Người Mỹ về từ Việt Nam sốc với cách quê nhà chống dịch

Gia đình Paul Neville rời Việt Nam khi Mỹ khuyến cáo công dân ở nước ngoài về nước, nhưng sửng sốt với cách chống Covid-19 ở quê nhà Seattle.

Cách đây hai tuần, Paul Neville, người đang điều hành một nền tảng giáo dục trực tuyến ở Việt Nam, không có ý định đưa vợ và hai con rời khỏi đây để về Mỹ, ngay cả khi Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhưng tới ngày 19/3, Bộ Ngoại giao Mỹ nâng cảnh báo đi lại lên cấp 4, mức cao nhất, theo đó yêu cầu công dân không đi nước ngoài và khuyến cáo người Mỹ đang ở nước ngoài lập tức về nước, giữa lúc Covid-19 diễn biến nghiêm trọng. Sau thông báo này, gia đình Neville đã đặt vé máy bay về Seattle hôm 20/3.

"Mặc dù số ca nhiễm nCoV ở Mỹ không ngừng tăng, tôi vẫn rất háo hức được trở về vì tin sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng hàng đầu", Neville, người từng có 14 năm làm nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.

Neville sinh ra và lớn lên ở thành phố Issaquah, bang Washington, sau đó tốt nghiệp chuyên ngành kinh doanh tại Đại học Washington và hiện sống ở thành phố Seattle.

Paul Neville (trái) cùng vợ và hai con ở sân bay thành phố Hồ Chí Minh hôm 20/3. Ảnh: Seattle Times.

Paul Neville (trái) cùng vợ và hai con ở sân bay tại TP HCM hôm 20/3. Ảnh: Seattle Times.

Neville cho biết ở Việt Nam, mọi người đều đeo khẩu trang ở nơi công cộng theo khuyến nghị của chính phủ. Tại mỗi tòa nhà, doanh nghiệp, khu chung cư và nơi công cộng, giới chức đều kiểm tra thân nhiệt cho người ra vào và cung cấp nước rửa tay sát khuẩn.

"Trên chuyến bay của chúng tôi từ TP HCM tới Đài Bắc, giới chức sân bay yêu cầu tất cả hành khách phải đeo khẩu trang, thậm chí cả đứa con hai tuổi của tôi. Giống như những nước khác ở châu Á, Việt Nam đánh giá Covid-19 là mối đe dọa y tế cực kỳ nghiêm trọng", Neville chia sẻ.

Nhưng trên chuyến bay từ Đài Bắc về Seattle với phần lớn hành khách là người Mỹ, chỉ có một nửa số người trên khoang đeo khẩu trang. Neville thậm chí đã đứng giữa lối đi trên máy bay để nhắc nhở ba cô gái đang trở về từ chuyến du lịch bụi ở Thái Lan, khi họ giả vờ ho và cười đùa về Covid-19. Neville đưa cho họ khẩu trang nhưng bị thẳng thừng từ chối. Vợ của Neville thậm chí đã phải kéo anh trở về chỗ ngồi vì sợ rằng cả gia đình sẽ bị đuổi khỏi máy bay và bị mắc kẹt ở Đài Loan.

"Khi đặt chân tới Seattle, tôi đã nghĩ mình sẽ được những nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ kín mít kiểm tra thân nhiệt. Là ổ dịch đầu tiên của Mỹ, Seattle không khác gì Vũ Hán ở Trung Quốc và Milan ở Italy. Nhưng trái với tưởng tượng của tôi, mọi hoạt động ở đây gần như vẫn diễn ra bình thường", anh cho hay.

Thành phố Seattle, bang Washington là nơi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Mỹ. Tới nay, Mỹ đã phát hiện 140.000 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 2.400 người đã tử vong, trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới.

"Khi tôi hỏi một nhân viên Cơ quan Hải quan và Biên phòng sao không đeo khẩu trang, cô ấy ngơ ngác nhìn tôi và nói 'vì ở đây không có khẩu trang'. Điều này đúng là thảm họa, khi Covid-19 cực kỳ dễ lây lan và có thể tồn tại trong không khí vài giờ. Chỉ cần người nhiễm hắt hơi một cái là đủ gây nguy hiểm cho tất cả người xung quanh. Nó cũng đáng sợ như việc thiếu hụt bộ xét nghiệm nCoV", anh chia sẻ.

Thay vì cảm thấy nhẹ nhõm vì đã trở về Mỹ, Neville giờ cảm thấy bất an về cách ứng phó dịch ở quê nhà. Anh lo sợ Covid-19 ở Mỹ còn nghiêm trọng hơn ở châu Á, cũng như quan ngại về khả năng ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế của chính quê hương mình.

Hàng trăm người chết mỗi ngày vì Covid-19 ở Italy dù quốc gia này đã phong tỏa toàn quốc. Không có những biện pháp quyết liệt và mạnh tay như nhiều nước châu Á, nhiều người dự đoán Seattle và một số thành phố ở Mỹ chỉ mất ba tuần để bắt kịp số người chết đáng báo động ở Italy.

"Tại Trung Quốc đại lục, Việt Nam, Singapore hay đặc khu Hong Kong, nếu một người bị phát hiện nhiễm nCoV, giới chức sẽ phong tỏa tòa nhà đó hoặc thậm chí cách ly cả khu phố. Sau đó, đội ngũ nhân viên y tế sẽ lập danh sách những người từng tiếp xúc với người nhiễm để xét nghiệm. Dù đã có những nỗ lực đáng kinh ngạc như vậy, nhiều quốc gia vẫn phải đang vật lộn chiến đấu với làn sóng bùng phát thứ hai của dịch", Neville nói.

Những thực tế trái ngược ở Seattle đã khiến Neville nhận ra nhiều người Mỹ dường như chưa đánh giá đúng mức sự nguy hiểm của Covid-19, đại dịch đã khiến hàng nghìn tỷ USD đã "bốc hơi" và hàng triệu người mất việc, bất chấp những con số về người nhiễm và tử vong hàng ngày do dịch.

"Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 có thể chỉ là 1%, nhưng có tới 20% người nhiễm phải nhập viện và có nguy cơ bị tổn thương phổi vĩnh viễn. Người Mỹ chẳng lẽ phải đợi đến khi số người chết và nhiễm vượt Trung Quốc và vượt tỷ lệ của cúm mùa hàng năm thì mới thấy Covid-19 đáng sợ?", Neville bày tỏ lo lắng.

Values Covid-19 ở Mỹ Nhiễm Chết 20/1 21/2 25/2 28/2 1-3 3-3 5-3 7-3 9-3 11-3 13/3 15/3 17/3 19/3 21/3 23/3 25/3 27/3 29/3 0 50k 100k 150k 27/3  Chết:  1 201

Anh cũng nói thêm trong khi Trung Quốc đã dần vượt qua đỉnh dịch và đang từng bước phục hồi nền kinh tế, Mỹ vẫn đang loay hoay với bài toán giữa Covid-19 và kinh tế. Anh sợ rằng Trung Quốc sẽ tranh thủ cơ hội này để vượt mặt Mỹ.

"Mặc dù vậy, chúng tôi không thể bỏ cuộc. Tôi không muốn hối hận vì trở về Mỹ, bởi hóa ra Việt Nam giờ là nơi an toàn hơn", Neville viết.

Anh cho rằng để làm được điều này, người Mỹ cần tuân thủ các yêu cầu về "cách biệt cộng đồng" của giới chức, cũng như gây sức ép để chính quyền tăng tốc xét nghiệm cho mọi người, thúc đẩy sản xuất và phân phối khẩu trang cho nhân viên y tế, sau đó là nhân viên dịch vụ công ở sân bay và cuối cùng là người dân. "Đồng thời, chúng tôi cũng cần ra quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên phương tiện giao thông công cộng, bao gồm máy bay", Neville cho biết. 

Anh hy vọng mọi người có thể  kiên cường để cùng đưa Mỹ vượt qua đại dịch, nhưng khẳng định chính phủ cần tiến hành những hành động quyết liệt và nhanh chóng từ bây giờ.

"Trong khi mỗi người đều cố gắng để sống sót và vượt qua Covid-19, tất cả chúng ta cũng cần phải cùng nhau hành động để tránh cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn", anh nói.

Đọc thêm