Tình trạng mất việc làm gia tăng
Ba tháng sau khi nổ ra cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, dường như nền kinh tế Trung Quốc vẫn khá ổn định nếu nhìn vào các số liệu chính thức từ chính phủ Trung Quốc, họ vẫn đạt tăng trưởng tới 6,5% trong quý III năm 2018, so với cùng kỳ năm trước.
Thế nhưng, có thể đó chỉ là con số dùng để trấn an dư luận trong nước. Bởi chỉ hai tháng sau khi tổng thống Trump ra lệnh áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc thì các khoản đầu tư vào nước này đã giảm mạnh. Doanh thu từ lĩnh vực bán ô tô giảm xuống thấp kỷ lục. Thị trường bất động sản gặp khó khăn, hàng loạt các công ty rơi vào cảnh đói vốn.
Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc khá nhiều vào việc xuất khẩu, do sau hàng chục năm phát triển nóng, lượng hàng hóa dư thừa khá lớn và Trung Quốc cũng kiếm bộn tiền từ chính sách khuyến khích xuất khẩu.
Thế nhưng, đến tháng 12/2018, số lượng đơn hàng mới của Trung Quốc lần đầu tiên giảm mạnh trong vòng 2,5 năm, mặc dù họ đã áp dụng nhiều gói ưu đãi về giá thành. Đặc biệt, số lượng đơn hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc đã liên tục giảm trong vòng 9 tháng cuối năm 2018.
Đáng nói là tình trạng cắt giảm việc làm của các nhà máy liên tiếp xảy ra khiến tình trạng thất nghiệp sẽ mau chóng tăng lên. Đây sẽ là một vấn đề tương đối nhức nhối mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong năm 2019.
Bởi khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, thu nhập của người dân giảm sút, khó khăn kinh tế sẽ tràn sang lĩnh vực xã hội, gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực. Các tệ nạn như cờ bạc, trộm cắp, mại dâm…phát triển dễ gây tâm lý mất niềm tin trong xã hội.
Thực trạng mất việc làm có thể thấy rõ ở các ga tầu thuộc TP.Đông Quản và Quảng Châu cũng như các thành phố duyên hải khác, nơi hàng ngày vẫn có những đoàn người về quê ăn Tết sớm từ đầu tháng 12, tức là trước Tết nguyên đán tới hơn 2 tháng. Điều này rất ít khi xảy ra trước đây do họ phải làm việc đến sát ngày nghỉ để kịp đơn hàng cung cấp cho đối tác.
Ông Lý Tiểu Hồng, một công nhân xây dựng 50 tuổi, đứng trước công ty tuyển dụng ở ngoại ô thành phố Quảng Châu. Trên những tấm biển viết tay là thông tin về các công việc trả lương thấp, tuy vậy hầu hết các công việc này đều có giới hạn về độ tuổi và tất cả đều không dành cho những người trên 50 tuổi.
Ông Hồng cho biết, tháng trước, ông chỉ làm việc trong đúng 2 tuần, bởi các nhà đầu tư bất động sản khắp Trung Quốc đều đang gặp khó. "Trước đây tôi bận rộn lắm, làm việc đến 12 giờ mỗi ngày và mỗi tháng chỉ được nghỉ từ 3 đến 5 ngày, bây giờ thì chúng tôi gần như chẳng còn việc gì để làm".
Một công nhân tại nhà máy nhựa ở TP.Đông Quản, bà Lý Thư Liên (46 tuổi) cho biết: "Chúng tôi chẳng còn nhiều việc để làm, nên tôi quyết định về quê nghỉ ngơi". Trước đó, nhà máy của bà Liên đã cho công nhân nghỉ 2 tuần gần như không có lương trong tháng 10 và tháng 11.
Ngoài ra, bà cũng không được trả lương làm thêm giờ, nên mức thu nhập gần đây của bà giảm còn một nửa so với trước đó, chỉ còn khoảng 435usd. Bà Liên cho biết thêm rằng mình chưa từng về quê sớm như thế này từ năm 2005.
Thông báo nghỉ Tết của một doanh nghiệp đến ngày 30.4.2019 |
Ngoài ra còn rất nhiều nhà máy ra thông báo nghỉ Tết từ ngày 1/12/2018, thậm chí có công ty còn cho công nhân nghỉ đến tận ngày 30/4/2019. Điều này thể hiện tình trạng kinh doanh không tốt của các công ty, cho công nhân nghỉ lễ dài ngày cũng là một kiểu cắt giảm nhân viên.
Số tiền lương của người lao động nhận được chỉ bằng 1/5 so với mức thu nhập bình thường và không đủ để duy trì cuộc sống. Vì vậy, đa phần những công nhân này sẽ khó có thể chờ đợi thời gian dài như vậy mà sẽ đi tìm công việc ổn định hơn hoặc ở lại quê nhà. Tuy nhiên, hiện tại để tìm một công việc mới là hết sức khó khăn.
Người dân bi quan
Đứng trước thực trạng trên, câu hỏi lớn nhất mà người lao động đặt ra là trong năm 2019, số phận của nền kinh tế Trung Quốc nói chung và các thành phố công nghiệp, thành phố cảng nói riêng, sẽ ra sao, khi các thành phố này phụ thuộc rất nhiều vào lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
"Đến giờ tôi vẫn rất sợ năm tới sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế 'đóng băng'", Cyril Liu, một kĩ sư 23 tuổi ở miền Đông Nam Trung Quốc, cho biết. Gần đây, anh Liu vừa bị giám đốc cho nghỉ 9 ngày liên tiếp do công ty không nhận được nhiều đơn đặt hàng. "Nhiều người bạn của tôi hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ cũng đang rất lo lắng, không biết năm sau sẽ ra sao", anh Liu nói.
Anh Tạ Nhuệ Phiêu (36 tuổi, người Nam Ninh, Quảng Tây), sang Việt Nam theo diện du lịch cho biết, mình sang Việt Nam hi vọng tìm kiếm hướng làm ăn mới vì hiện tại ở Trung Quốc rất khó khăn. Khi biết tin, một số người bạn chuyên cung cấp phụ kiện may mặc cũng hi vọng anh nghe ngóng thị trường Việt Nam xem sao.
Vì hiện tại nhiều nhà máy dệt may không có đơn hàng xuất khẩu, kéo theo đó là hàng loạt các công ty cung ứng sản phẩm phụ trợ của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Anh Phiêu nói, một số người bạn của mình đang mắc kẹt với những kho hàng chất đầy mà không biết phải làm thế nào.
Cũng theo lời anh Phiêu, chiến tranh thương mại quả thực ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế Trung Quốc. Đơn cử như tập đoàn Foxcom, tập đoàn gia công lớn nhất cho hãng công nghệ máy tính Apple đã có kế hoạch đến tháng 6/2019 sẽ sa thải 340 ngàn công nhân. Tập đoàn này hiện tại đang sử dụng khoảng 700 ngàn nhân công, như vậy kế hoạch của họ là cắt giảm 50% số nhân lực hiện có.
Hay như tập đoàn sản xuất lốp xe Vĩnh Thái ở Sơn Đông vừa phá sản khiến 5000 công nhân thất nghiệp. Đây là tập đoàn sản xuất và xuất khẩu lốp xe lớn nhất Trung Quốc, được thành lập từ năm 1996, tổng tài sản lên tới 3,5 tỷ nhân dân tệ, hàng năm sản xuất gần 8 triệu chiếc lốp xe.
Tập đoàn này cũng từng đứng thứ 75 toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất lốp xe, đứng thứ 70 trong số 500 doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, những loại lốp xe mà Vĩnh Thái sản xuất và có 50% sản lượng suất khẩu sang Mỹ cũng là mặt hàng nằm trong danh mục bị đánh thuế của Mỹ đợt đầu nên bị ảnh hưởng đầu tiên.
Đến đợt thứ hai thì hầu hết các loại lốp xe xuất khẩu sang thị trường bắc Mỹ đều bị ảnh hưởng và kết cục của những công ty này cũng không khá hơn. Theo đó, tính từ tháng 7/2018, tổng cộng có 13 doanh nghiệp sản xuất lốp xe có thời gian hoạt động trên 5 năm đã bị phá sản. Thật khủng khiếp vì những nhà máy này phá sản cũng kéo theo các nhà máy cung cấp sản phẩm phụ trợ chết theo.
Anh Phiêu nói, đây chỉ là vài con số mà mình biết, còn phía sau là bao nhiêu thì không thấy có thống kê chính thức nào. Thật khó biết sẽ có bao nhiêu người và bao nhiêu gia đình bị ảnh hưởng, nhưng nhìn từ những người xung quanh thì đều không thấy khả quan.
Do chưa biết tình hình năm nay sẽ ra sao nên anh Phiêu có kế hoạch cùng anh trai mở một trung tâm cung cấp hàng xa xỉ phẩm, chủ yếu tập trung vào đối tượng khách hàng là những người giàu có. Anh cho biết, xu hướng này có thể hơi ngược đời vì có thể tới đây kinh tế Trung Quốc sẽ không được khả quan, thu nhập của người dân sẽ kém đi, nhưng nếu là người có tiền thì luôn luôn có tiền, chỉ những người ít tiền mới phải cắt giảm chi tiêu.
Vì vậy, nhân cơ hội này anh cũng muốn tìm kiếm xem thị trường Việt Nam có sản phẩm gì đặc biệt để đưa về Trung Quốc hay không. Trước đây tôi kinh doanh linh kiện xe đạp điện, nhưng thời gian gần đây làm ăn tương đối kém, các đại lý đều nói lượng mua xe sụt giảm rất nhiều. Tôi nghỉ Tết từ ngày 20/12, vì các nhà máy gần như cũng không sản xuất nữa.
Hiện tại anh Phiêu cho biết mình chủ yếu đi gặp gỡ một số người bạn tại Việt Nam để tìm sản phẩm cho cửa hàng xa xỉ phẩm của mình. Anh nhún vai: “tôi không biết mình có đi đúng hướng hay không, nhưng hi vọng ít nhất cũng không đến mức phải về quê làm ruộng như những công nhân bị mất việc kia”.