Bộ tộc thiểu số người da đỏ Kogi trú ngụ trên dãy núi Sierra Nevada, Colombia, với diện tích 5.700 dặm trên bờ biển Caribbean. Đó là vùng núi hoang vu, quanh năm mây mờ bao phủ, ít người dám bén mảng tới vì họ sợ thần linh quở phạt.
Nguồn gốc của bộ lạc bản địa này bắt đầu từ nền văn minh Tayrona cổ đại và Kogi luôn hãnh diện về nền văn minh, lối sống đơn giản và truyền thống của mình. Họ tin rằng nhiệm vụ của họ là bảo vệ tự nhiên khỏi những mối đe dọa từ thế giới bên ngoài.
Tàn tích Ciudad Perdida
Được biết, thành cổ Ciudad Perdida thành lập vào thế kỷ thứ 9, có niên đại trước nền văn minh Machu Picchu của Peru khoảng 650 năm. Được mệnh danh là “Thành phố mất tích”, nơi này được xây dựng bởi người Tairona vào khoảng 800 năm trước Công nguyên và bị dân Tây Ban Nha bỏ quên khi đặt chân đến khu vực này vào thế kỷ 16.
Mãi cho tới vài trăm năm sau, Ciudad Perdida được những nhà khảo cổ học Columbia tìm thấy khi phát hiện ra lối mòn hình bậc thang vào những năm 1970. Sau 1.200 bậc thang, họ phát hiện thành phố cổ lâu đời nằm tĩnh lặng.
Các cổ vật bao gồm tượng vàng, chuỗi hạt bị tuồn ra chợ đen và bắt đầu thu hút sự chú ý của giới khảo cổ về nguồn gốc của chúng. Đây cũng được coi là nơi “rừng thiêng nước độc” bởi đường đi khá gập ghềnh và hiểm trở, nằm ở nơi rừng nhiệt đới sâu hun hút, đất đá trơn trượt do mưa thường xuyên và vô số loài côn trùng độc.
Người Kogi coi thành cổ Ciudad Perdida là vùng đất thiêng liêng. Vào tháng 9 hàng năm, khu du lịch này sẽ mở cửa 2 tuần cho phép những người Kogi thực hiện một nghi lễ cầu nguyện, làm phép để loại bỏ những năng lượng xấu, tiêu cực ra khỏi Ciudad Perdida.
Bộ tộc cũng kêu gọi chính phủ bảo vệ cho 54 vùng đất được họ cho là thiêng liêng khác. Họ tin rằng những địa điểm này tạo ra một ranh giới vô hình, tách đất liền, biển và bảo vệ khối núi Sierra Nevada - nơi có Ciudad Perdida tọa lạc.
Ngôi nhà của tộc người Kogi. |
Người “anh cả” bảo vệ Mẹ vĩ đại
Cuộc sống của người Kogi xoay quanh Aluna, hay còn gọi là Mẹ vĩ đại. Đối với họ, Trái đất giống như một bà mẹ, tất cả con người đều là con cái của mẹ Trái đất. Người Kogi chứng kiến những cảnh lũ lụt, hạn hán, nạn phá rừng, lở núi… và đã gửi lời cảnh báo tới thế giới bên ngoài nhưng không hiểu tại sao không ai chịu nghe lời khuyên của họ, tại sao mọi người không hiểu rằng trái đất là một cơ thể sống và nếu chúng ta hại một phần của nó, thì dần dần sẽ làm hỏng toàn bộ cơ thể.
Luôn luôn tự cho rằng sứ mệnh của mình là bảo hộ thế giới tự nhiên và do đó vai trò của bộ tộc Kogi không khác gì người “anh cả” có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trái đất khỏi “những người anh em khác”- những kẻ được cho là đang tàn phá hành tinh thông qua cướp bóc và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Với dân số khoảng 20.500 người và phân tán ở rất nhiều ngôi làng khác nhau trong khu rừng, nên nếu ai đó muốn tiếp cận người Kogi chỉ có cách đi bộ theo những đường mòn hiểm trở. Nhưng người Kogi khá nhút nhát và rất nhạy cảm, kể từ khi bị phát hiện cho đến giờ họ vẫn rất cảnh giác và không cho phép các nhà khoa học, những nhà nhân chủng học nghiên cứu về bộ tộc của mình một cách cụ thể và chi tiết, chỉ thi thoảng mới tiếp xúc với các du khách.
Tàn tích thành cổ Ciudad Perdida. |
Có thể nói họ sống biệt lập, không quan hệ, giao tiếp với người bên ngoài, đặc biệt là những người đến từ thế giới hiện đại. Nếu cần thiết lắm, họ chỉ giới hạn việc giao thiệp với một vài bộ lạc lân cận, sống cùng trong dãy núi mà thôi.
Hôn nhân không bắt buộc
Gia đình người Kogi thường sống trong các túp lều hình tròn, làm bằng thân cây gỗ xếp quanh, mái lợp bằng lá, có một cửa ra vào. Những người đàn ông sống trong một túp lều tách biệt với phụ nữ và trẻ em. Họ coi nhà của mình là địa phận thiêng liêng, trước khi xây dựng ngôi nhà họ sẽ phải làm lễ xin thần linh.
Cũng chính vì lý do này mà các hoạt động như quan hệ vợ chồng, sinh con đẻ cái… phải diễn ra bên ngoài ngôi nhà. Họ nghĩ rằng những hành động là không may mắn, ảnh hưởng xấu, tạo ra các nguồn xung đột năng lượng gây tổn hại đến mọi người trong gia đình.
Người Kogi từ trai cho tới gái, từ người già đến trẻ con thường để tóc dài đen tuyền như nhau và mặc đồ màu trắng, do đó rất khó phân biệt đâu là phụ nữ, đâu là nam giới. Họ nói rằng màu trắng tượng trưng cho Mẹ vĩ đại và sự tinh khiết của thiên nhiên. Thường ngày họ luôn đeo bên mình những chiếc túi, đặc biệt ở đây là chỉ phụ nữ mới được phép dệt những chiếc túi này.
Chỉ có một điểm để phân biệt, đó là người đàn ông thường đeo bên mình một poporo, một cái lọ chứa vỏ sò bị cháy, được nghiền nhuyễn dùng để ăn kèm với lá coca. Người Kogi cũng nói rằng nhai lá coca giúp họ “nói chuyện với những người tiền sử”, và rằng thiếu đi lá coca linh thiêng thì người Kogi sẽ không tồn tại được tới tận bây giờ.
Về vấn đề hôn nhân, phụ nữ từ 14 tuổi có thể kết hôn và sinh con. Nhiều cuộc hôn nhân của người Kogi được sắp xếp để đảm bảo hiệu quả nhất, nhưng họ không bị ép kết hôn với người mình không muốn. Hôn nhân không bắt buộc và ngược đãi, mua bán phụ nữ lại càng không được phép.
Người dân bộ tộc Kogi. |
Cuộc sống ăn chay điềm nhiên, tự tại
Người Logi sống hài hòa với thiên nhiên. Dân Kogi ăn chay, không ăn thịt, cá hay các loài động vật, côn trùng. Thức ăn của họ là các loại cây, lá, rau, củ, quả. Họ ăn uống như vậy một cách tự nguyện, theo thói quen từ xưa, mà không chịu bất cứ sự bắt buộc nào.
Theo họ, ăn chay đơn giản là việc bắt nguồn từ sự hiểu biết về quy luật cuộc sống và sự thánh thiện trong tâm hồn họ. Cũng chính vì ăn chay thường xuyên nên tuổi thọ của người Kogi rất cao, trung bình tới hơn 100 tuổi, trong khi con người ở thế giới bên ngoài mới duy trì mức tuổi thọ trung bình từ 70 – 80 tuổi.
Bộ tộc Kogi gieo trồng rất đơn sơ, tự nhiên và đặc biệt là không có sự tích trữ lương thực như bất cứ bộ tộc hay nhóm cư dân nào khác. Họ sống điềm nhiên, tự tại, vui vẻ đến không ngờ. Họ có quan niệm, “Thiên nhiên như bà mẹ đảm đang, khéo léo, đã tính toán, lo liệu đủ cho mọi loài thì cứ yên tâm mà vui sống. Chim muông, muôn loài nhởn nhơ bay lượn, chúng đâu có khổ nhọc lo cái ăn, chúng đâu cần gieo trồng, chăm bón mà vẫn không bị chết đói. Vậy tại sao chúng ta phải lo? Chúng tôi ai cũng ăn đủ 3 bữa trong ngày và cũng không mấy quan tâm tới chuyện ăn uống”.
Với suy nghĩ như vậy, họ chỉ canh tác giản đơn và hái cây trái trong rừng ăn như tổ tiên xa xưa của loài người. Họ cũng không tích trữ lương thực, vì cho rằng “Việc tích trữ lương thực, lo để dành, vô hình tạo ra sự tham lam, muốn chiếm đoạt, đó là khởi nguồn của chiến tranh, tội ác, tàn sát lẫn nhau. Sự dư thừa thường làm rối loạn trật tự thiên nhiên. Khi mình chiếm hữu được nhiều thì có nghĩa là người khác, sinh vật khác sẽ bị thiếu hụt. Như vậy sẽ mất cân bằng, khiến thiên nhiên bất ổn. Do đó, phương châm nuôi dưỡng từ tổ tiên chúng tôi từ xa xưa đến nay vẫn là sống đủ, không có sự dư thừa”…/.