Sửa “tật” cho khách du lịch

(PLO) - Một năm qua, ngành Du lịch đã tích cực nâng cao hình ảnh du lịch Việt. Những tật xấu, hành vi kém văn minh của du khách, các khách sạn gắn “nhầm sao” được giảm hẳn. Đây cũng chính là một trong những bệ phóng cho sự phát triển du lịch Việt Nam “ngang cơ” với ngành du lịch ở các nước phát triển tại châu Á. 
Nhiều du khách biết giữ gìn hình ảnh của mình khi đi du lịch.
Nhiều du khách biết giữ gìn hình ảnh của mình khi đi du lịch.

Giảm được 80% hành vi kém văn minh của du khách Việt

Tháng 3/2017, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch trên quy mô toàn quốc. Theo đó, với du khách, thông điệp ứng xử là văn minh, tự trọng và trách nhiệm, thể hiện qua 20 hành vi. Trong đó, có việc phải xếp hàng trật tự, trang phục phù hợp, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, không vứt rác, không lấy đồ của người khác... 

Những hình ảnh du khách “xấu xí” bị lên án tại các cơ quan truyền thông, mạng xã hội đó là tại những nơi di tích, tôn giáo, tâm linh, nhiều người vô ý thức trong việc tôn trọng phong tục tập quán, quy tắc ứng xử nên vẫn vô tư ăn mặc hở hang, phản cảm.

Du khách Việt ăn buffet thường chen lấn lấy rất nhiều món hải sản ngon như hàu, tôm, cua... rồi ăn không hết làm người nước ngoài bất bình vì lãng phí. Họ vừa nhai nhồm nhoàm, vừa nói, tay bốc thức ăn và xỉa răng tanh tách đầy phản cảm. Một thói xấu của người Việt nữa khi đi du lịch nước ngoài là sự ồn ào đến khó chịu.

Họ oang oang gọi điện nơi công cộng, nói năng tục tĩu, vô tư chạy nhảy, nói cười to tiếng mọi lúc, mọi nơi cứ như thể một mình trên đường, thang máy, trên xe buýt… làm ảnh hưởng tới người xung quanh. Không ít du khách Việt có tật xả rác. Họ xả rác không chỉ ở những điểm tham quan mà còn xả rác cả trên xe, trong khách sạn... Một số khách sau khi ăn vặt xong còn lấy màn cửa lau miệng, hoặc trét kẹo cao su lên ghế... Còn ở khách sạn, không ít khách Việt xả rác đầy phòng, toillet nhầy nhụa nước tiểu và “chiến tích” của nôn ọe khi say xỉn...

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hiện nay do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của đất nước Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực du lịch, do vậy, chấn chỉnh ứng xử trong du lịch và cả trong cuộc sống đang trở thành nhu cầu cấp bách của xã hội.

Năm 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” và đưa ra lời khuyên về 10 hành động đẹp trong ứng xử khi đi du lịch trong và ngoài nước. Ngành du lịch, cơ quan quản lí du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương, doanh nghiệp, báo chí, người làm du lịch đã chủ động vào cuộc triển khai chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” trong cả nước. Chiến dịch này đã góp phần giảm thiểu những hình ảnh xấu xí của du khách Việt khi đi du lịch ở trong, ngoài nước. 

 Phó Giám đốc Công ty TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt là người tiên phong trong việc nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc ứng xử “Du lịch văn minh” để phổ biến tới du khách của TransViet Travel, được Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhân rộng mô hình. TransViet Travel triển khai tới đội ngũ hướng dẫn viên để họ nhắc nhở du khách trước và trong quá trình tham gia tour cũng như giám sát hành vi của họ. Kết quả nhận được rất khả quan khi thống kê cho thấy có đến hơn 80% hành vi kém văn minh được giảm bớt. 

Không để khách sạn “nhầm sao”

Cơ sở lưu trú và điểm đến, các khu du lịch là hai yếu tố có tính chất quyết định chất lượng chuyến đi du lịch của du khách. Do vậy, chiến dịch rà soát, chấn chỉnh hệ thống cơ sở lưu trú rất cần thiết để đảm bảo chất lượng dịch vụ mà khách được hưởng đồng bộ với hạng sao được công nhận. 

Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist cho hay, việc một số cơ sở lưu trú xuống cấp, “tự phong” sao là lừa dối khách hàng chứ không chỉ là chuyện có xứng đáng hay không nữa vì du khách bỏ tiền để được hưởng chất lượng dịch vụ 5 sao thì họ phải được hưởng đúng giá trị của nó. Do vậy, việc chấn chỉnh, rà soát chất lượng cơ sở lưu trú là rất cần thiết và cần tiến hành thường xuyên, nếu không ngành Du lịch sẽ bị ảnh hưởng uy tín.

Chiến dịch tổng rà soát và nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú đã bước đầu tạo hiệu ứng tốt và có sức lan tỏa. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2016, các đoàn công tác của Tổng cục đã rà soát, kiểm tra trên 20 tỉnh, thành trọng điểm về du lịch, kiểm tra hàng trăm cơ sở lưu trú, trong đó nhắc nhở khoảng 80 khách sạn, thu hồi quyết định công nhận hạng sao của 35 khách sạn từ 3 - 5 sao (trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 9 khách sạn 4 sao, 25 khách sạn 3 sao). Đặc biệt, tại một số địa phương, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã triển khai rất quyết liệt, trong đó Hà Nội và Quảng Ninh là 2 địa phương có nhiều khách sạn bị thu hồi công nhận hạng sao nhất.

Những cơ sở còn một số vấn đề tồn tại, nhưng chưa đến mức thu hồi “sao” sẽ bị khuyến cáo, cho thời hạn 3 tháng để nâng cấp, sửa chữa. Sau 3 tháng không có sự chuyển biến sẽ kiên quyết thu hồi công nhận hạng sao để đảm bảo sự công tâm, quyền lợi của du khách và giữ gìn hình hình ảnh cho du lịch Việt Nam.