Không được đưa quan hệ cá nhân để bỏ phiếu
Theo ông Nguyễn Mai Bộ, ngay từ Kỳ họp đầu tiên của Khóa XIV, mỗi ĐBQH đã được cung cấp hồ sơ về 48 người sắp được lấy phiếu tín nhiệm. Khi đó đó, từng ĐB đề xuất và thống nhất phê chuẩn ai vào vị trí nào. “Như vậy, một trọng trách của ĐB đã là giám sát tối cao chứ không phải đến lúc lấy phiếu tín nhiệm mới giám sát”, ông Bộ nói và cho biết, mỗi ĐB đã có quá trình theo dõi thường xuyên, vì thế mỗi người hoàn toàn nắm được người nào làm tốt, người nào làm không tốt. Thậm chí, nắm được cả tư cách đạo đức của người nào tốt hoặc có vấn đề các ĐB cũng sẽ biết.
Ông Nguyễn Mai Bộ cho rằng, hàng năm, hằng kỳ Quốc hội, các ĐB đều theo dõi báo cáo về kinh tế xã hội có logic với lĩnh vực của chính Bộ trưởng hoặc việc thẩm tra luật do chính Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội làm: Chất lượng làm luật ra sao. Đây cũng là một hướng để các các ĐB phải căn cứ.
Cũng theo ông Bộ, chúng ta đừng nặng nề việc là đánh giá ai cao, ai thấp mà qua việc đánh giá này sẽ mang lại lợi ích gì cho quốc gia, dân tộc. “Có ngành đó tốt nhưng bản thân ông Bộ trưởng có vấn đề này vấn đề kia thì đại biểu đánh giá tín nhiệm không cao. Rõ ràng, vai trò cá nhân trong tổ chức là có. Qua cái đó mới làm nổi bật lên vai trò lãnh đạo ngành”, ông Bộ nói.
Theo ông Bộ, đành rằng có Bộ trưởng không thích bị đánh giá thấp nhưng nếu không thích vậy thì phải đốc thúc ngành đó lên. “Phải vì lợi ích Quốc gia, dân tộc. Trong khi đó mỗi ĐB đừng đưa quan hệ cá nhân thích hay không thích vị này vào lấy phiếu tín nhiệm. Mà phải vì chính lợi ích quốc gia dân tộc qua cái tick mức độ tin nhiệm thấp. Rõ ràng ngành đó, cá nhân đó phải tự nhìn nhận”, ông Bộ lưu ý.
Ông Nguyễn Mai Bộ cũng thẳng thắng cho biết: “Với 3 mức tín nhiệm đối với mỗi người, trong đó nếu chức danh có nhiều đại biểu tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Đó cũng là kênh để cơ quan sắp xếp về tổ chức nhân sự quy hoạch hay không quy hoạch. Thậm chí nếu cần thiết yếu quá thì phải đề nghị Quốc hội miễn nhiệm. Quy định đã có rồi.”
Lý giải sự thẳng thắn của mình, ông cho rằng: “Nhân dân đã giao nhiệm vụ, ông thực hiện hợp đồng với Nhân dân. Ông ăn lương của Nhân dân mà làm không tốt thì có lẽ cũng phải thay hợp đồng. Nó như là một khế ước xã hội và nên chăng là như thế”.
Từ trước chúng ta có câu chuyện: “Đã lên không xuống, đã vào thì không có ra”. Nhưng giờ xã hội giờ lành mạnh, năng lực anh yếu, đạo đức không ổn thì phải chấp nhận. “Tôi nghĩ nên sòng phẳng”, ông Bộ bày tỏ.
Nhiều Báo cáo của người lấy phiếu tín nhiệm còn sơ sài
Nêu quan điểm của mình, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm lần này giống như một lần sát hạnh, một lần đánh giá về năng lực, đạo đức, phong cách của những vị lãnh đạo của Chính phủ và Quốc hội tín nhiệm bầu.
“Những ai bị phiếu thấp phải nhìn lại về năng lực và phẩm chất của mình và đặc biệt nhiệm vụ chính trị của mình chưa hoàn thành, chưa được các ĐB ghi nhận và chưa đánh giá tốt”, ĐB Phương nói.
Đồng quan điểm với ĐB Mai Văn Bộ, ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, với những người nhận được quá nhiều phiếu tín nhiệm thấp, theo quy định sẽ miễn nhiệm. Còn trường hợp thấp nhưng trong mức cho phép thì ngay bản thân chức danh phải nhìn lại chức danh để làm tốt hơn vị trí của mình trong thời gian tới.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) |
ĐB Phương cho biết một thực tế, trong những văn bản báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm gửi cho các ĐB có báo cáo rất rõ ràng, rất cụ thể vừa đánh giá ưu điểm, vừa nêu những hạn chế và nêu các biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có nhiều bản báo cáo chỉ nêu những thành tích mà không nêu những hạn chế cũng như địn hướng trong thời gian tới.
“Chắc chắn ở lĩnh vực nào, bộ trưởng nào hoặc những vị trí nào cũng có ưu điểm và có hạn chế chứ không có Bộ trưởng nào ưu điểm tuyệt đối. Đây là điểm theo tôi cần xem xét khắc phục trong những lần sau”, ĐB Phương thẳng thắn.
Nhiều người tỏ vẻ lăn tăn với việc đánh giá của các ĐBQH đối với từng chức danh có đủ thông tin cần thiết để khách quan hay không? ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, việc đánh giá lần này hoàn toàn khách quan. Bởi vì, cơ sở để đánh giá thì ĐBQH dựa vào nhiều cơ sở:
Một là, dựa vào báo cáo của từng chức danh về ưu điểm hạn chế của mỗi chức danh.
Hai là, quá trình theo dõi việc thực hiện lời hứa và những giải trình của các vị đó trong quá trình chất vấn, trả lời chất vấn.
Ba là, dựa vào quá trình giám sát của Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực đánh giá năng lực của ĐB có ưu điểm gì và hạn chế gì.
Bốn là, phải dựa vào lòng dân. Qua các buổi tiếp xúc cử tri, cử tri đánh giá những gì tính cực, những gì hạn chế trong tất cả các ngành, tất cả các lĩnh vực.