Người Phát ngôn Chính phủ trả lời về chặt hạ cây xanh, lấp sông Đồng Nai

(PLO) -Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều nay, 1/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ đã trả lời một số vấn đề báo chí, dư luận quan tâm

Người Phát ngôn Chính phủ trả lời về chặt hạ cây xanh, lấp sông Đồng Nai
Về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị tại Hà Nội vừa qua không nhận được sự đồng tình của dư luận. Người phát ngôn Chính phủ cho biết: Việc quản lý cây xanh đô thị được quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm quản lý toàn bộ cây xanh trên địa bàn.
Nghị định cũng quy định rõ 3 loại cây được chặt hạ, dịch chuyển là: Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cây trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Việc chặt hạ, thay thế cây xanh của TP Hà Nội vừa qua đã không được dư luận đồng tình, gây bức xúc xã hội. Trước tình hình này, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo dừng triển khai kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ để có biện pháp xử lý theo quy định.
UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình chặt hạ, thay thế cây xanh vừa qua và đề xuất các giải pháp xử lý. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu UBND TP Hà Nội: (1) Khẩn trương thanh tra, làm rõ, kết luận và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo quy định; (2) Rà soát, đánh giá các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện; kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện; (3) Tăng cường quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội theo đúng quy định; (4) Thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu UBND TP Hà Nội khẩn trương thanh tra, làm rõ việc chặt hạ, thay thế cây xanh
 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu UBND TP Hà Nội khẩn trương thanh tra, làm rõ việc chặt hạ, thay thế cây xanh
Về câu hỏi: tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp lấn sông Đồng Nai để xây dựng dự án ở thành phố Biên Hòa gây bức xúc trong dư luận. Người phát ngôn Chính phủ cho biết: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; đề xuất xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015.
Các Bộ và UBND tỉnh Đồng Nai đang tích cực triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng. UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định dừng triển khai dự án này để thẩm định tính pháp lý và đánh giá, làm rõ hơn các tác động của dự án.
Sông Đồng Nai đang bị lấp để làm dự án xây dựng khu đô thị, ảnh PLO
 Sông Đồng Nai đang bị lấp để làm dự án xây dựng khu đô thị, ảnh PLO
Về Đề án phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam với quy mô trồng 200.000 ha tại Tây Nguyên trong 5 năm tới và lo ngại trồng ồ ạt cây mắc-ca để tránh những hệ luỵ như mất giá, không có thị trường tiêu thụ…Người phát ngôn Chính phủ cho biết: Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cây mắc-ca có thể trồng được ở nước ta và đã được trồng khảo nghiệm thành công ở một số nơi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận đưa vào sản xuất 10 giống và Chính phủ đã có chính sách khuyến khích tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, việc trồng mắc-ca ở Tây Nguyên với quy mô 200 nghìn ha như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và công ty Him Lam đề xuất cần phải cân nhắc thận trọng. Hiện nay, trên thế giới sau nhiều năm phát triển mới chỉ có khoảng 80 nghìn ha.
Đối với đề nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về việc xem xét bổ sung cây mắc-ca vào nhóm cây nông, công nghiệp mũi nhọn cần được ưu tiên phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xử lý các đề xuất, kiến nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lập quy hoạch phát triển cây mắc-ca, trước mắt dự kiến tới năm 2020 phát triển với quy mô khoảng 10 nghìn ha, chủ yếu ở những địa bàn đã khảo nghiệm thành công, có hiệu quả ở Tây Bắc và Tây Nguyên và chỉ trồng những giống được Bộ công nhận, bao gồm cả trồng tập trung và trồng xen trong các vườn cà phê.


Đọc thêm