Người Nhật và vấn đề suy giảm dân số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhật Bản đang bước vào thời kỳ suy giảm và già hóa dân số trầm trọng, ảnh hưởng tới hầu hết các khía cạnh vĩ mô của nền kinh tế - xã hội đến từng quyết định chi tiêu hàng ngày của mỗi người dân.
Dân số cũng là một vấn đề nan giải tại Nhật. (Nguồn: Getty Image)
Dân số cũng là một vấn đề nan giải tại Nhật. (Nguồn: Getty Image)

Công việc bị mất đi, sự hài lòng giảm sút

Kể từ tháng 11, Công ty Đường sắt Trung tâm Nhật Bản (JR Tokai) đã tăng số lượng máy bán hàng tự động trên các sân ga nơi tàu cao tốc Shinkansen dừng để hành khách có thể mua đồ uống, đồ ăn nhẹ. Kèm theo đó, công ty này cũng tuyên bố dừng các dịch vụ xe bán đồ tiện lợi trên tàu kể từ cuối tháng 10. Tưởng chừng đây là một thông báo rất bình thường, không khiến nhiều người Nhật phải chú ý đến, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

Điều đặc biệt đối với hành khách đi tàu Shinkansen của JR Tokai nhiều năm qua là các dịch vụ ăn uống hấp dẫn trên tàu, được phục vụ bởi đội ngũ nhân viên tận tình. Nhất là món kem Sujata Shinkansen đã trở thành sản phẩm độc quyền và bán chạy nhất trên tàu. Cà phê nóng cũng là một món phổ biến khác được nhiều hành khách coi là trải nghiệm thú vị trên Shinkansen.

Chia sẻ với Japan Times tại ga Tokyo trong chuyến công tác ngày 24/10, một nam hành khách 58 tuổi đến từ Nagoya cho rằng: “Cà phê nóng mua từ xe bán đồ ăn trên tàu là một trải nghiệm độc đáo. Tôi thất vọng vì sẽ không còn trải nghiệm điều đó được nữa”. Thật vậy, rất nhiều người Nhật đã bày tỏ sự tiếc nuối, buồn bã khi họ không còn được thưởng thức món kem yêu thích hay các món ăn, đồ uống khác trên tàu nữa.

Theo JR Tokai, dịch vụ ăn uống trên tàu đã trở thành điểm nhấn thu hút kể từ khi khai trương các tuyến tàu đầu tiên vào năm 1964. Khi ấy, nhân viên của công ty đã bán các bữa trưa đóng hộp, trà nóng, đồ uống, tạp chí hàng tuần, đồ lưu niệm và các loại mặt hàng khác trên tàu, được hành khách đón nhận. Vào khoảng năm 1991, món kem Sujata Shinkansen mới xuất hiện và trở thành sản phẩm biểu tượng. Với một lịch sử dài lâu, gắn bó với nhiều thế hệ người Nhật, khi JR Tokai quyết định dừng các dịch vụ này trên tàu vì lý do doanh số giảm sút trầm trọng và thiếu hụt nhân viên bán hàng, hàng triệu hành khách đã không khỏi tiếc nuối.

JR Tokai dừng dịch vụ bán đồ ăn uống trên tàu vì thiếu hụt lao động, giảm doanh thu. (Nguồn: AFP)

JR Tokai dừng dịch vụ bán đồ ăn uống trên tàu vì thiếu hụt lao động, giảm doanh thu. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, đặt ở góc nhìn rộng hơn, quyết định của JR Tokai gần như là tất yếu trong bối cảnh đất nước “mặt trời mọc” đang bước vào thời kỳ suy giảm dân số và già hoá dân số. Tình trạng này tác động sâu rộng đến hầu hết mọi mặt của nền kinh tế - xã hội. Một trong những tác động tức thời và rõ rệt nhất là hiện tượng người tiêu dùng giảm chi tiêu đối với các dịch vụ tiện nghi, xa xỉ và thậm chí cả các dịch vụ cơ bản. Rõ ràng, khi số lượng người tiêu dùng giảm thì nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ cũng giảm theo, dẫn đến doanh thu của doanh nghiệp giảm. Điều này có thể dẫn đến việc cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô và đóng cửa các ngành dịch vụ, hàng hoá phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bền vững của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, dân số già hoá khiến số lượng người trong độ tuổi lao động giảm sút. Tình trạng thiếu hụt lao động khiến các doanh nghiệp phải tính đến các phương án thay thế khác, chẳng hạn như máy bán hàng tự động, để duy trì dịch vụ của họ. Như trường hợp dịch vụ bán đồ ăn uống trên tàu Shinkansen của JR Tokai, sụt giảm hành khách do dân số giảm khiến các dịch vụ này không còn khả thi về mặt kinh tế; đồng thời sự thiếu hụt nhân sự khiến chất lượng dịch vụ không thể bảo đảm duy trì. Do đó, xu hướng cơ giới hoá có thể vừa thay thế phần việc của người lao động bằng máy móc, vừa giúp hạ giá sản phẩm để phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Tuy vậy, ở khía cạnh ít tích cực hơn, sự gián đoạn này không chỉ dẫn đến hệ quả mất việc làm không thể tránh khỏi mà còn ảnh hưởng đến những hành khách vốn yêu thích sự tiện nghi, thân thiện từ dịch vụ bán hàng trên tàu, được phục vụ bởi con người - dù giá cả có thể đắt hơn so với mua tại máy bán hàng tự động.

Có thể thấy, những nguy cơ đến từ suy giảm dân số không đơn giản chỉ là thay đổi về số lượng nhân khẩu học về mặt vĩ mô. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng đến cả những quyết định chi tiêu hàng ngày của người Nhật, theo các phương tiện truyền thông nước này đánh giá. Đó là vòng luẩn quẩn của việc nhu cầu tiêu dùng giảm dần, các cá nhân có xu hướng tập trung nguồn tài chính vào nhu cầu thiết yếu hơn là chi tiêu tuỳ ý, dẫn đến giảm sản xuất, mất việc làm và giảm thêm các lựa chọn chi tiêu của người tiêu dùng. Những lựa chọn đáp ứng sở thích, thoả mãn các nhu cầu cá nhân, thậm chí là các dịch vụ xa xỉ, cũng trở nên hạn chế và kém đa dạng, dần dần làm xói mòn sự kỳ vọng và cuối cùng là cảm giác hài lòng, niềm hạnh phúc với cuộc sống của người Nhật.

Thập kỷ suy giảm và già hóa dân số báo động

Một số liệu do Bộ Nội vụ công bố vào tháng 7 năm nay cho thấy, số ca tử vong ở Nhật Bản trong năm 2022 đạt mức cao kỷ lục, hơn 1,56 triệu người, trong khi chỉ có 771.000 đứa trẻ ra đời. Đây cũng là năm đầu tiên số trẻ sơ sinh ở xứ sở hoa anh đào giảm xuống dưới 800.000 trẻ trong nhiều thập kỷ qua. Ngay cả khi số lượng người nước ngoài đến sinh sống tại Nhật Bản tăng ở mức cao nhất, hơn 10% lên 2,99 triệu người, sự sụt giảm dân số vẫn diễn ra. 2022 là năm thứ 14 liên tiếp tổng dân số Nhật Bản giảm, xuống còn 122,42 triệu người. Đáng nói, tất cả các quận, thành phố của quốc gia này đều ghi nhận xu hướng giảm dân số.

Đầu năm 2023, Thủ tướng Fumio Kishida đã nói rằng, việc giải quyết vấn đề về tỷ lệ sinh phải là “bây giờ hoặc không bao giờ”, đồng thời cảnh báo đất nước Nhật Bản “đang đứng trước nguy cơ khó thể duy trì các chức năng xã hội của mình”, theo tờ Guardian (Anh). Sau khi số liệu trên được công bố, Thủ tướng Nhật Bản tiếp tục nhấn mạnh đây là một “cuộc khủng hoảng” và cam kết sẽ giải quyết tình hình này. Tuy nhiên, các chính sách quốc gia đến nay vẫn chưa thể khắc phục được tình trạng suy giảm dân số trầm trọng.

Dân số Nhật Bản suy giảm đáng kể trong hơn thập kỷ qua. (Nguồn: AFP)

Dân số Nhật Bản suy giảm đáng kể trong hơn thập kỷ qua. (Nguồn: AFP)

Bên cạnh đó, xu hướng dân số già cũng đang tác động đến hầu hết mọi khía cạnh xã hội. Thực trạng tại hơn một nửa số thành phố trực thuộc Trung ương được xác định dân số giảm và già hoá, nhiều trường học đóng cửa vì không có học sinh. Trong khi đó, ước tính có hơn 1,2 triệu doanh nghiệp nhỏ có chủ sở hữu ở độ tuổi khoảng 70 và không có người kế nhiệm. Các tác động khác như chương trình truyền hình cũng hướng đến khán giả lớn tuổi nhiều hơn, các nội dung quảng cáo được quan tâm nhiều hơn cả là về các dịch vụ tang lễ, các loại thực phẩm chức năng giúp giảm đau khớp và các bệnh tuổi già. Thậm chí, ngành công nghiệp phim người lớn ở Nhật Bản cũng chuyển dịch dần sang phục vụ phân khúc người xem lớn tuổi, với những diễn viên ở độ tuổi 60, 70, thậm chí 80.

Tháng 4/2023, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập một cơ quan chuyên trách riêng - Cơ quan Trẻ em và Gia đình, để giải quyết tập trung các vấn đề liên quan đến dân số, đặc biệt là tăng tỷ lệ sinh. Chính phủ cũng đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu cho chăm sóc trẻ em và trợ cấp lên 4% GDP. Kể từ đó, có hơn 300 thị trấn nhỏ ghi nhận tăng đáng kể tỷ lệ sinh bởi chính sách chi trả hào phóng từ chính phủ và môi trường thân thiện hơn với trẻ em. Tuy nhiên, từ chính kinh nghiệm của quốc gia này trước đó, tăng thêm các khoản ưu đãi chăm sóc trẻ em và giáo dục ít ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh bởi hệ thống an sinh xã hội ở Nhật Bản đã tương đối hoàn thiện so với rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các vấn đề liên quan khác còn nằm ở tỷ lệ và độ tuổi kết hôn, nhu cầu sinh con ở mỗi gia đình,…

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất ngày càng có ít trẻ sơ sinh hơn. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ sinh trung bình, tức số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong cuộc đời, của nhóm các quốc gia phát triển là 1,66 trong khi tỷ lệ cần thiết để duy trì số lượng dân số là 2,1. Đáng chú ý, dân số Nhật Bản bắt đầu giảm trước các nước khác, đỉnh điểm bắt đầu từ năm 2008 và tỷ lệ sinh ở quốc gia này cũng giảm nhanh chóng hơn so với những nơi khác. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, trong năm 2022, tỷ lệ sinh tại Nhật Bản là 1,2565. Con số này thấp hơn so với mức 1,2601 được ghi nhận vào năm 2005 và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ cần để duy trì dân số ổn định. Trong khu vực Đông Á, Đài Loan (Trung Quốc) chỉ xếp sau Nhật Bản với 1,24 trẻ sơ sinh trên một phụ nữ, trong khi Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới với chỉ 0,78.

Đọc thêm