Người lao động “thiệt đơn, thiệt kép” khi rút bảo hiểm xã hội một lần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Rút bảo hiểm xã hội một lần (BHXH một lần) có thể giúp người lao động (NLĐ) giải quyết một số khó khăn trước mắt, tuy nhiên, những NLĐ này lại “thiệt đơn, thiệt kép” khi rời khỏi lưới an sinh xã hội, không được hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu, không được cấp thẻ BHYT miễn phí để khám, chữa bệnh khi về già - giai đoạn dễ ốm đau, bệnh tật.
Người lao động chịu nhiều thiệt thòi khi rút BHXH một lần. Ảnh minh họa
Người lao động chịu nhiều thiệt thòi khi rút BHXH một lần. Ảnh minh họa

Dịch bệnh COVID-19 hoành hành hơn 2 năm qua đã khiến nhiều NLĐ mất việc làm, không có thu nhập, nhiều NLĐ chọn hưởng BHXH một lần vì cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống, một số NLĐ khác cũng lựa chọn phương án này vì không hiểu được những lợi ích của việc hưởng lương hưu so với nhận BHXH một lần cũng như tính nhân văn, ưu việt và tính chia sẻ, trách nhiệm cộng đồng của việc tham gia BHXH.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022, số người được giải quyết hưởng BHXH một lần là 208.943 người, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này đồng nghĩa với việc, trong tương lai, những NLĐ này khi đến tuổi về hưu sẽ không có nguồn thu nhập hằng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống, cũng không được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Theo đánh giá của các chuyên gia về an sinh xã hội, đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia, khi mà những năm tới dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.

Để làm rõ những thiệt thòi khi NLĐ nhận BHXH một lần, giúp NLĐ có lựa chọn đúng đắn cho bản thân mình, BHXH Việt Nam đưa ra tình huống cụ thể là bà Nguyễn Thị B (năm 2022 đủ 55 tuổi 08 tháng), đến hết năm 2019 đã tham gia BHXH được 18 năm (từ năm 2002-2019).

Giả định bà B thọ 76,3 tuổi (tuổi thọ trung bình theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2020 về tuổi thọ của nữ giới), không tính đến tác động của các yếu tố tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng lương, lãi suất đầu tư quỹ BHXH, có các kết quả như sau: Nếu bà B quyết định nhận BHXH một lần thì có mức hưởng là: (12 năm X 1,5 tháng lương) + (6 năm X 2,0 tháng lương) = 30 tháng lương.

Theo đó, thời gian đóng BHXH mà bà B đã rút BHXH một lần sẽ không được tính thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH khác; Không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ về an sinh xã hội; Mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền; Phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh nếu không may bị ốm đau, tai nạn trong thời gian chờ hưởng BHXH một lần (12 tháng); Mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động hoặc đủ điều kiện hưởng nhưng mức hưởng thấp do bị trừ thời gian đóng BHXH đã nhận một lần.

Tuy nhiên, nếu Bà B không rút BHXH một lần, mà đóng BHXH thêm 02 năm cho đủ 20 năm (đảm bảo điều kiện về số năm tham gia BHXH để được hưởng lương hưu) thì mức hưởng lương hưu bà B nhận được trong khoảng 20 năm 7 tháng là: 247 tháng X 55% = 135,85 tháng lương.

Chưa kể, ngoài lương hưu lĩnh hằng tháng để trang trải cuộc sống, bà B còn được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của Luật BHXH bao gồm: Được điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe (hằng tháng quỹ BHXH đóng bằng 4,5% mức lương hưu).

Ngoài ra, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi bà B qua đời gồm có: Trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở và trợ cấp tuất (trợ cấp tuất một lần mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng trước khi chết. Hoặc trợ cấp tuất hằng tháng với số thân nhân được hưởng tối đa là 04 người, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở).

Theo đó, BHXH Việt Nam khuyến nghị, khi không may nghỉ việc, tạm thời không tham gia BHXH, NLĐ nên bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp thẻ BHYT (với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Thời gian tới, dự kiến Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Việc sửa đổi chính sách BHXH theo tinh thần này sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện), NLĐ sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho NLĐ.

Đọc thêm