Người kể về những mảnh đời qua các bản án

(PLO) - Sau 12 năm công tác trong ngành Thi hành án dân sự (THADS), anh Trần Mạnh Hà (SN 1978), Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh vẫn ghi tạc lời dạy của người cha: “Tiền thì ai cũng quý nhưng làm sao để bà con quý mình là tốt hơn”. Câu nói trên cũng chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của vị cán bộ Tư pháp có biệt danh “nông dân” này.
Anh Hà (cầm hoa) nhận cờ thi đua dành cho đơn vị xuất sắc
Anh Hà (cầm hoa) nhận cờ thi đua dành cho đơn vị xuất sắc
Mỗi ngày 1 án
Ấn tượng đầu tiên về anh Trần Mạnh Hà là một người hiền lành, cởi mở và thật thà như… đếm. Bạn bè gọi anh là “nông dân” cũng vì tính thật thà đó cộng với sự toan tính “kỹ lưỡng”, lên kế hoạch cẩn thận mỗi khi làm bất cứ công việc gì. “Ở một TP công nghiệp này, ai cũng đi nhanh, nghĩ nhanh, tôi thấy mình đi chậm, nghĩ chậm hơn. Nhưng được cái chậm mà chắc”, anh Hà cười xuề xòa lý giải.
Anh sinh ra trong một gia đình nông nghiệp, bố là thương binh hạng 2/4, còn mẹ là nhân viên Hợp tác xã thêu ren Cẩm Phả. Chiến tranh đã cướp đi một bên chân của người cha nên là anh cả trong gia đình, ngay từ khi mới lớn anh Hà đã phải cáng đáng mọi công việc lớn nhỏ.
Tốt nghiệp Đại học Đông Đô khoa Luật Kinh tế, anh về làm chuyên viên giúp việc cho chấp hành viên (CHV) tại Chi cục THADS thị xã Cẩm Phả (bây giờ là TP Cẩm Phả) năm 2003 với mức lương 400 ngàn đồng/tháng. Ở cái thời, kinh doanh than “lậu” đang gây “sốt” này, bạn bè cùng trang lứa rủ nhau hùn vốn mua xe kinh doanh. Chẳng mấy chốc họ có nhà lầu, xe hơi, và rủ rê anh “góp cổ phần”. Tuy nhiên, anh khước từ bởi luôn tâm niệm phải cố gắng làm tốt công việc trước mắt thì mới “bền” được.
Đến năm 2006, anh được cơ quan cử đi học nghiệp vụ CHV và giữ vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên của đơn vị. Sau 2 năm, anh chính thức được bổ nhiệm CHV. Đến năm 2009, anh được đề bạt giữ chức Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS thị xã Cẩm Phả. Anh Hà nhớ lại: “Thời điểm trước, đơn vị có 12-15 cán bộ công nhân viên chức thì chỉ có 5 CHV. 
Tuy nhiên, với địa bàn 16 xã phường, lượng công việc gồm tiền và án tồn thì cao gấp 3 lần bây giờ. Trung bình, mỗi CHV phải thi hành xong 300-500 án/năm mới hoàn thành chỉ tiêu. Ngày đó, tôi phải tự đặt ra phương châm “mỗi ngày một án” để có động lực làm việc”, anh Hà bộc bạch.
Tâm sự về những mảnh đời lay lắt
12 năm công tác trong ngành, anh Hà đã “đúc rút” được một điều: “THA không hề cứng nhắc, khô khan; ngược lại, công tác này chẳng khác gì việc anh trở thành “nhà quân sư” hòa giải, động viên, cố gắng khéo léo làm sao để mỗi sự việc phải thi hành không phải thực hiện cưỡng chế, bắt buộc đương sự”.
Với phương châm xử lý công việc mềm dẻo, linh hoạt như vậy, nên anh Hà có nhiều kỷ niệm về  nghề. Kỷ niệm “cười ra nước mắt” trong sự nghiệp của anh là khi anh phải thụ lý vụ việc, xác minh việc một thương binh tại Phường Trại Chuối, Quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng “ôm một bọc tiền” đứng ra đòi nợ thuê cho một công dân có hộ khẩu thường trú tại Cẩm Phả. Với sự giúp đỡ của các ban ngành TP Hải Phòng, anh Hà nhanh chóng tiếp cận với đối tượng. 
Tuy nhiên, khi anh nhắc đến khoản tiền đó, ông thương binh bỗng dưng “nhảy dựng lên”, nhốt tất cả anh em THA trong nhà. Suốt 2 giờ liền, ông thương  binh còn lăm le con dao chực xông tới “thanh toán” từng CHV. Sự việc xảy ra cũng khá bất ngờ, sau này, theo lý giải của bà vợ, do ảnh hưởng của chiến tranh, nhiều lúc đầu óc ông thương binh này… không bình thường. Được vợ con can ngăn, ông mới chần chừ thay đổi quyết định và mở cửa cho lực lượng THA ra về. 
Anh Hà cũng có rất nhiều duyên nợ với nghề, công việc của anh thường gắn với những bản án và những con người cụ thể. Vụ việc THA khiến anh phải “trăn trở” nhất là vụ THA ở Phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả. Vụ án này anh đã phải “đối mặt” với một gia đình có 6 người thì cả 6 người đang ngồi tù vì ma túy,  trộm cắp... 
Anh Hà đã từng chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng nhưng chưa khi nào anh lại bị ám ảnh như vậy. Họ hàng gia đình này bộc bạch: “6 người thân trong gia đình họ chẳng có công ăn việc làm gì, sống chết không biết thế nào!. Cũng may, vào trại họ còn có cơm mà ăn, chứ ở ngoài chắc họ chết đói từ lâu rồi, họ hàng cũng chẳng ai cưu mang  nổi!”. Những lời nói này đã thực sự ám ảnh tâm trí anh, khi cầm 200 ngàn đồng tiền án phí trong tay anh Hà thẫn thờ mãi. Cũng là số phận con người, sao người ta sống chẳng khác nào đã chết, anh Hà kể lại.
Công việc THA cũng muôn sắc màu,  có những bản án “tréo ngoe”, việc THA chẳng khác nào “mò kim đáy bể”. Có lần, anh phải thi hành một bản án với địa chỉ “hộ mặt nước, khu bến Do, Phường Cẩm Trung”. Năm lần bảy lượt qua lại khu bến nước mênh mông đó, anh vẫn không thấy ngôi nhà nào. 
May mắn thay, được sự giúp đỡ của bà con, anh mới tìm ra địa chỉ của bản án là một phụ nữ đơn thân nghèo đói, tóc bạc, lưng còng có con trai phạm tội “Giết người”. Một chiếc thuyền xi măng vỡ, lợp lá cây lên trên là…“nhà” để bà trú nắng, trú mưa. Ngày ngày bà đi cào mỏ quạ, đêm đến ngủ ở ven đường vì ở ngoài bến quá lạnh. 
Bản án có lẽ đã không bao giờ thi hành được nếu bà không gặp được một người bán nước ven đường rủ lòng thương cho 800 ngàn tiền án phí. Án thi hành xong, nhưng anh bảo trách nhiệm của mình chưa xong. Khi rảnh rang, anh Hà lại qua khu bến Do để thăm bà, để thấy bà vẫn còn tồn tại trên cõi đời này.
Trong câu chuyện của anh, tôi còn được nghe về nhiều mảnh đời, nhiều số phận đáng thương khác nữa…Khi được hỏi vì sao nhiệm vụ nào được giao anh cũng hoàn thành, anh thành thật chia sẻ: “Lời cha tôi nói quả không sai: làm nghề gì cũng vậy, phải làm sao để mọi người quý mình. Một cán bộ THA lấy được lòng bà con, được bà con quý mến thì ắt thành công!”
Với sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hàng năm, Chi cục THADS TP Cẩm Phả đều được tặng Giấy khen của Cục THADS tỉnh Quảng Ninh, liên tục trong nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, tập thể lao động tiên tiến. Năm 2014, Chi cục THADS TP Cẩm Phả đưa ra thi hành tổng số án là 1.584 việc với số tiền hơn 86 tỷ đồng; đã thi hành xong đạt tỷ lệ 89,3% về việc, 82,8% về tiền, tỷ lệ giảm án tồn đọng là 24%.
Bằng sự nỗ lực của bản thân, anh Trần Mạnh Hà được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở trong 4 năm liền, từ 2010-2013; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp năm 2014. 

Đọc thêm