Người nặng lòng với giáo dục nước nhà

“Chất xám của Việt Nam đang bị phung phí một cách không tưởng tượng nổi. Nhiều sinh viên của chúng ta lười học, tư duy thụ động...”. Những phát ngôn gai góc, thẳng và “liều” hơn thế đã nói lên tính cách chân thực, thẳng thắn đã trở thành thương hiệu của Giáo sư (GS) Huỳnh Hữu Tuệ. Với nhà khoa học Việt kiều này, “nói thẳng cũng là cách thể hiện lòng yêu nước”.
“Chất xám của Việt Nam đang bị phung phí một cách không tưởng tượng nổi. Nhiều sinh viên của chúng ta lười học, tư duy thụ động...”. Những phát ngôn gai góc, thẳng và “liều” hơn thế đã nói lên tính cách chân thực, thẳng thắn đã trở thành thương hiệu của Giáo sư (GS) Huỳnh Hữu Tuệ. Với nhà khoa học Việt kiều này, “nói thẳng cũng là cách thể hiện lòng yêu nước”.
GS Huỳnh Hữu Tuệ
Một tấm lòng luôn hướng về quê hương

Ngay sau khi đất nước giải phóng, ông Tuệ là một trong những thế hệ Việt kiều đầu tiên trở về tái thiết một sự nghiệp mới. Mỗi dịp được trò chuyện cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, vị GS già lại tận dụng tối đa cơ hội được “nói thẳng, nói thật” về các vấn đề trọng đại của đất nước.
Bất kể trong một cuộc họp bàn, giao lưu nào với các trưởng khoa, ban giám hiệu các trường đại học, ông cũng không ngần ngại phê phán những bất cập của giáo dục Việt Nam. Chỉ một lẽ đơn giản, với ông, trách nhiệm của một trí thức là phải biết nói lên sự thật dù là với ai và ở bất kỳ đâu.

Trước khi trở lại quê hương, GS.Tuệ cũng như nhiều người Việt xa xứ nghĩ, sau nhiều thập niên bị chia cắt, hai miền sẽ có nhiều khác biệt trong tư tưởng chính trị, trong lối sống... và đương nhiên trong giáo dục, lĩnh vực được GS quan tâm hàng đầu cũng có nhiều điểm khác nhau. Hiểu trên đại thể là như vậy, nhưng thực chất của những khác biệt ấy là gì, khác đến mức độ nào thì tốt nhất, cứ theo lời các cụ xưa dạy “trăm nghe không bằng một thấy”.

Vậy là từ Canada, nơi GS.Tuệ sống với gia đình, giảng dạy tại Trường Đại học Laval, ông thực hiện một chuyến trở về mà theo suy nghĩ của không ít Việt kiều cho là mạo hiểm. Ông thổ lộ: “Gắn bó của tôi với Việt Nam là gắn bó của một công dân đối với đất nước. Tình cảm đối với Việt Nam của tôi không đơn thuần là câu chuyện tâm linh, tư tưởng mà là máu thịt của mình. Niềm hãnh diện dân tộc có một sức sống mãnh liệt trong lòng mỗi người dân Việt Nam”.

Không ít Việt kiều hồ nghi như thể Huỳnh Hữu Tuệ trước đây là “Việt Cộng nằm vùng” ở hải ngoại. Nhưng vào những năm 60 thế kỷ trước, khi còn là sinh viên du học, chàng thanh niên Huỳnh Hữu Tuệ đã luôn mang trong lòng nỗi đau của một người con mất nước. Ông cùng những sinh viên và người Việt yêu nước tại đây nhiệt tình xuống đường tham gia phong trào phản đối chiến tranh. Khi dẫn đầu phong trào phản chiến cũng như lúc đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Canada, ông Tuệ đã không ít lần phải đối mặt với lời đe dọa từ những kẻ cực đoan. Thế nhưng mọi thủ đoạn đe dọa, khủng bố của kẻ thù không làm người chí sĩ yêu nước run sợ, bởi lẽ lý tưởng độc lập, thống nhất cho dân tộc cháy trong ông có sức mạnh vượt lên trên tất cả.

Năm 2000, GS.Huỳnh Hữu Tuệ đưa vợ, bà Carole, người Canada về thăm quê hương chồng. Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu lúc đó đang đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, lại bận họp, nhưng ông đã ra tận sân bay để đón vợ chồng GS.Tuệ. Cho đến mãi về sau, nhắc lại kỷ niệm đó, GS.Tuệ vẫn còn xúc động. Bà Carole, vợ giáo sư là một đảng viên Đảng Cộng sản Canada. Bao nhiêu năm sống bên người chồng Việt, bà thấu hiểu tình cảm của người chồng xa quê hương xứ sở. Bà chia sẻ với người bạn đời trong từng cảm xúc, trong từng việc làm của giáo sư cho quê hương. Bà thường viết những bài thơ ca ngợi Việt Nam và thường xuyên về nước tham gia công việc với chồng.

Huỳnh Hữu Tuệ sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên - Huế. Ông nội của Tuệ là bạn của Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng, bố Tuệ hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, cậu bé Tuệ ngay từ nhỏ đã có những tư chất thông minh và tình yêu quê hương đất nước được hun đúc trong những áng thơ văn mà giờ đây ông vẫn còn nhớ... Lớn lên, Tuệ luôn là học sinh giỏi và nhiều lần được nhận giải thưởng. Tốt nghiệp xuất sắc trung học, chàng thư sinh Huỳnh Hữu Tuệ nhận được học bổng du học tại Canada.

Sau những năm miệt mài học tập, bền bỉ vươn tới đỉnh cao của khoa học, ông được giữ lại Trường Laval làm nghiên cứu sinh và giảng dạy. Năm 1968, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ về lĩnh vực thông tin. Và 4 năm sau ông lấy thêm một bằng Tiến sỹ khoa học nữa về lĩnh vực xử lý thông tin. Đây là lĩnh vực được coi là mới mẻ thời đó. Bằng những công trình nghiêm túc, có giá trị khoa học và ứng dụng cao, năm 1981, khi vừa bước vào tuổi 40, ông Tuệ được phong hàm GS trước sự mến mộ, khâm phục của nhiều đồng nghiệp và bạn bè.

Tuy thành công tại Canada, nhưng trong sâu xa, ông Tuệ vẫn đau đáu một niềm riêng: Phải làm gì đó cho đất nước! Ý nghĩ ấy đã thôi thúc ông về lại quê hương xứ sở. Được hỏi về những chuyến trở về Việt Nam trước đây, ông nói: “Tôi về Tổ quốc mình ngay sau những năm kết thúc chiến tranh. Vào thời điểm đó, tôi mong muốn mình là một cầu nối giữa trí thức bên ngoài và trí thức trong nước. Tôi nghĩ, thông qua chính việc làm của bản thân, mình có thể xoá đi những mặc cảm và cả nỗi lo sợ của không ít trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài”.

Hành lý về Việt Nam của GS.Tuệ là sách. Trong một chuyến ra đón thầy tại sân bay Nội Bài, thấy GS muốn có một chiếc taxi to hơn, học trò của thầy tỏ ra ngạc nhiên. Khi thấy mấy bao tải sách nặng dễ trên 100kg được mang ra, họ mới vỡ lẽ. Đến nay giáo sư đã mang về tới ngàn cuốn sách quý, dùng cho nghiên cứu, giảng dạy.

Xây dựng mô hình đại học tiên tiến ở Việt Nam

Kể từ chuyến về đầu tiên ấy, sau này hàng năm GS.Tuệ đều trở lại Việt Nam từ 1 đến 3 tháng. Giáo sư có thì giờ trao đổi với cán bộ giảng dạy và sinh viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện quân sự, Đại học Huế... và tham gia giảng dạy trong lĩnh vực Xử lý thông tin tại đại học mà Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu làm hiệu trưởng.

Không lương, không công tác phí, đi lại ăn ở phải tự túc, nhưng nhớ lại những ngày đó, GS.Tuệ vẫn còn xúc động: “Năm 1976, trong một hội nghị khoa học, tôi có dịp quen biết GS.Nguyễn Văn Hiệu. 3 năm sau, khi GS.Hiệu xúc tiến thành lập Đại học Công nghệ, tôi được mời tham gia giảng dạy, và từng bước thực hiện ý tưởng thành lập bộ môn Xử lý thông tin. Tôi nhớ, đó là vào năm 1999. Những năm tiếp theo, hàng năm tôi đều có thời gian giảng dạy tại trường đại học của GS.Hiệu”.

Đến năm 2005, bộ môn Xử lý thông tin chính thức được thành lập, GS.Huỳnh Hữu Tuệ được mời đảm nhận chủ nhiệm bộ môn. Từ bỏ mức lương 10.000 USD một tháng và một môi trường làm việc hiện đại ở Đại học Laval, GS.Tuệ về đầu quân tại đại học Công nghệ năm 2005 và là trí thức kiều bào đầu tiên được bổ nhiệm chức Chủ nhiệm bộ môn Xử lý thông tin thuộc khoa Điện tử viễn thông.

Còn giờ đây, khi đã là Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà, ông Tuệ tâm sự: “Bản thân tôi đã nếm trải đủ điều. Cao sang, đau khổ... không thiếu nên mọi khó khăn vật chất không còn là mối quan tâm đặc biệt. Duy có điều kiện làm việc quả là thiếu thốn. Nó không cho mình phát huy tất cả khả năng. Nhưng bên cạnh tôi có hai cộng sự giàu tâm huyết và bản lĩnh, hai tiến sĩ trở về từ Mỹ và Úc. Ba thầy trò quyết tâm xây dựng thành một nhóm như mô hình mà tôi đã từng xây dựng ở Đại học Laval. Những sinh viên theo học trong nhóm rất đam mê. Thông qua mô hình thực tiễn này tôi có thể chứng minh: Trong điều kiện không tương thích, nhưng tiềm lực dồi dào, thì vẫn có thể phát huy được”.

GS.Tuệ nhận định, niềm đam mê học, khả năng tiếp thu và trình độ của sinh viên Việt Nam là rất cao và không thua kém bất cứ sinh viên nước ngoài nào. Nhưng cái không ổn ở đây là phương pháp giảng dạy khiến cho sinh viên tiếp thu thụ động, dẫn tới tính sáng tạo và phản biện yếu. Giảng dạy trong trường đại học cần đồng hành cùng sinh viên, kích thích tính sáng tạo, tìm ra hướng xử lý vấn đề cho riêng mình. Điểm đặc biệt là cần đánh thức trách nhiệm cá nhân của các bạn sinh viên. Khi nào các bạn thấy được trách nhiệm của mình đối với gia đình, nhà trường, xã hội, coi như nhà trường thành công.

Trước những e ngại của một số phụ huynh rằng bắt học nhiều, sinh viên dễ nản, GS.Tuệ khẳng định: “Đó là thói quen học tập, phải chủ động và tham gia tích cực. Phải lấp đầy ngay những lỗ hổng tri thức, nếu không sẽ bị loại ngay. Tôi già như thế này mà vẫn phải liên tục học, huống chi các bạn trẻ”.

Từ khi Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà chính thức được thành lập vào năm 2007 đến nay, GS.Tuệ bắt tay thực hiện mô hình giáo dục mà ông đã nung nấu, chiêm nghiệm trong nhiều năm: Xây dựng trường đại học tiên tiến. Đào tạo những sinh viên vừa có bản lĩnh kiến thức, vừa sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ, nghiên cứu. Giáo sư đặc biệt nhấn mạnh tới khả năng phản biện, coi đây là một phẩm chất không thể thiếu của một trí thức. Giáo dục đại học phải giúp sinh viên đủ sức tích hợp và tổng hợp kiến thức để biến kiến thức đó thành của bản thân. Sản phẩm của một nền đại học theo đúng nghĩa của nó là phải đảm bảo ba điều: Thứ nhất là tư duy độc lập, thứ hai là tư duy phê phán, thứ ba là tư duy sáng tạo.

Chia tay GS.Huỳnh Hữu Tuệ, tôi còn ám ảnh mãi bởi tâm nguyện của ông: “Giấc mộng của tôi là đào tạo cho học trò của mình có trình độ cao, sánh vai với nền khoa học thế giới”. Một ước mơ lớn lao, một khát khao cháy bỏng trong tâm hồn vị giáo sư đã bạc mái đầu - hơn 30 năm trăn trở, nặng lòng với nền giáo dục nước nhà. Lại thầm mong: Có nhiều người con xa xứ của Việt Nam cũng nặng tình như thế...

Thu Hồng

Đọc thêm