Thủ tục khởi kiện khi người vay tiền không trả?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn đọc Nguyễn Mạnh Thắng (Hải Phòng) hỏi: Bạn tôi có nhắn tin qua zalo vay tôi số tiền 50 triệu đồng và hứa sẽ trả trong vòng 1 tháng. Tôi đã chuyển khoản số tiền trên cho bạn vay nhưng đến nay sau 1 năm và nhiều lần tôi thúc giục bạn tôi vẫn không chịu trả số tiền này lại cho tôi, khiến tôi rất bức xức. Xin hỏi, trường hợp này tôi có thể khởi kiện bạn tôi vì không trả tiền vay cho tôi được không? Thủ tục khởi kiện như thế nào?
Luật sư Đoàn Trung Hiếu.
Luật sư Đoàn Trung Hiếu.

- Luật sư Đoàn Trung Hiếu - VPLS Cộng Đồng thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Mặt khác, tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự như sau: Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Như vậy, vay tiền là giao dịch dân sự thông qua hợp đồng vay tài sản. Pháp luật không quy định bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải thể hiện bằng văn bản mà có thể thông qua lời nói hoặc hành vi cụ thể. Cho nên trong trường hợp này, kể cả khi bạn và bạn của bạn có sự thỏa thuận vay mượn số tiền qua zalo mà không lập thành hợp đồng thì đây vẫn là hợp đồng vay tài sản.

Trong trường hợp của bạn, bạn của bạn bắt buộc phải trả số tiền nợ đã vay đúng thời hạn đã thỏa thuận, nếu không thì bạn có quyền nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự lên tòa án có thẩm quyền, yêu cầu cơ quan tố tụng buộc người vay phải trả tiền cho bạn.

Về thủ tục khởi kiện ra tòa, theo điểm a khoản 1 Điều 39 và điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn - người vay cư trú, làm việc hoặc nơi người vay có tài sản giải quyết.

Hồ sơ khởi kiện bao gồm: Đơn khởi kiện (theo mẫu); Các tài liệu liên quan đến vụ kiện, chứng minh quan hệ vay (cụ thể như: các hóa đơn giấy tờ chuyển tiền, tin nhắn điện thoại, đoạn chat trên zalo yêu cầu chuyển tiền,...); Bản sao chứng thực giấy tờ tùy thân như Căn cước công dân, Hộ chiếu...; Các tài liệu, chứng cứ khác.

Về thời hạn giải quyết, sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ phân công thẩm phán xem xét đơn trong thời gian 3 ngày làm việc. Trong thời gian 5 ngày kể từ ngày được phân công, thẩm phán sẽ đưa ra quyết định sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; thụ lý vụ án; chuyển cho đơn vị khác hoặc trả lại đơn khởi kiện.

Sau khi đơn khởi kiện được tiếp nhận, xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền thì thẩm phán sẽ thông báo cho người khởi kiện đến nộp tiền tạm ứng án phí (nếu có). Người này phải nộp trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy báo và nộp lại biên lai cho Tòa.

Trong thời hạn 3 ngày, thẩm phán thông báo về việc thụ lý vụ án. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công thẩm phán giải quyết vụ án.

Chuẩn bị xét xử trong thời gian 4 tháng. Trong thời gian này, Tòa sẽ tiến hành lập hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, hòa giải... Nếu vụ án phức tạp hoặc có tình tiết bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng.

Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa sẽ mở phiên tòa.

Đọc thêm