Người nổi tiếng kêu gọi không tiêu thụ động vật hoang dã dịp lễ, tết

(PLVN) - Nhiều câu chuyện lần đầu được kể bởi Hoa hậu Hoàn vũ  Khánh Vân, Á hậu Kim Duyên, Dustin Phúc Nguyễn, người mẫu Quang Đại, ca sĩ Quân A.P, biên đạo - vũ công Quang Đăng, ca nhạc sĩ SSAY, blogger du lịch Vinh Gấu, blogger du lịch Quỷ Cốc Tử (Ngô Trần Hải An)… đã khiến cho khán giả có thể cảm nhận rõ nét hơn những nỗi đau liên quan đến vấn nạn tiêu thụ thịt rừng tại Việt Nam.
Hoa hậu H’Hen Niê kêu gọi bảo vệ đa dạng sinh học Viêt Nam bằng cách không tiêu thụ ĐVHD
Hoa hậu H’Hen Niê kêu gọi bảo vệ đa dạng sinh học Viêt Nam bằng cách không tiêu thụ ĐVHD

Ủng hộ Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã (ĐVHD), và tiếp nối chiến dịch truyền thông của CHANGE và WildAid, hơn 20 nghệ sĩ, blogger du lịch tiên phong đã thực hiện bộ ảnh và video phỏng vấn nhằm lan tỏa thông điệp “Ngưng thịt rừng, ngừng hậu họa”, đặc biệt trong những ngày cuối năm khi hàng loạt đường dây săn bắt, vận chuyển và tiêu thụ ĐVHD hoạt động mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho dịp lễ Tết tăng cao tại Việt Nam và các nước châu Á .

Nhà báo, đồng thời là blogger, nhiếp ảnh gia du lịch Ngô Trần Hải An thể hiện sự thương cảm với các loài vật: “An thấy tình trạng bẫy bắt ĐVHD ở Việt Nam thật là khủng khiếp. Gần đây An có đọc 1 bài báo nói trên 1km2 rừng ở Việt Nam có hơn 100 cái bẫy với 5 loại bẫy khác nhau. Mỗi loại bẫy sẽ tiêu diệt và làm con thú chết theo một cách khác nhau, làm chúng rất đau đớn trước khi chết. Bạn cứ tưởng tượng trên 1km đường mà bạn gặp 100 cái hố và bạn cứ phải rớt xuống những cái hố đó để hình dung được độ thảm khốc mà những con thú phải chịu đựng.”

Từ một góc nhìn khác, Hoa hậu H’Hen Niê, người lớn lên với núi rừng Tây Nguyên chia sẻ: “H’Hen nghĩ nhu cầu thịt rừng có thể xuất phát từ những người ở vùng khác đến. Từ đó mới dẫn đến “nguồn cung” từ cộng đồng chính nơi H’Hen sinh sống. Có thể vì người tiêu thụ nghĩ rằng thịt rừng ngon, có vị lạ, nguồn gốc từ tự nhiên. H'Hen hy vọng những người yêu thương H’Hen, những người đang nghe những điều chia sẻ này sẽ tìm hiểu nhiều hơn và yêu thương những loài vật quanh mình, để bảo vệ ĐVHD của đất nước mình”.

Số lượng bẫy dây hiện có tại các khu rừng, khu bảo tồn ở Việt Nam là 110,7 bẫy/ km², đe dọa nghiêm trọng các loài hoang dã
 Số lượng bẫy dây hiện có tại các khu rừng, khu bảo tồn ở Việt Nam là 110,7 bẫy/ km², đe dọa nghiêm trọng các loài hoang dã

Sau hơn 5 tháng kể từ khi Chỉ thị 29/CT-TTg được ban hành, tình trạng săn bắt, vận chuyển ĐVHD vẫn đang diễn ra vô cùng phức tạp. Để đáp ứng nhu cầu thịt thú rừng làm món ăn đặc sản trong khu vực đô thị, bên cạnh nguồn cung cấp từ các đường dây vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam, thì nguồn cung đến từ chính từ các khu rừng ở Việt Nam. 

Đơn cử, chỉ trong vòng một tuần phòng CSGT tỉnh Kon Tum đã phát hiện bắt giữ 3 vụ vận chuyển thực phẩm bẩn và động vật hoang dã trái phép lên đến gần 1 tấn. Đây là một thông tin hết sức đáng lo ngại đối với sức khỏe cộng đồng lẫn tình trạng suy giảm trầm trọng các loài ĐVHD. 

Theo báo cáo “Sự im lặng của những chiếc bẫy dây: Khủng hoảng đặt bẫy dây ở Đông Nam Á” của Quỹ bảo tồn thiên nhiên WWF, số lượng bẫy dây hiện có tại các khu rừng, khu bảo tồn ở Việt Nam là 110,7 bẫy/ km², đe dọa nghiêm trọng các loài hoang dã.

Những con số này cũng nói một hiện thực là nhu cầu tiêu thụ thịt rừng trong nước vẫn còn rất phổ biến, bất chấp các nguy cơ lan truyền các dịch bệnh nguy hiểm như COVID-19. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, rừng Việt Nam sẽ sớm trở thành những cánh rừng rỗng, và đa dạng sinh học của Việt Nam sẽ bị tụt hạng.