Người khai mở kỷ nguyên… nghe lén

(PLO) -Nếu Edward Snowden làm việc trong cơ quan tình báo Mỹ cách đây 100 năm, có thể anh ta đã không bị truy lùng ráo riết như vậy vì đã làm rò rỉ thâm cung bí sử của hệ thống do thám thông tin của nước Mỹ. 
 Tài năng của Herbert Yardley giúp nước Mỹ rất nhiều trong cuộc chiến tranh Thế giới thứ Nhất.
Tài năng của Herbert Yardley giúp nước Mỹ rất nhiều trong cuộc chiến tranh Thế giới thứ Nhất.

Tất cả mọi việc đơn giản là bởi vào năm 1931, Hebert Yardley, cha đẻ của chuyên ngành mật mã nước Mỹ từng hé lộ sự thật về một cơ quan của chính phủ Mỹ chuyên thu thập, giải mã và đọc các tin nhắn cá nhân của gần 20 chính phủ nước ngoài.

Nhưng thay vì phải đào tẩu ra nước ngoài để tránh bị xét xử, Yardley lại được an táng trong nghĩa trang Quốc gia Arlington và có mặt trong Căn phòng Danh dự của Cơ quan An ninh Quốc gia. 

Một thiên tài hắc ám

“Thói quen” hóng hớt chuyện người khác của người Mỹ có lẽ còn có lịch sử dài hơn cả nền cộng hòa của họ. Với sự giúp đỡ của một chuyên gia mật mã, George Washington đã giải mật được những tin nhắn của người Anh trong suốt cuộc bao vây tại Yorktown.

Ít nhất có ba lần Washington tung ra những kế hoạch chiến tranh giả và những tài liệu của quân đội nhằm đánh lừa quân đội Anh. Abraham Lincoln cũng dành khá nhiều thời gian với căn phòng điện tín của Bộ Chiến tranh, bởi ông muốn nắm bắt kịp thời nhất những diễn biến của quân đội và cả các kế hoạch của Liên minh đối phương. Nhưng việc thu thập thông tin có vẻ như rất lạc hậu và không đầy đủ. 

Yardley có may mắn sống ở vào một thời đại mà thế giới đã trở nên gắn kết chặt chẽ nhờ có điện tín, công nghệ mà ông sinh ra để trở thành bậc thầy. Bố ông là một nhân viên điện tín hỏa xa ở Worthington, bang Indiana, là người thầy đầu tiên đưa ông vào với những kỹ năng cơ bản nhất của công việc – đánh mã Morse.

Với tài năng ma thuật đã sớm bộc lộ của mình, Yardley còn tự học chơi bài tại những quán rượu ở Worthington, nơi rất phù hợp để ông khám phá được hết những kỹ năng hiếm có của mình. Yardley học được cách phân biệt các trò bịp bợm và cách làm thế  nào để lừa phỉnh các con bạc đối thủ của mình.

Chàng trai trẻ tuổi có một bộ óc thông tỏ hiếm thấy với các cuộc chơi, con số và những trò ma mãnh. Sử gia chuyên nghiên cứu về chuyên ngành mật mã và tiểu sử của Yardley, David Kahn viết rằng Yardley là một kẻ cuồng đọc, có tài năng thiên bẩm với từ ngữ và từng được một người bạn gọi là “chàng trai thông minh nhất thị trấn”.

Nhưng Worthington có vẻ như quá bé so với tài năng của Yardley. Ông không có đất để “dụng võ” ngoài việc lang thang qua những bàn chơi bài poker. Nhưng số phận đã sang trang với Yardley vào năm 1912 khi ông giành chiến thắng trong một bài kiểm tra dịch vụ công và rồi chuyển tới Washington làm công việc của một nhân viên điện toán trong bộ Ngoại giao. 

Cha đẻ của “nghệ thuật” nghe lén

Làm việc ca đêm tại phòng mật mã, Yardley cảm thấy lịch sử đang đi qua bàn tay mình trong những thông điệp được mã hóa được gửi từ các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài.

Trước khi chính thức bước vào cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất năm 1917, nước Mỹ tỏ ra khá ngờ nghệch với những hình thức liên lạc bảo mật. Không có một cơ quan nào thuộc quân đội nào phụ trách việc ngăn chặn và giải mã thông điệp của đối thủ. Các lãnh đạo cấp cao hầu như chưa ý thức được vấn đề.

Mọi việc chỉ thay đổi khi Yardley tự đề xuất bản thân cho công việc này. Nỗi lo thường trực rằng nước Mỹ đang bị các nước khác nghe lén đã thúc đẩy quyết định này. “Những bạn bè của chúng ta đều đã tuyển dụng những nhân viên mật mã. Tại sao người Mỹ lại không có cơ quan nào để đọc những mật mã ngoại giao và điện tín của chính phủ nước ngoài?” Yardley tự nhủ và viết trong bản đề xuất gửi lên cấp cao hơn về một công việc mà sau này gắn chặt với cuộc đời và tên tuổi của ông. 

Thủa ban đầu mới bắt đầu công việc mới, Yardley phải tự mày mò cách phá các loại mật mã, Giống như một cậu học trò ngồi học đánh vần mà không có thầy giáo. Ông chỉ còn cách học qua những đoạn mật mã thử nghiệm và cả những đoạn mã lỗi, bất kể chúng được bảo mật theo kiểu nào. Nhưng rất nhiều đoạn thông điệp được mã hóa như thế đáng lý ra Yardley không nên đọc.

Một đêm tháng Ba năm 1915, sau khi bắt được một đường dây liên lạc giữa Nhà Trắng và một nhân vật tại New York, Yardley chép lại một đoạn điện tín được cho là cuộc trao đổi giữa Tổng thống Woodrow Wilson với cố vấn thân cận Edward House. Đây có lẽ là lần đầu tiên một chuyên gia mật mã của Mỹ nghe lén Tổng thống và Yardley cũng chỉ mất chưa tới hai giờ để “giải quyết” văn bản này.

Báo cáo về cuộc gặp tại Đức của Tổng thống với Thống chế Kaiser Wilhelm II để thảo luận về triển vọng hòa bình khiến Yardley thất kinh vì trình độ và kỹ thuật mã hóa chỉ ở mức “tiểu học” của đội ngũ điện báo phục vụ Tổng thống. “Quả thực nó không xứng tầm để phục vụ người đứng đầu một cường quốc.” 

Bản giải mã này bị đốt đi ngay sau đó, nhưng nó đã trở thành bằng chứng cho một báo cáo chi tiết của Yardley về sự lỏng lẻo trong khâu mã hóa các tài liệu ngoại giao của nước Mỹ.

Và rồi ông hiển nhiên đã thuyết phục được Chính phủ về sự cần thiết phải thắt chặt các biện pháp bảo mật trước nguy cơ chiến tranh đang tới gần, điều mà các nước châu Âu đã làm từ lâu. Cố gắng của Herbert Yardley đã dẫn tới việc cho ra đời một bộ phận chuyên biệt cho công việc này. 

Cuộc chiến bắt đầu

Vào thời điểm ấy, nước Anh, người bạn tốt nhất của người Mỹ ở châu Âu đã bắt đầu đọc các điện tín của Tổng thống Mỹ. Và hơn thế nữa, những thông tin mà người Anh có được biến nước Mỹ thành một cậu học trò dễ bị chi phối. Nó cho thấy châu Âu đã đi trước nước Mỹ trong lĩnh vực này và giờ đây, nước Mỹ có thể bị dẫn dắt vào một cuộc phiêu lưu.

Có một điều khá nghịch lý là một chiến dịch giải mã của quân đội Anh mang tên mật là Phòng 40, đã thúc đẩy nước Mỹ bước vào cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, cho dù các nhà lãnh đạo Mỹ không hề biết về vai trò thực sự của cơ quan này. 

Người Anh đã sao chép lại mọi bức điện đi qua hệ thống cáp điện tín xuyên Đại Tây Dương của nước Mỹ bằng cách đột nhập vào tất cả dòng tin tức được truyền qua một trạm chuyển tiếp đặt tại Porthcurno, bên bờ biển phía Tây của nước Anh. 

Tháng Một năm 1917, Phòng 40 ngăn chặn một đoạn điện tín được mã hóa được gửi đi từ Arthur Zimmermann - Bộ trưởng Ngoại giao Đức - hứa sẽ giúp đỡ Mexico lấy lại ba bang của nước Mỹ để đổi lại việc liên minh với Đức chống lại Mỹ. Nhưng những nhân viên mật mã của Đức có vẻ đã đánh giá thấp năng lực của những đồng nghiệp Mỹ và họ cũng tin rằng bức điện tín với nội dung thù địch được gửi qua hệ thống viễn thông của nước Mỹ sẽ được bảo mật.

Hiển nhiên với quan điểm của người Mỹ thì hệ thống này là an toàn, nhưng trong mắt Phòng 40, những đường dây điện tín này hoàn toàn không. Cơ quan này đã trao “Bức điện tín Zimmermann” cho chính phủ Mỹ, kèm theo một câu chuyện về việc làm thế nào mà họ có được chúng.

Văn bản này là một cú sốc với dân tộc với người Mỹ, và nước Mỹ cuối cùng đã từ bỏ vị thế trung lập của mình để thực sự bước vào cuộc đại chiến. 

Với vị trí của mình, Yardley biết rằng đội ngũ những chuyên gia phá mã là tối cần thiết cho cuộc chiến. Đây là lí do ông đưa ra để thuyết phục người đứng đầu bộ phận tình báo quốc phòng thu nhận ông để giúp thiết lập MI-8, một cục mới chuyên về giải mã.

Và thế là một người đàn ông 28 tuổi, dáng người thấp nhỏ nhưng nhanh nhẹn, và có tài ăn nói đã trở thành cha đẻ của một chuyên ngành mới trong hệ thống tình báo Mỹ: Mật mã…

Đọc thêm