Bám sát đặc điểm địa phương, nhất là tâm lý, tập tục, thói quen của đồng bào các dân tộc, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, chị đã và đang có nhiều đóng góp không nhỏ vào những chuyển biến cả về nhận thức cũng như hành động của bà con trong thực hiện các quy định của pháp luật.
Gần dân, hiểu dân để làm tốt nhiệm vụ
Sinh ra và lớn lên ở huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp Pháp lý của Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật tỉnh Điện Biên, chị Lý Thị Rơi theo chồng vào định cư tại xã Nà Hỳ, một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Nậm Pồ.
Được sự động viên của gia đình, đầu năm 2005, chị Rơi thi đỗ và được tuyển dụng vào làm cán bộ tư pháp xã Nà Hỳ. Với điều kiện của một xã mới thành lập, giao thông đi lại ở đây rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Cùng với đó, xã Nà Hỳ có địa bàn rộng gồm 10 bản với dân số gần 4.000 người chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái, trình độ dân trí và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế… đã gây không ít trở ngại đối với công việc của cán bộ tư pháp xã, đặc biệt là trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và công tác trợ giúp pháp lý.
Trước hoàn cảnh đó, với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, chị Rơi đã luôn đi sâu, đi sát, nắm vững tình hình thực tế địa phương. Bản thân là người Khơ Mú, xác định bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn nhất trong tuyên truyền, vận động đồng bào nên chị Rơi đã tranh thủ thời gian để tìm hiểu và học tiếng của từng dân tộc.
Chỉ chưa đầy một năm, chị đã sử dụng thành thạo tiếng của người Mông, người Dao, người Thái, công việc chuyên môn vì thế cũng có nhiều thuận lợi hơn. Nhớ lại những ngày đầu công tác, chị chia sẻ: “Cũng vất vả lắm! Đường vào các bản chủ yếu là đường đất, mùa mưa thì không thể đi xe được nên có hôm cả đi cả về mình phải cuốc bộ 17 - 20km để vào bản tuyên truyền, vận động bà con”.
Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất đối với chị chính là việc thay đổi nhận thức và thói quen, tập quán của bà con. Đồng bào các dân tộc ở Nà Hỳ vốn có quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, đi kèm với đó là tình trạng kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết, tâm lý “ngại” đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh… vì đó là “việc của dòng họ, việc của gia đình”.
Vậy nên, chị Rơi đã thường xuyên phối hợp cùng các đoàn thể địa phương như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… để tuyên truyền những nội dung về kế hoạch hóa gia đình, luật hôn nhân, hộ khẩu, hộ tịch đến với bà con dân bản. Không chỉ đầu tư thời gian “chuyển ngữ” các nội dung thành tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Dao, chị còn không quản ngày đêm, lặn lội đến từng bản, vào từng nhà để tuyên truyền, giải thích nhiều lần, nhiều ngày giúp cho mọi người hiểu rõ. Nhờ đó, đồng bào đã dần hiểu và có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn.
Kỷ niệm sâu sắc nhất trong hơn 10 năm công tác của chị Rơi là lần vận động 2 gia đình người Mông ở bản Sam Lang và bản Lai Khoang không tổ chức đám cưới cho 2 em nhỏ 14, 15 tuổi. Liên tục nửa tháng liền, cứ 2 ngày một lần, chị lại vượt 15km từ trung tâm xã vào 2 bản để vận động.
Đỉnh điểm là khi bố cậu bé 15 tuổi tuyên bố: “Cán bộ mà không cho làm đám cưới là chúng nó sẽ ăn lá ngón tự tử!” Song nhờ sự kiên trì giải thích cùng thái độ mềm mỏng, tinh thần trách nhiệm của chị Rơi nên già làng cũng là trưởng họ, người có uy tín ở bản đã hiểu và cùng chị thuyết phục thành công 2 gia đình cho bọn trẻ tiếp tục đi học và chờ đến khi đủ tuổi thì mới tổ chức đám cưới.
Đồng chí Lò Văn Khan, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ cho biết: “Trên cương vị cán bộ tư pháp xã, đồng chí Lý Thị Rơi đã thường xuyên hoàn thành tốt, góp phần quan trọng tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc trong xã”.
“Còn công tác còn cống hiến cho hoạt động tư pháp”
Đó là lời chia sẻ đầy chân tình của chị Rơi khi trao đổi cùng chúng tôi về những dự định và trăn trở xoay quanh công việc tư pháp bởi như cách nói của chị thì “Cái nghiệp tư pháp nó đã ngấm vào máu của mình mất rồi!”.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân qua hơn 10 năm gắn bó với công tác tư pháp, chị Rơi nhận thấy, phần lớn những vi phạm của bà con là do thói quen, tập tục lạc hậu và những hạn chế về nhận thức; do điều kiện kinh tế khó khăn hoặc cách nghĩ “thấy người trong bản lúc trước làm vậy nên cũng làm theo”.
Đơn cử như việc tảo hôn là bởi suy nghĩ: lấy vợ, lấy chồng sớm để sinh con, thêm người để dòng họ mình đông nhất, lớn nhất so với các dòng họ khác… Vậy nên, song song với công tác tuyên truyền, giáo dục, giải thích để nâng cao nhận thức của bà con thì cần quan tâm giúp đỡ người dân phát triển đời sống vật chất, tinh thần gắn với những chính sách, mô hình hiệu quả.
Thực tế ở Nà Hỳ cho thấy, phát huy tốt vai trò của cán bộ tư pháp trên cơ sở sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương chính là điều kiện quan trọng để đồng bào các dân tộc hiểu rõ và thực hiện đúng pháp luật, loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu.
Thời gian qua, tại 10 bản của xã Nà Hỳ, tình trạng hôn nhân cận huyết đã hoàn toàn chấm dứt, hiện tượng kết hôn sớm cũng chỉ còn rải rác với số lượng rất ít. Nếu như trước đây phần lớn việc kết hôn, khai sinh, khai tử đều bị các gia đình “bỏ qua” thì nay những nội dung này đã cơ bản được thực hiện đúng theo quy định.
Đặc biệt, với vai trò tích cực tuyên truyền của chị, đến nay tục thách cưới, tục kéo vợ và việc tổ chức đám ma dài ngày của người Mông ở Nà Hỳ đã được khắc phục có hiệu quả; người Mông cũng không còn ăn tết hàng tháng nữa mà đã chuyển sang ăn tết Nguyên đán giống các dân tộc khác trong xã.
Không chỉ hoàn thành tốt công việc chuyên môn, chị Rơi còn là người phụ nữ “đảm việc nhà”. Thấy rõ cái vất vả của việc thất học nên chị đã cùng gia đình động viên các con nỗ lực học hành thành đạt. Cháu trai đầu lòng của vợ chồng chị vừa tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân đang chờ phân công công tác, còn cháu gái thứ hai thì đang theo học năm thứ 2 Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tìm tòi, phát triển sản xuất và trở thành một điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương.
Nói về chị Lý Thị Rơi, bà Phạm Thị Ngân - Trưởng phòng Tư pháp huyện Nậm Pồ cho biết: “Năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong công tác, chị Lý Thị Rơi là một trong những cán bộ tư pháp xã điển hình nhất ở Nậm Pồ. Chị đã có nhiều đóng góp vào sự đổi thay của xã Nà Hỳ kể từ sau khi chia tách xã, đặc biệt là việc chấp hành các quy phạm pháp luật của người dân”.
Ghi nhận những kết quả trên, chị Lý Thị Rơi đã được nhận rất nhiều giấy khen của Sở Tư pháp, UBND huyện Nậm Pồ vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhiều năm liền chị luôn đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; gia đình chị được công nhận là “Gia đình văn hóa”.
Đặc biệt, cuối năm 2014 chị Rơi vinh dự là một trong 25 đại biểu đại diện cho huyện Nậm Pồ tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên lần thứ II. Song, như chia sẻ của chị Lý Thị Rơi, phần thưởng lớn nhất đối với chị đó là tình cảm yêu thương, quý trọng của đồng bào các dân tộc trong xã cũng như những chuyển biến về nhận thức và hành động của bà con trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.
Tạm biệt Nà Hỳ khi mặt trời đã chuẩn bị khuất sau dải núi tai mèo phía xa, tôi nhớ mãi câu nói của chị khi rời trụ sở UBND xã: “Mong sao Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến vùng sâu, vùng xa để chúng tôi có điều kiện giúp đồng bào nâng cao nhận thức pháp luật”. Trong tôi, chợt dâng lên niềm tin tưởng, với những cán bộ tư pháp năng nổ, nhiệt tâm như chị thì một ngày không xa, những thói quen, tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc ở Nà Hỳ sẽ sớm được khắc phục hoàn toàn, để bà con cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tiến tới xây dựng một cuộc sống văn minh, tiến bộ, phát triển.