“Người nhện” Vjeran Tomic trộm 5 kiệt tác nghệ thuật trong nháy mắt

(PLO) - Được mệnh danh là “Người nhện”, siêu đạo chích người Pháp Vjeran Tomic trộm 5 kiệt tác hội họa ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Paris, trị giá ít nhất 100 triệu euro, chỉ bằng vài dụng cụ đơn giản cùng một chút may mắn.
Vjeran Tomic trộm 5 bức tranh ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Paris.
Vjeran Tomic trộm 5 bức tranh ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Paris.

Trước bình minh ngày hôm đó, Tomic đã chất lên chiếc Renault màu đỏ của mình 5 kiệt tác của Picasso, Braque, Matisse, Léger và Modigliani, trị giá hơn 104 triệu euro (khoảng 112 triệu USD). Những gì Tomic để lại chỉ là những bộ khung rỗng trên các bức tường của bảo tàng. Sau 6 năm, Tomic và đồng bọn mới bị tóm và phải đối mặt từ 10-20 năm tù giam cùng khoản tiền phạt lớn.

Từng 13 lần dính án trộm cắp

Tomic không phải là cái tên xa lạ, đối tượng này từng bị kết án 13 lần về các tội tương tự và đã từng bị bắt vào tháng 5/2011 sau khi một người ẩn danh báo cảnh sát tung tích của anh ta. 

Sinh năm 1968 tại Paris, Vjeran Tomic là con trai của một công nhân. Thời thơ ấu ông lớn lên ở Bosnia và Herzegovina, sau đó ở Nam Tư cũ, nơi đây Tomic học được các mánh khóe trộm cắp.

 Năm 11 tuổi, Tomic trở lại Paris, tập luyện leo trèo, nhào lộn và nhảy xa ở khu Nghĩa trang Pere Lachaise. Sau đó, anh ta hoàn thiện kỹ năng leo tường của mình trong thời gian tham gia lực lượng quân đội Pháp. Tuy nhiên, Tomic kể rằng trong vụ trộm này, anh ta hầu như không cần dùng đến các kỹ năng này.

Theo các công tố viên, vụ việc khởi đầu khi Jean-Michel Corvez, 61 tuổi, một người buôn bán đồ cổ thường mua đồ ăn cắp của Tomic, đã yêu cầu anh ta lấy trộm bức tranh của Léger trong bảo tàng, với giá 40.000 euro.

Tomic đã lên kế hoạch từ trước và cố gắng tập trung nỗ lực phá một trong các cửa sổ có chấn song của bảo tàng. Trong vài lần đến đây, y đã kín đáo phun acid lên cửa sổ để sau đó có thể dễ dàng tháo dỡ.

Khoảng 3h sáng 20/5/2010, siêu trộm đã cắt lìa cửa sổ, tháo rời tấm kính, cắt ổ khóa và dây kim loại phía sau để đột nhập vào bảo tàng mà không làm hệ thống báo động kêu lên. 

Chỉ tốn khoảng 15 phút, Tomic nhanh chóng tháo 5 bức tranh khỏi khung treo trên tường, cho vào một bọc lớn rồi tẩu thoát bằng chính cửa sổ lúc vào. Lúc này, 3 nhân viên bảo vệ gác vào đêm hôm đó vẫn đang ngủ say và không biết chuyện gì đang xảy ra. 

Ban đầu Tomic chỉ định lấy bức tranh “Cuộc sống bình lặng với giá nến” của Leger theo yêu cầu. Tuy nhiên, sau khi chuẩn bị rời đi, Tomic nhận thấy mình vẫn còn thời gian vì hệ thống chuông báo trộm không kêu. Lúc này Tomic quyết định đi lang thang trong bảo tàng thêm vài giờ và “bỏ túi” thêm 4 kiệt tác khác nữa bao gồm: “Người đàn bà với cây quạt” của Modigliani, “Chim câu và những hạt đậu xanh” của Picasso, “Cây olive gần l’Estaque” của Braque và “Mục đồng” của Matisse.

Đến sáng ngày hôm sau, khi bảo tàng chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan như thường lệ, 5 bức tranh mới được phát hiện “mất tích”. Trong khi đó, Vjeran Tomic đã lái chiếc Renault Espace màu đỏ cùng với những bức tranh cao chạy xa bay và mang tất cả cho người đề nghị trộm tranh Corvez.  

Trên thực tế, thành công của Vjeran Tomic trong vụ trộm tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Paris không hoàn toàn do “tài nghệ” của “người nhện” mà còn bởi sự quá lỏng lẻo về an ninh và sự khinh suất đến độ ngớ ngẩn của nhân viên bảo tàng. 

Bảo tàng nơi xảy ra vụ trộm
Bảo tàng nơi xảy ra vụ trộm

Cuộc điều tra của cảnh sát còn phát hiện các máy dò sự chuyển động tại khu vực có tranh bị trộm đã không còn hoạt động từ hai tháng trước đó. Chưa hết, các vị trí báo động của bảo tàng lại gặp trục trặc, dẫn tới nhiều vụ báo động sai lệch và những người có trách nhiệm tại bảo tàng đã vô hiệu hóa chúng từ trước khi có vụ trộm để sửa chữa, nhưng chưa kịp làm thì “người nhện” đã ra tay.

Và trong đêm diễn ra vụ trộm, toàn bộ camera quan sát bên ngoài của bảo tàng tập trung vào mái nhà, buông lỏng hoàn toàn các hoạt động diễn ra từ phía con đường tiếp giáp với bảo tàng.

Cảnh sát bị tung hỏa mù

Cảnh sát Pháp bắt giữ Tomic sau khi nhận được lời chứng của một người đàn ông vô gia cư khi người này đi lang thang xung quanh bảo tàng trong những ngày xảy ra vụ trộm.

Ban đầu, các nhà điều tra nghi ngờ rằng Tomic có đồng phạm bên trong bảo tàng, nhưng sau đó họ nhận thấy không một thiết bị nào trong hệ thống chống xâm nhập hoạt động hiệu quả vào ngày hôm đó. Tín hiệu từ các máy dò cảm biến đã không truyền được tới nhân viên bảo vệ.

Trong suốt 1 năm bị giam giữ và thẩm vấn, cuối cùng Tomic đã nhận tội và khai với cảnh sát về vai trò của Jean-Michel Corvez, người buôn đồ cổ. Các nhà điều tra đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các bức tranh bị đánh cắp. Chúng đã được giấu ở nơi an toàn, bị đem bán hay tệ nhất là đã bị phá hủy? Corvez từng đề cập tới một khách hàng người Ả Rập nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Trong khi đó, Yonathan Birn, thợ đồng hồ 40 tuổi - nghi phạm thứ ba, nói với các thẩm phán rằng ông ta được yêu cầu giấu các bức tranh. Tuy nhiên vì quá hoảng sợ nên đã vất các tác phẩm nghệ thuật vào trong thùng rác. Điều này có nghĩa các bức tranh có thể mất tích mãi mãi. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào lời khai này.

Ông William Bourdon, luật sư đại diện của City of Paris, đơn vị sở hữu bảo tàng, cho rằng có “khả năng rất lớn” là 3 người đàn ông này đã tìm cách tung hỏa mù để đánh lừa các cơ quan chức năng. Bằng cách này, họ hy vọng một ngày nào đó vẫn có thể chia phần từ vụ trộm.

Ông James Ratcliffe, Giám đốc Art Loss Register, trung tâm thu thập dữ liệu về các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, nói với phóng viên New York Times rằng, “Việc bán các bức tranh sẽ vô cùng khó khăn. Đây là những bức tranh có thể được nhận ra ngay lập tức đối với bất kỳ người buôn tranh, nhà đấu giá hay nhà sưu tập nào”.

Sa lưới pháp luật 

Sau 2 ngày xét xử, ngày 3/2/2017, các công tố viên đề nghị mức án 20 năm tù và 300.000 euro tiền phạt đối với bị cáo Tomic về tội trộm cắp tài sản văn hóa. Thẩm phán Peimane Ghalez – Marzban khẳng định tên trộm đã qua mặt hệ thống an ninh để đánh cắp những kiệt tác nghệ thuật.

Tomic kể rằng mặc dù có khả năng leo trèo nhưng hắn thực hiện vụ trộm táo bạo trên chỉ bằng cách phá vỡ một tấm kính và ổ khóa. Tất cả những thứ anh ta mang theo chỉ là một vài công cụ như chiếc pít tông, kìm và một chút may mắn.  

Siêu trộm Tomic cũng chính miệng nói trước phóng viên bên ngoài phòng xử án, nơi anh ta và hai người khác bị cáo buộc là đồng phạm bị xét xử vì tội trộm cắp, rằng: “Tôi chưa bao giờ thực hiện phi vụ nào dễ dàng đến thế. Tôi đã rất ngạc nhiên khi không gặp bất cứ trở ngại. Thậm chí chuông báo động cũng không kích hoạt khi tôi tháo kính cửa sổ bảo tàng”.

Bản án cuối cùng của Tòa án Paris tòa tuyên ngày 20/2/2017, tuyên án 8 năm tù với “Người nhện” Vjeran Tomic, thủ phạm đánh cắp 5 kiệt tác của các danh họa Picasso, Matisse, Modigliani, Braque và Fernand Leger vào năm 2010 từ Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, nằm đối diện tháp Eiffel ở Paris.

Đại lý đồ cổ đã đặt hàng Tomic trộm tranh Jean-Michel Corvez, 61 tuổi, bị kết án 7 năm tù. Yonathan Birn, 40 tuổi, chuyên gia nghệ thuật và đại lý đồng hồ xa xỉ, đã tàng trữ và phá hủy các bức tranh, lãnh 6 năm tù. Tòa án cũng tuyên 3 bị cáo nộp phạt cho thành phố Paris 104 triệu euro tiền bồi thường các bức tranh.

Đọc thêm