Người lao động có thể làm thêm không quá 60 giờ/tháng

(PLVN) - Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề sức khỏe hậu COVID-19 là vấn đề lớn đặt ra để thảo luận về quy định tăng giờ làm thêm mỗi tháng.
Các đại biểu dự Phiên họp thứ 9.
Các đại biểu dự Phiên họp thứ 9.

Nới “trần” giờ làm thêm lên 60 giờ mỗi tháng

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.

Nêu ý kiến về thời giờ làm thêm trong 1 tháng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong suốt quá trình chuẩn bị, thảo luận về nội dung này, cá nhân ông chưa nhận được đề xuất, lý luận thuyết phục nào của hiệp hội, doanh nghiệp về việc tăng thời giờ làm thêm lên không quá 72 giờ.

“Các đồng chí nói đã khảo sát, vậy thì bao nhiêu doanh nghiệp có đơn hàng làm không kịp, tổng số lượng đơn hàng thu hút được ra sao? Sức khỏe hậu COVID-19 là vấn đề lớn đặt ra, nhiều trường hợp không đơn giản để duy trì trạng thái tâm lý, sức khỏe bình thường sau khi mắc bệnh, giữa lợi trước mắt và lợi lâu dài thì người lao động chọn cái nào?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, đồng thời lưu ý vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp cấp bách theo Nghị quyết 30 nên phải hết sức cân nhắc khi xem xét, đánh giá đầy đủ, thuyết phục trước khi quyết sách.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 100% thành viên tán thành.

Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm.

Có 5 trường hợp không được áp dụng tăng giờ làm thêm, gồm: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, không áp dụng quy định này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Chủ tịch Quốc hội dự và góp ý nhiều ý kiến tại Phiên họp thứ 9.

Chủ tịch Quốc hội dự và góp ý nhiều ý kiến tại Phiên họp thứ 9.

Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết nêu rõ nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Nghị quyết có hiệu lực bắt đầu từ 1/4/2022; quy định về thời giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Thời điểm hết hiệu lực sẽ theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/ 2021 của Quốc hội.

Đọc thêm