản văn “Hà Nội còn một chút này” viết về vùng đất kinh kỳ quê hương, tới đây Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục ra mắt cuốn sách: “Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn”, bộc lộ những trải nghiệm và suy tư sâu sắc về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.

Góc nhìn của Nguyễn Ngọc Tiến về Hà Nội bao quát từ lịch sử, địa lý, văn hoá cho đến những câu chuyện nhỏ nhặt trong đời sống, nếp sống của dân thị thành. Những điều tra, khảo tả trong thư tịch, sách vở cùng những trải nghiệm thực tế của một người hằng ngày gắn bó với Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến cho ta thấy một Hà Nội thú vị và phong phú biết bao.

Đối với ông, lịch sử chứa đựng những câu chuyện gợi nhiều suy ngẫm về cuộc sống hôm nay. Đó có thể là cảm xúc tự hào, say mê nhưng cũng có thể là nỗi trăn trở, ngậm ngùi về những giá trị vang bóng và suy tàn.

Là một nhà báo có nhiều dấu ấn, Nguyễn Ngọc Tiến may mắn có cơ hội tiếp xúc với nhiều tài liệu và nhân vật lịch sử, qua đó tái hiện những câu chuyện ít người biết. Ông là người được tiếp cận rất sớm với những tư liệu tiếng Đức về Erwin Borchers cùng các chiến sĩ ngoại quốc trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Câu chuyện về những chiến sĩ Việt Minh người Đức tưởng chừng xa vời như trong những chuyện kể xưa, giờ đây lại hiện lên đặc biệt chân thực như vừa mới hôm qua. Chuyện về những cán bộ Liên Xô sang giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh, chuyện về những “ông quan” với tinh thần đấu tranh, dám nghĩ, dám làm đưa Việt Nam đi lên sau thời kỳ đổi mới và cả chuyện về những người nghệ sĩ một thời huy hoàng trên sân khấu cải lương, sân khấu chèo…

Đọc những trang viết của Nguyễn Ngọc Tiến, điều thú vị là nó luôn mang phong vị của cả khảo cứu lẫn tùy bút, có cái khách quan của người làm báo, nhưng cũng có cả cái đa tình của người viết văn. Và như thế, trong trang sách của ông bao giờ cũng có dáng dấp của một con người đi và viết, một khách phong trần nặng tình núi sông.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại Hà Nội. Ở tuổi ngoài 60, với 2 cuốn sách mới xuất bản cùng hàng loạt những dự án, đề tài đang thực hiện, Nguyễn Ngọc Tiến không chỉ chứng tỏ một sức viết đáng nể mà còn cho thấy độ chín về tài năng. Ông từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2012 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 2012.