Chủ nhân duy nhất trong sự nghiệp
Thượng nghị sĩ John McCain chỉ phụng sự một chủ nhân duy nhất trong suốt sự nghiệp của mình: nước Mỹ.
Đó là truyền thống của gia đình ông. McCain là hậu duệ của một đại úy trong quân đội George Washington thời Chiến tranh Cách mạng Mỹ vào thế kỷ 18.
Giống như bố và ông nội - cả hai đều là tướng 4 sao, John McCain cũng từng ở trong quân ngũ. Ông tham chiến ở Việt Nam với tư cách phi công hải quân. Khi thực hiện cuộc ném bom ngày 26/10/1967, máy bay của McCain bị bắn trúng trên bầu trời Hà Nội và ông trở thành tù binh chiến tranh. McCain cùng nhiều tù binh Mỹ khác được trao trả ngày 14/3/1973.
Rời quân ngũ, McCain gia nhập chính trường. Sau khi chuyển đến sống tại quê vợ Arizona, McCain giành được một ghế trong hạ viện Mỹ năm 1982. Tham vọng của ông tăng lên và ông nhanh chóng tiến vào thượng viện - cơ quan chính trị quyền lực nhất ở Mỹ. Nơi đây trở thành ngôi nhà thứ hai của ông trong 30 năm.
McCain trải qua hai lần kết hôn. Ông chung sống với người vợ đầu, Carol Shepp, người mẫu từ Philadelphia từ năm 1965 đến năm 1980. Ông đi bước nữa với Cindy Lou Hensley, giáo viên từ Arizona vào giữa năm 1980. Ông có tất cả 7 người con, trong đó có ba người con nuôi.
Thượng nghị sĩ nổi tiếng là một người Cộng hòa không theo khuôn phép, nhiều lần có ý kiến đối nghịch với đảng của mình trong nhiều vấn đề, từ cải cách tài chính đến nhập cư.
"Đó là danh hiệu được trao cho tôi từ lâu", McCain năm 2010 nói về việc thường được truyền thông mô tả là không theo khuôn phép. "Tôi không quyết định được những danh hiệu mà họ gán cho tôi. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi luôn hành động theo những gì tôi cho là vì lợi ích của đất nước. Và đó là cách mà tôi sẽ luôn cư xử".
Ông ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2000, thu hút cử tri với tầm nhìn ôn hòa, hơi ngả về cánh phải và phong cách thẳng thắn. Tuy nhiên, ông thất bại trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa trước George W. Bush.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, McCain ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ lực ở nước ngoài như tại Afghanistan và Iraq. Khi nhiều người cho rằng quan điểm "diều hâu" có thể khiến ông mất cử tri trong chiến dịch tranh cử năm 2008, McCain trả lời: "Tôi thà thua trong chiến dịch tranh cử còn hơn là trong chiến tranh".
Tuy nhiên, McCain sau này thừa nhận trong hồi ký của mình rằng cáo buộc Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt là sai.
Năm 2008, McCain vượt qua vòng bầu cử sơ bộ, trở thành ứng viên đại diện của đảng Cộng hòa. Nhưng ông lại làm nhiều người trong đảng phật lòng khi chọn thống đốc Alaska ít kinh nghiệm Sarah Palin làm ứng viên phó tổng thống.
Cuối cùng, McCain bị đánh bại bởi ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama. McCain đã nói đùa về sự thất vọng của mình khi hai lần tranh cử thất bại: "Ngủ hai giờ, thức dậy và khóc, rồi lại ngủ hai giờ, thức dậy và khóc".
McCain tin rằng các giá trị của Mỹ nên được chia sẻ và bảo vệ trên toàn thế giới. Ông nhiều lần bay đến các điểm nóng như Baghdad, Kabul hay Kiev và được chào đón nhiệt tình như thể một nguyên thủ thay vì là một nhà lập pháp.
Sau khi Nga lĩnh lệnh trừng phạt của Mỹ vì sáp nhập Crimea năm 2014, Moskva liệt McCain vào danh sách đen. "Tôi đoán điều này có nghĩa là kỳ nghỉ xuân của tôi ở Siberia đã bị hủy", McCain nói đùa khi phản ứng trước động thái này.
|
McCain (đứng, bên phải) từng là một đại úy phi công hải quân Mỹ. |
Một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất của McCain là Luật Cải cách Chiến dịch Tranh cử Lưỡng đảng, ra quy định về cách tài trợ tài chính cho các chiến dịch vận động. Năm 2005, đạo luật về cách đối xử với tù nhân của ông cũng được thượng viện thông qua với sự ủng hộ áp đảo. Ông còn được nhiều người nhớ đến với đề xuất tăng thuế thuốc lá vào năm 1998 để gây quỹ cho các chiến dịch chống hút thuốc và giúp các bang chi trả chi phí y tế liên quan đến hút thuốc.
Tháng 7/2017, McCain bị chẩn đoán mắc ung thư não. Căn bệnh khiến ông vắng mặt ở thượng viện trong nhiều tháng nhưng điều đó không khiến ông muốn rút khỏi chính trường. Ngày 28/7/2017, McCain bước vào khán phòng thượng viện để bỏ phiếu chống lại việc bãi bỏ luật chăm sóc y tế Obamacare, khiến Trump không thể thực hiện được lời hứa tranh cử của mình.
Trong hồi ký được xuất bản vào tháng 6, McCain viết rằng ông ghét phải rời khỏi thế giới, nhưng không có phàn nàn. "Tôi đã biết đến những đam mê lớn lao, thấy nhiều điều kỳ diệu, tham gia một cuộc chiến, và giúp kiến tạo hòa bình", McCain viết. "Tôi đã sống một cuộc sống tốt đẹp và cũng từng bị tước hết mọi sự sung túc. Tôi đã cô đơn như bất kỳ ai cô đơn và từng được sát cánh cùng với những người hùng. Tôi chạm đáy tuyệt vọng nhưng cũng được nếm trải niềm hân hoan cực độ".
Dấu ấn Việt Nam
McCain không quên về quãng thời gian ở Việt Nam. Ông và thượng nghị sĩ Dân chủ John Kerry, cũng là cựu binh chiến tranh Việt Nam, đã thúc đẩy để chấm dứt cấm vận thương mại của Mỹ, dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ song phương. Ông nhiều lần đến Việt Nam, thăm lại di tích nhà tù Hỏa Lò, nơi ông từng bị giữ làm tù binh trong hơn 5 năm.
Sau khi được trao trả về Mỹ, McCain bắt đầu sự nghiệp chính trị, trở thành một nghị sĩ, thượng nghị sĩ, ứng viên tổng thống và là người đã nỗ lực hết mình cho mối quan hệ Việt - Mỹ.
Từ một tù binh bị giam giữ ở Việt Nam, McCain đã có những nỗ lực không biết mệt mỏi trong sự nghiệp của mình để hóa giải mối hận thù giữa hai đất nước, được nhiều người dân Việt Nam coi như một người bạn, một người kiến tạo hòa bình.
"Có một nghịch lý trong quan hệ Việt – Mỹ, đó là những người từng tham chiến lại trở thành nhà tiên phong trong hàn gắn quan hệ", một nhà sử học ca ngợi nỗ lực của McCain trong việc bình thường hóa quan hệ hai nước. "Ở vị trí của mình, ông ấy đã có đóng góp to lớn để thúc đẩy sự hòa giải giữa hai đất nước".
Ngay từ năm 1977, McCain đã nổi tiếng là người ủng hộ nhiệt thành cho mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Mỹ. Ông lần đầu tiên trở lại Hà Nội vào năm 1985, 10 năm trước khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được khôi phục. Kể từ đó, ông thường xuyên tới thăm Việt Nam, trong đó lần gần đây nhất là chuyến đi của ông lên tàu USS John S. McCain ghé thăm cảng Cam Ranh hồi tháng 6/2017.
McCain luôn khẳng định rằng Việt Nam sẽ là một đối tác an ninh mạnh mẽ của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Washington đang thúc đẩy các nỗ lực vì hòa bình, an ninh, tuân thủ pháp luật quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Theo một số nhà quan sát, trong quá trình bị giam giữ ở Hỏa Lò, McCain có thể đã chứng kiến những đau thương mà bom Mỹ đã gây ra cho người dân Việt Nam, khi có tới 1.624 dân thường thiệt mạng chỉ trong đợt ném bom vào ngày Giáng sinh năm 1972. Đây nhiều khả năng là động lực để McCain muốn nỗ lực mang lại những điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam.
Điều đó đã dẫn đến cuộc "khẩu chiến" giữa McCain và nghị sĩ Sam Johnson, người cũng từng là một tù binh Mỹ bị giam ở Việt Nam, trong cuộc tranh luận trước quốc hội Mỹ về việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995.
McCain cho rằng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là điều cần thiết, việc để những cảm xúc cá nhân làm ảnh hưởng đến những gì tốt đẹp nhất cho nước Mỹ sẽ là hành động "khước từ trách nhiệm".
Cuộc tranh luận giữa Johnson và McCain phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ về vấn đề Việt Nam. Liên đoàn Cựu chiến binh Mỹ (American Legion), tổ chức cựu binh lớn nhất nước Mỹ với rất nhiều thành viên từng tham chiến ở Việt Nam, thể hiện sự phản đối mạnh mẽ nhất với việc bình thường hóa quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, tổ chức cựu chiến binh lớn thứ hai là Cựu binh Chiến tranh ở nước ngoài (Veterans of Foreign Wars) đại diện cho 600.000 cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, lại ủng hộ nỗ lực của McCain nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù.
McCain đã tranh thủ sự hậu thuẫn của thượng nghị sĩ John F. Kerry và Tổng thống Bill Clinton để thúc đẩy nỗ lực của mình, với kết quả là Việt – Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ ngay trong năm 1995.
"Điều quan trọng cần xét tới là những đóng góp của cựu binh Mỹ này cho quan hệ Việt - Mỹ sau chiến tranh. Dưới góc độ này, ông ấy là một nhân tố, một gương mặt của hòa giải", một nhà sử học nói.
Trong những năm cuối đời, dù phải chống chịu với căn bệnh ung thư não, thượng nghị sĩ McCain vẫn tiếp tục đấu tranh để bảo vệ hòa bình, ổn định, trật tự theo pháp luật ở châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt trên Biển Đông.