Người khuyết tật và câu chuyện số hóa dịch vụ hành chính công

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các dịch vụ công ngày càng được số hóa trên không gian mạng, nhưng khi số hóa, nếu việc thực hiện các thủ tục hành chính trở nên thuận tiện và tiết kiệm hơn với người bình thường thì nhóm đối tượng là người khuyết tật đã và đang gặp vô vàn những khó khăn để bắt kịp với công nghệ...
Lễ khởi động dự án hành chính công với người khuyết tật tại Việt Nam. (Nguồn: DS).
Lễ khởi động dự án hành chính công với người khuyết tật tại Việt Nam. (Nguồn: DS).

Hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28%.

Người khuyết tật vẫn gặp khó khi tiếp cận hành chính công

Tháng 12/2022, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố các phát hiện chính trong “Nghiên cứu thí điểm đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương”. Nghiên cứu do UNDP và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) thực hiện nhằm cung cấp các bằng chứng, dữ liệu thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật (NKT) trong quản trị công, góp phần bảo đảm quyền được sống độc lập và tôn trọng nhân phẩm của NKT.

Để tìm hiểu về mức độ hòa nhập của NKT trong quản trị địa phương, nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với trên 1.600 NKT, bao gồm tất cả các dạng khuyết tật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đây là hoạt động thí điểm trước khi mở rộng phạm vi nghiên cứu trong các năm tiếp theo.

Theo kết quả nghiên cứu, các thủ tục hành chính công dành cho NKT còn nhiều rào cản, đặc biệt là trong vấn đề cấp giấy xác nhận khuyết tật cũng như trợ cấp khuyết tật. Các vấn đề liên quan đến hạ tầng dịch vụ công như bệnh viện và giao thông công cộng còn cần nhiều cải thiện để thân thiện hơn với NKT.

NKT dạng nghe nói, trí tuệ, và thần kinh - tâm thần là các nhóm còn gặp đặc biệt nhiều khó khăn trong tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện thủ tục hành chính và sử dụng dịch vụ công.

Với thủ tục hành chính công, 21% người tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính tại địa phương, đặc biệt là nhóm người khuyết tật dạng nghe nói. Gần 1/5 số người tham gia khảo sát chưa được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Bên cạnh đó, 86,1% người tham gia khảo sát cho rằng các khoản trợ cấp không đủ để đáp ứng cho chi phí sinh hoạt tối thiểu của một NKT. Hơn một nửa số người trả lời không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình.

Về dịch vụ công, các phương tiện và công trình công cộng vẫn chưa dễ tiếp cận với NKT, chỉ 1/3 người tham gia khảo sát cho biết phương tiện công cộng tại địa phương dễ sử dụng. Dịch vụ khám, chữa bệnh tuyến huyện được người trả lời đánh giá khá tốt, tuy nhiên cơ sở hạ tầng bệnh viện cần được cải thiện để thân thiện hơn (trang bị thang máy, đường dốc và nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn cho người đi xe lăn). Sau đại dịch COVID-19, gần 40% người trả lời đặc biệt quan tâm nhiều nhất đến dịch vụ sức khỏe tinh thần.

Mức độ tham gia của NKT ở cấp cơ sở còn thấp và có sự chênh lệch về giới và dạng khuyết tật, chỉ 34,4% người trả lời có tham gia vào các hội/nhóm/tổ chức xã hội. Tỷ lệ người trả lời không tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân và Đại biểu Quốc hội trong kỳ bầu cử gần nhất còn khá cao, ở mức 47,1%...

Trước đó, năm 2021, Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) đã thực hiện một đánh giá về việc tiếp cận dịch vụ hành chính công đối với NKT nhằm hỗ trợ các can thiệp đi đúng mục tiêu, phù hợp với nhu cầu của NKT và nguồn nhân lực công. Nhóm đã khảo sát hơn 100 NKT, trong đó có 57% nam và 43% nữ; 19,8% là NKT đặc biệt nặng, 62,4% là NKT và 17,8% là NKT nhẹ. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, NKT (93% người trả lời khảo sát ở độ tuổi 18 - 44), có nhu cầu sử dụng dịch vụ hành chính công nhiều nhất tại các cơ quan hành chính nhà nước cấp xã, với gần 47%, cấp huyện và cấp tỉnh theo đó giảm dần lần lượt là 32% và 21%... Khi trải nghiệm tiếp cận các dịch vụ hành chính công, NKT đã phải tự xoay xở để thực hiện hoặc nhờ người hỗ trợ hay nhờ người dân thực hiện các thủ tục giúp đỡ. Hơn thế nữa, NKT cảm nhận được sự phân biệt đối xử, sự kỳ thị do tình trạng khuyết tật trong quá trình trải nghiệm thực hiện các dịch vụ hành chính công...

Khởi động dự án hành chính công với người khuyết tật tại Việt Nam

Người khuyết tật đã và đang gặp vô vàn những khó khăn để bắt kịp với công nghệ. (Ảnh minh họa - Nguồn TVPL)

Người khuyết tật đã và đang gặp vô vàn những khó khăn để bắt kịp với công nghệ. (Ảnh minh họa - Nguồn TVPL)

Hiện nay, các dịch vụ hành chính công đang được số hóa. Khi số hóa, nếu như việc đi lại và thực hiện các thủ tục hành chính trở nên thuận tiện và tiết kiệm hơn với người bình thường thì nhóm đối tượng là NKT đã và đang gặp vô vàn những khó khăn để bắt kịp với công nghệ. Họ dường như bị bỏ lại phía sau vì không thể tiếp cận các trang web và ứng dụng thực hiện dịch vụ hành chính công. Nguyên nhân là do những công cụ hỗ trợ vẫn còn thiếu thốn, không giúp họ tiếp cận dịch vụ công trên nền tảng số dễ dàng.

Từ thực tế này, ngày 24/2, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, tổ chức Abilis Phần Lan thực hiện dự án hành chính công với NKT, mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam tổ chức lễ “Khởi động dự án hành chính công với NKT tại Việt Nam” nhằm giúp nhóm đối tượng là NKT tiếp cận và sử dụng dịch vụ hành chính công một cách dễ dàng.

Theo đó, dự án kéo dài trong 6 tháng với 5 hoạt động chính, bao gồm: Tổ chức Cuộc thi "FUTURE SIGHT - Tầm nhìn của tương lai" nhằm thúc đẩy NKT và toàn dân chia sẻ trải nghiệm cá nhân và giải pháp gỡ rối cho những rào cản mà NKT đang phải đối mặt. Tập huấn, trang bị kiến thức về hành chính công cho đối tượng là NKT trên địa bàn TP Hà Nội. Nghiên cứu khoa học với đề tài đánh giá thực trạng sử dụng dịch vụ và những khó khăn nhất định của các dạng khuyết tật trong việc sử dụng dịch vụ hành chính công tại Việt Nam. Tìm các giải pháp hỗ trợ và sản xuất tài liệu ở định dạng chữ và điện tử để hỗ trợ tiếp cận cho NKT.

Lễ khởi động dự án Hành chính công với NKT là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động của dự án từ tháng 2 đến tháng 6/2024. Tại lễ khởi động dự án, bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam nhấn mạnh, đối với NKT, đặc biệt là người khiếm thị, việc tiếp cận dịch vụ hành chính công gặp nhiều khó khăn do họ cần có công cụ hỗ trợ, nhưng thường gặp rào cản trong việc nhận biết biểu tượng trên các ứng dụng và trang web. Bà Đỗ Thị Huyền, Giám đốc Quỹ Abilis Phần Lan tại Việt Nam đánh giá cao ý tưởng của dự án và mong đợi hoạt động của dự án sẽ giúp thay đổi tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ hành chính công của NKT.

Ở một góc độ khác, khuyến nghị của UNDP trong “Nghiên cứu thí điểm đánh giá mức độ hòa nhập của NKT trong quản trị địa phương” cho thấy, thời gian tới, đó là cần minh bạch thông tin về tiêu chí, quy trình cấp giấy xác nhận khuyết tật và trợ cấp khuyết tật. Cần có những hỗ trợ phù hợp để NKT có thể thực hành quyền bầu cử, thực hiện các thủ tục hành chính công thuận tiện hơn, như: lựa chọn hoặc cải tạo các điểm bầu cử bảo đảm tiếp cận; hỗ trợ làm tại nhà với những trường hợp NKT nặng/đặc biệt nặng cần trợ giúp.

Đồng thời, cần đầu tư nhiều hạ tầng, cơ sở vật chất hòa nhập hơn nữa để NKT có thể tiếp cận được với các dịch vụ công và tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, giải trí; đặc biệt, bảo vệ quyền lợi của NKT dạng nghe nói, trí tuệ và thần kinh - tâm thần. Đi kèm với cung cấp hạ tầng, cơ sở vật chất hòa nhập, NKT cần được cung cấp kiến thức, hướng dẫn sử dụng các hạ tầng đó.

Các chính sách hòa nhập NKT cần quan tâm đầy đủ đến đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm dạng khuyết tật khác nhau để bảo đảm không nhóm nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là trong vấn đề tiếp cận thông tin.

Có thể nói, sự hiện diện của NKT ở không gian công là cần thiết để thay đổi định kiến và cách giao tiếp của lãnh đạo, công chức và người dân. Từ đó, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với NKT. Do đó, NKT cần chủ động tham gia nhiều hơn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính công, hạn chế tối đa việc nhờ người nhà, người thân làm hộ. Sự chủ động của NKT cũng góp phần thực hiện tốt hơn quyền sống độc lập của mình.

Theo Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), NKT thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội, cần được xã hội quan tâm đặc biệt. Vì vậy, để tạo điều kiện giúp NKT tiếp cận dịch vụ hành chính công một cách dễ dàng hơn, cơ quan hành chính cần tập trung cải tạo/xây dựng/nâng cấp cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng tiếp cận với NKT, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát tính tiếp cận, thân thiện của các công trình công cộng đối với NKT. Bên cạnh đó, cơ quan hành chính cần tiên phong trong việc sử dụng Tổng đài phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu phục vụ cho việc giao tiếp giữa cán bộ công chức và người câm, điếc. Ngoài ra, cần thiết kế quy trình tờ khai biểu mẫu dành riêng cho đối tượng NKT nghe, nói phù hợp với cách thức giao tiếp và ngữ pháp tiếng Việt của nhóm đối tượng này. Quan trọng nhất đó chính là cần thay đổi thái độ của cán bộ, công chức tại cơ quan nhà nước, tránh tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với NKT.

Đọc thêm