Người mang bộ gõ đi khắp thế gian

(PLO) - Hoạt động nghệ thuật là một trong những con đường đến với thành công không thể tiên định được, nhưng đi một con đường chưa được mở lối trên một lãnh địa đó có phải là sự tiên phong hay chỉ là một điều điên rồ? 

Để trả lời câu hỏi này và cũng để khẳng định mình không hề điên, không hề lạc lõng trong thời đại âm nhạc số, nghệ sĩ bộ gõ Trần Xuân Hoà đã làm những điều không tưởng cho nền âm nhạc Việt Nam. Chia sẻ về con đường mình đang theo đuổi, nghệ sĩ Trần Xuân Hoà nói: “Tôi đã và đang chơi nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng, là nghệ sĩ  bộ gõ và đã theo đuổi nó suốt 21 năm. Tôi đã tự hỏi tại sao trong một dàn nhạc mỗi nhạc cụ đều có chức năng riêng của nó để hoà chung vào nhau tấu thành bản nhạc nhưng bộ gõ lại không thể đứng độc lập như các bộ khác?

Nhạc sĩ khi sáng tác đa số viết nhạc cho bộ khí, cho bộ dây mà không viết cho bộ gõ? Hay khi biểu diễn chỉ huy dàn nhạc luôn chỉ violin 1, violin 2, cello.... chứ không bao giờ chỉ bộ gõ lên? Suốt ngần đó năm tôi thấy tủi, tủi vì ở thế giới thì đã có những liveshow riêng của bộ gõ nhưng ở Việt Nam thì chưa. Chính vì những trăn trở đó mà tôi muốn làm một liveshow cho riêng bộ gõ, cho riêng mình”. 

Nghệ sĩ bộ gõ Trần Xuân Hoà
Nghệ sĩ bộ gõ Trần Xuân Hoà

Nghệ sĩ Trần Xuân Hòa từng ghi dấu ấn khi tham gia nhóm tứ tấu bộ gõ Go Group, sử dụng hơn 100 nhạc cụ gõ, trong đó có cả đe, búa, lon bia, xoong, thùng nhôm... tự tạo. Trần Xuân Hòa cũng là khách mời thường xuyên và là bè trưởng bộ gõ của Dàn nhạc ASEAN từng lưu diễn tại 10 nước Đông Nam Á cùng chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng Yoshi Fukumura (Nhật Bản). Từ năm 2010 đến nay anh đã làm 17 liveshow cho riêng mình về bộ gõ, trình diễn khắp các sân khấu trong và ngoài nước. 

Trầm ngâm kể về những ngày đầu của con đường âm nhạc, Trần Xuân Hoà nói: “Thời gian đầu có 3 người đồng hành cùng tôi, nhưng sau vì cơm áo gạo tiền, làm nghệ thuật không đủ cung ứng cho cuộc sống, họ không ở lại. Nhưng không vì vậy mà tôi bỏ cuộc. Bởi tôi luôn tâm niệm: “mình không đợi ai, thay vì đợi mình tự làm, mình có thể tự làm để cho ra đời những tác phẩm”.

Chưa bao giờ tôi chán cả. Để hoàn thành, có một show diễn 1 giờ đồng hồ thì tôi cần 2 tháng để hoàn thành. May mắn được các trung tâm văn hoá hỗ trợ. Nếu không có trung tâm văn hoá hỗ trợ có lẽ tôi không làm được. Tôi luôn cảm thấy khán giả Việt Nam thiệt thòi vì không được thưởng thức các loại hình nghệ thuật đa dạng như ở nước ngoài...”.  

Nếu nói rằng nghệ sĩ bộ gõ Trần Xuân Hoà lạc lõng trên chính con đường âm nhạc mình theo đuổi chưa hẳn đã đúng. Hay đó chỉ là một cái nhìn còn đang bị giới hạn?  Được hỏi về điều này, Trần Xuân Hoà cười lớn tâm sự: “Cá nhân tôi không lạc lõng. Chính mọi người cô đơn trong một cái khung, họ chưa được thoát ra. Tôi đi và học hỏi, tiếp xúc bên ngoài thấy mình không hề cô đơn.

Sau những đêm nhạc tôi cũng muốn đẩy các show của mình gần hơn với giới trẻ, tuy nhiên, với dòng nhạc hiện nay thì pop vẫn chiếm ưu thế hơn vì nó tiếp cận dễ. Mà cái tôi đi theo nó là con đường âm nhạc cần và đủ cả về chất lượng và tri thức”. 

Cho đến thời điểm hiện tại thì quả thực việc đưa bộ gõ lên một tầm cao sánh vai với âm nhạc thế giới ở Việt Nam chưa ai làm như nghệ sĩ bộ gõ Trần Xuân Hoà. Cách đi trên con đường nghệ thuật không đơn giản là mọi người hát mình hát, mọi người đàn mình đàn, mọi người múa mình múa. Sự khác biệt mới làm lên những cá tính, và chính cá tính đấy được người làm nghệ thuật trau dồi, bồi đắp và nuôi dưỡng để cống hiến cho nghệ thuật. 

Đọc thêm