Khi một tay súng xông vào quán bar Borderline Bar and Grill ở Thousand Oaks, bang California hồi tuần trước và bắt đầu nã đạn về phía đám đông, một số người đã nhanh chân chạy ra phía cửa sau, đập vỡ cánh cửa sổ và chạy trốn. Không giống một số nạn nhân trong vụ việc, những người này không hề run lên vì sợ hãi.
Có điều, phản ứng nhanh nhạy của họ cũng không phải là bản năng. Bởi, một số người trong đó thực chất đã từng trải qua một vụ xả súng hàng loạt tương tự - là vụ một tay súng đã nã đạn vào đám đông ở một sự kiện âm nhạc khiến 58 người thiệt mạng ở Las Vegas hồi năm ngoái.
“Thật không may là những người trẻ đó đã biết được rằng chuyện tương tự có thể sẽ tái diễn”, Cảnh sát trưởng hạt Ventura Geoff Dean cho biết sau vụ xả súng khiến 12 người thiệt mạng ở Thousand Oaks. Ở ngay một nước mà các vụ thảm sát bằng súng đã trở nên quen thuộc, ý tưởng một số người Mỹ sống sót qua không chỉ một mà đến 2 vụ tấn công vẫn khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. “Điên rồ là cách duy nhất để miêu tả việc đó. Tôi chỉ có thể nói rằng việc đó đã dần trở thành bình thường”, Thống đốc đắc cử của bang California Gavin Newsom cho biết.
Vụ thảm sát ở nam California xảy ra chỉ ít ngày sau vụ tên Robert Bowers - một đối tượng có thái độ bài Do Thái một cách công khai - cũng đã xông vào một giáo đường ở Pittsburgh và sát hại 11 tín đồ Do Thái đang cầu nguyện. Theo thống kê của trang web The Gun Violence Archive – một trang web theo dõi những vụ xả súng khiến ít nhất 4 người bị bắn hay thiệt mạng, vụ tấn công ở Thousand Oaks là vụ xả súng hàng loạt thứ 307 tại Mỹ chỉ trong năm nay. Nói cách khác, xả súng hàng loạt đang diễn ra ở Mỹ gần như mỗi ngày. Theo một thăm dò do hãng Gallup thực hiện sau vụ xả súng ở Las Vegas, 40% người Mỹ khi được hỏi cho biết họ lo sợ rằng bản thân hoặc người thân sẽ trở thành nạn nhân trong một vụ xả súng hàng loạt.
Giáo sư về xã hội học Gregg Carter của Trường Đại học Bryant ở Rhode Island cho rằng những vụ xả súng hàng loạt liên tục đang khiến nhiều người Mỹ dần quen với sự kinh hoàng. “Liên tiếp những thông tin kinh khủng dội tới khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần. Người Mỹ đang dần trở nên không còn cảm xúc trước những vụ xả súng hàng loạt như một cơ chế để tự vệ”, ông Carter nhận định. Việc “tắt” cảm xúc như vậy dường như cũng đang xảy ra ở truyền thông Mỹ. Điều này thể hiện ở việc nếu trước đây một vụ xả súng hàng loạt thường trở thành tâm điểm của truyền thông trong khoảng một tuần hoặc hơn thì nay những tin tức về các vụ việc như vậy thường chỉ được đưa dày đặc khi sự việc xảy ra.
Những vụ việc này cũng đã một lần nữa dấy lên kêu gọi thắt chặt quyền sở hữu súng ống ở Mỹ. Mẹ của một chàng trai trẻ từng sống sót sau vụ thảm sát bằng súng ở Las Vegas hồi năm ngoái nhưng đã không có được thêm một lần may mắn nữa và thiệt mạng tại vụ việc ở California đã kêu gọi thắt chặt súng ống. “Tôi không muốn cầu nguyện, tôi muốn việc kiểm soát súng ống cần phải được thực hiện và tôi hy vọng Chúa sẽ giúp chúng ta không phải cầu nguyện thêm nhiều về những việc như vậy nữa”, bà Susan Schmidt-Orfanos nói.