Người phụ nữ Hà thành và ước mơ “hồi sinh” áo chần bông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cơn gió lạnh mùa đông ở miền Bắc làm nhiều người nhớ đến tấm áo chần bông từng là món đồ ao ước của các bà, các mẹ một thời xưa cũ. Với cuộc sống hiện đại, ngỡ tưởng, tấm áo ấy dần chìm vào quên lãng. Nhưng rồi, áo chần bông đã được “hồi sinh” qua tình yêu chan chứa của những người nâng niu giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Các mẫu thiết kế áo chần bông trong 9 tầng mây. (Ảnh: Thùy Dương)
Các mẫu thiết kế áo chần bông trong 9 tầng mây. (Ảnh: Thùy Dương)

Hoài niệm ký ức khó phai mờ

Tuần lễ triển lãm bộ sưu tập áo chần bông “Chín tầng mây” của Trịnh Fashion gồm những sáng tạo của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy, nơi kết hợp văn hoá truyền thống với những thiết kế đương đại diễn ra tại Khu Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội được tổ chức giữa tháng 12/2023.

“Chín tầng mây” mang đến cho công chúng một góc nhìn sâu sắc hơn về một phục trang của Hà Nội. Sự giao thoa giữa cảm hứng đương đại và tình yêu với giá trị văn hóa dân tộc luôn là nguồn cảm hứng giúp nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy tạo nên những thiết kế đầy sáng tạo trên nền truyền thống. Kết hợp cùng “Gamme Collective” tại Paris để phối hợp mang đến bộ sưu tập này, các thiết kế áo chần bông hiện diện với một vẻ hiện đại, hợp xu thế nhưng in đậm hồn Việt. Sử dụng chất liệu cao cấp, được dệt tay hoàn toàn bởi các nghệ nhân làng nghề, thêu tay những họa tiết Á Đông, nét truyền thống được giữ gìn trong từng nhịp thở của bộ sưu tập.

Điểm nhấn của triển lãm chính là các loại đường chần bông truyền thống đến sáng tạo và các nút điểm đường chần của áo chần bông của riêng Trịnh Fashion. Các đường chần sẽ lần lượt được trình bày thông qua những thiết kế hoàn thiện từ đường chần cơ bản như chần ô vuông, chần ô cờ, chần ô trám đến đường chần khác biệt như chần hạt gạo, chần ô dọc, ngang, chần theo họa tiết hoa, phố cổ, tranh vẽ...

Ngoài “9 tầng mây”, nỗi lòng muốn chia sẻ một nét truyền thống khó phai mờ trong kí ức người Hà Nội, bộ sưu tập “Sen lạnh” tái hiện một Hà Nội êm đềm, thơ mộng. nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy lấy hoa sen là họa tiết chủ đạo cùng những chiếc khuy bằng thổ cẩm, điểm xuyết trên mặt áo là những điểm nhấn sặc sỡ theo hơi hướng thời trang hiện đại. Màu sắc của những chiếc áo bông chần không chỉ còn giới hạn ở đen truyền thống, mà còn có xám lạnh, cam, đỏ… thời trang. Phom áo cũng được cách điệu cho người mặc vẫn nhận ra nét duyên dáng truyền thống của áo bông chần, lại pha trộn cả phom dáng hiện đại cho phù hợp với nhu cầu người mặc. Những đường chỉ không chỉ thể hiện kỹ thuật tỉ mỉ, chi tiết, mà đòi hỏi cả tình cảm của người thợ trong đó. Khi xưa, hoa sen được thêu tay, tuy nhiên, trong những mẫu thiết kế của Trịnh Bích Thủy, hoa sen được xếp lớp 3D, có sự chuyển đổi màu sắc. Trịnh Bích Thủy cho biết: “Tôi muốn mang đến cho mọi người một sản phẩm mang đậm nét văn hóa, nhưng phải là một sản phẩm có sự gắn kết tình cảm giữa xưa và nay.

Nét đẹp tự nhiên của bộ sưu tập không chỉ đến từ những chất liệu lụa làng nghề Việt Nam mà còn đến từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân thủ công khi từng chiếc cúc, từng đường thêu đều là các tác phẩm thủ công tỉ mỉ. Ẩn trong vẻ ngoài tưởng chừng giản dị là bộ sưu tập tinh xảo, cầu kì, nơi vẻ đẹp không chỉ là các giá trị thẩm mỹ bên ngoài mà còn là cả giá trị văn hóa, giá trị truyền thống và giá trị nhân văn.

NTK Trịnh Bích Thủy say mê cách tân áo chần bông truyền thống. (Ảnh: FBNV)

NTK Trịnh Bích Thủy say mê cách tân áo chần bông truyền thống. (Ảnh: FBNV)

Khi nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy giới thiệu những chiếc áo chần bông thủ công đến công chúng, đã có những tiếng ồ lên ngạc nhiên: “Ngày xưa, ông bà tôi đã mặc những chiếc áo kiểu thế này”. Nhiều người sống lại những hồi ức xưa cũ, đã tìm lại những bức ảnh đã ố vàng. Nửa đầu thế kỷ 20, áo chần bông là trang phục phổ biến của “ông bà ta”. Quả thật, những bức ảnh Hà Nội xưa, nhất là vào dịp Tết cho thấy rất nhiều người mặc những chiếc áo chần bông lịch lãm. Nhưng điều khiến chị Thủy say mê với áo chần bông không chỉ có thế. Qua chiếc áo chần bông, chị muốn kể câu chuyện văn hóa mặc Hà Nội xưa, từ đó thể hiện sự tự tôn văn hóa dân tộc.

Kết nối văn hóa truyền thống với đương đại

Trang phục này giúp giữ ấm cơ thể trong những ngày mưa phùn rét thấu xương của miền Bắc. Theo các nhà nghiên cứu, chiếc áo chần bông cổ nhất được tìm thấy ở nước ta có niên đại khoảng thế kỷ 17. Suốt nhiều thế kỷ, chiếc áo chần bông là trang phục phổ biến trong mùa đông của người Việt.

Nhà thiết kế họ Trịnh tâm sự: “Với áo chần bông, tôi lại nhớ bài thơ “Áo bông che bạn” của nhà thơ Trần Tế Xương, với những câu như: “Ai ơi có nhớ ai không/Trời mưa một mảnh áo bông che đầu/Nào ai có tiếc ai đâu/Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô”. Còn theo tìm hiểu của tôi, cũng được bố xác nhận, đó là khi đào mộ một quan thái giám thời Lê - Trịnh thì có một sản phẩm áo bông được gấp ngay ngắn trong đó. Điều đó cho thấy chiếc áo này có từ xa xưa”.

Áo chần bông gồm ba lớp (lót, bông, lớp vỏ). Một chiếc áo bông chần với ba lớp vải nhưng chỉ cần một sợi chỉ mỏng manh để kết nối. Các điểm trên mặt vải lún xuống là nút chần bông, nó có thể tạo độ lún nông, sâu qua cách rút chỉ của người chần. Đây cũng chính là điểm kết nối để tạo nên áo bông chần và cũng là tạo nên đường trang trí, điểm nhấn cho chiếc áo trong thiết kế.

Say đắm áo chần bông đến với nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy từ khi còn nhỏ. Bắt nguồn từ kỷ niệm tuổi thơ được mẹ đưa đi chơi qua những con phố Hà Nội bày bán những chiếc áo chần bông bằng nhung, gấm bày trong tủ kính. Cô bé Thủy sung sướng được mẹ mua cho một chiếc áo màu xanh, hoa nhỏ li ti, rất đẹp và ấm. Thủy đã mặc áo quý đó qua nhiều mùa đông. Thủy đã ấp ủ ý tưởng sau này lớn lên sẽ “tái sinh” áo bông chần với sự sáng tạo riêng có của mình.

Và mỗi khi đông về, hình ảnh về chiếc áo mẹ mua luôn hiện lên càng thôi thúc nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy tạo ra các mẫu thiết kế. Nhiều bạn trẻ không biết rằng, xưa kia, thời bao cấp, sản phẩm cho mùa đông chỉ có áo bông chần rất quý. Chị muốn đưa một sản phẩm mang tính truyền thống đến với mọi người, nhất là với bạn trẻ thời nay. Chị đã làm mới những chiếc áo chần bông để nó vẫn là hiện thân của những ngày tháng cũ tươi đẹp nhưng vẫn là những sản phẩm có tính thiết kế và thời trang hơn. Để nhiều người đã yêu vẫn sẽ yêu những chiếc áo xinh đẹp, ấm áp đó.

Theo nhà thiết kế họ Trịnh, chiếc áo bông không chỉ là câu chuyện cá nhân, đó là câu chuyện về tình người, về Hà Nội những ngày tháng cũ tươi đẹp không bao giờ quên lãng, dù thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trang phục mỗi người chọn lựa như một thước đo giá trị.

Áo chần bông được thiết kế, khâu, chần tinh xảo. (Ảnh: Thùy Dương)

Áo chần bông được thiết kế, khâu, chần tinh xảo. (Ảnh: Thùy Dương)

Để tạo ra một sản phẩm áo chần bông không hề đơn giản. Nhà thiết kế Trịnh Thủy cho biết: “Sản phẩm này thực hiện hoàn toàn bằng tay, kể cả các đường chần. Một chiếc áo bông chần đẹp, đều phải được làm bằng bàn tay của duy nhất một người. Chính vì vậy, thường sản phẩm áo bông phải kéo dài thời gian thực hiện từ 2 - 3 tuần làm việc liên tục. Trước khi làm cũng phải kết nối trang trí và khâu chuẩn bị trước nên có những sản phẩm phải lên tới hơn 1 tháng hoặc 2, 3 tháng. Ngày xưa nếu áo bông chần có 3 lớp thì bây giờ tôi muốn làm tới 5 lớp để tạo được màu sắc đặc biệt hơn”.

Nhà thiết kế còn mong muốn giữ gìn nghề thủ công may mặc. Chị xót xa khi thấy nghề thủ công may mặc đòi hỏi sự tỉ mỉ, yêu nghề nhưng tiền công của người thợ trong ngành này rất thấp. Vì thế, hiện không còn nhiều nghệ nhân, thợ giỏi theo nghề. Vì vậy, tôi nghĩ khâu thực hiện để đạt được những chiếc áo đúng ý của mình sẽ ngày càng khó khăn. Tôi ước mong lưu giữ những gì được thể hiện bằng bàn tay con người. Chắc chắn tính nghệ thuật, tình cảm và sự tinh tế trong những sản phẩm ấy sẽ cao hơn nhiều. Yếu tố văn hóa cũng được lưu lại từ đời này sang đời khác.

Nghệ nhân khâu - may bông nghệ thuật Trần Văn Vinh chia sẻ với truyền thông: “Gia đình tôi đã ba đời làm nghề bông, có thể nói, chính những người nghệ nhân làm bông đã sáng tạo ra những chiếc áo bông chần 3 lớp như mọi người đã biết ngày hôm nay. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều nghệ nhân khác rất buồn và lo lắng rằng liệu nghề này có biến mất không. Khi được chứng kiến những chiếc áo chần bông cách tân của nhà thiết kế Trịnh Thủy, tôi không giấu nổi niềm vui sướng, bởi nghề bông và chiếc áo bông chần truyền thống năm xưa đã và đang được sống lại. Tôi hy vọng rằng, không chỉ là chiếc áo bông chần mà những sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống khác sẽ được quan tâm nhiều hơn, chú ý nhiều hơn tới giá trị và ý nghĩa của nó. Mong sao cho những sản phẩm đó vẫn còn mãi với thời gian”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho hay: “Không chỉ riêng áo bông mà tất cả những loại hình nghệ thuật truyền thống khác của người Việt, nếu muốn sống được trong đời sống hôm nay cho dù là truyền thống thì cũng cần phải làm mới. Trịnh Bích Thủy cách tân áo chần bông truyền thống, tôi cho rằng đây là một cách làm hay để truyền thống vẫn sống trong đời sống hiện đại”.