Người thẩm phán giỏi công tác dân vận

“Tôi tâm đắc với lời dạy của Bác đối với ngành Tòa án: “Xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử lại càng tốt hơn...” và người cán bộ Tòa án cần phải gần dân, hiểu dân, học dân, giúp dân”, ông Đinh Lâm Xướng, Thẩm phán TAND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình tâm sự khi kể lại kỷ niệm trong một chuyến công tác tại bản Tăng Hóa, xã Hóa Sơn.

“Tôi tâm đắc với lời dạy của Bác đối với ngành Tòa án: “Xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử lại càng tốt hơn...” và người cán bộ Tòa án cần phải gần dân, hiểu dân, học dân, giúp dân”, ông Đinh Lâm Xướng, Thẩm phán TAND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình tâm sự khi kể lại kỷ niệm trong một chuyến công tác tại bản Tăng Hóa, xã Hóa Sơn

Chuyến công tác đặc biệt

Khi ông Xướng đang ngồi uống nước trò chuyện với trưởng bản Tăng Hóa để nhờ ông này dẫn đi lấy lời khai của người làm chứng thì có sự việc phát sinh ngoài ý muốn. Đó là có một người đi đường nhặt được túi xách, trong đó, có 600.000 đồng và một sổ hộ khẩu.

Người mất túi tìm và phát hiện được người nhặt nhưng người nhặt được không trả, vì họ suy nghĩ rất mộc mạc rằng: “Tao được chứ tao có trộm đâu, trời cho tao thì tao lấy”. Từ đó, họ mới kéo nhau đến nhà ông trưởng bản nhờ phân xử.

Thẩm phán Đinh Lâm Xướng
Thẩm phán Đinh Lâm Xướng

Vị trưởng bản rất khó xử vì hai người này đều là chỗ thân quen và tập tục ở đây thông thường ai nhặt được là của người đó. Đang có cán bộ Tòa án công tác tại đó ông trưởng bản nhờ phân xử luôn.

Dù đang bận nhưng khi nhận được lời đề nghị, ông Xướng nghĩ đồng bào ở xa xôi mà khởi kiện ở Tòa thật là tội, hơn nữa giúp việc này có nghĩa là làm điều có lợi cho người dân nên ông Xướng quyết định nhận lời. Ông đề nghị Trưởng bản gọi hai người kia vào nhà. Gặp mặt cả hai, thấy mặt mũi đều hiền lành, chất phác, ông Xướng liền hỏi xem hồi nhỏ họ có đi học văn hóa không, cả hai đều trả lời đã học đến lớp 4.

Nghĩ thầm trong bụng thế là tốt quá, ông Xướng hỏi tiếp: “Thế hồi đang còn học có nghe thầy hoặc cô giáo căn dặn: Khi nhặt được của rơi thì trả lại cho người đánh mất, như vậy mới là con cháu Bác Hồ không?”. Hai người kia liền nói: “Chúng tôi nhớ rồi và chúng tôi còn mang họ của Bác Hồ nữa đấy”.

Cán bộ ông Xướng liền “tấn công” luôn: “Nếu là con cháu Bác Hồ thì phải học tập theo Bác từ việc nhỏ đến việc lớn mà cụ thể là nên trả lại sổ hộ khẩu và số tiền nhặt được”. Nghe vậy, người nhặt được tiền liền nói: “Tao không cần nữa. Tao nghe lời cán bộ Tòa án, tao trả cho mày”.

Vị trưởng bản lấy túi xách trả cho người kia, hai bên vui vẻ. Người được lại tiền đi mua một chai rượu về,mời thẩm phán cùng uống, sau đó họ cảm ơn ra về.

Kim chỉ nam cho công việc xét xử

TAND huyện Minh Hóa là đơn vị thuộc địa bàn miền núi vùng cao biên giới tỉnh Quảng Bình, tiếp giáp với nước bạn Lào, đây một trong 61 huyện nghèo của cả nước, phần lớn người dân có trình độ văn hóa phổ thông thấp, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế. Do đó, để pháp luật đi vào cuộc sống nơi đây, thực sự đòi hỏi sự tham gia, phối hợp chỉ đạo của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó có bản thân người Thẩm phán thì mới góp phần ngăn chặn được những vi phạm pháp luật, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Là cán bộ ngành Tòa án, Thẩm phán Đinh Lâm Xướng luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư, phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” để làm kim chỉ nam cho công việc của mình. Công tác giải quyết, xét xử án dân sự của Tòa án thuộc địa bàn vùng cao miền núi ngoài sự tuân thủ pháp luật nói chung, bản thân người Thẩm phán còn phải hiểu được phong tục tập quán của các bản làng, tộc người sinh sống nơi đây thì mới có hiệu quả, bản án quyết định của Tòa án mới được người dân sở tại tâm phục, khẩu phục.

Để đạt được điều đó, trước hết là từ khâu xác minh vụ án. Nếu các nơi khác khi nộp đơn khởi kiện đương sự cung cấp gần như đầy đủ tài liệu chứng cứ thì ở Minh Hóa, người dân mỗi khi xảy ra chuyện họ chỉ đơn giản tìm đến Tòa bằng một đơn khởi kiện viết tay vừa không đúng hình thức lại không đầy đủ về nội dung. Bởi đa phần người dân đều hiểu nôm na rằng dù vụ án dân sự hay vụ án hình sự thì nghĩa vụ chứng ninh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thụ lý các vụ án như thế, người Thẩm phán phải hướng dẫn tỷ mỉ người dân làm lại đơn, đồng thời yêu họ về thu thập chứng cứ. “Nhưng thế cũng chưa đủ, mà bản thân người cán bộ Tòa án cũng phải về cơ sở bản làng để xác minh một cách tận tình thấu đáo, nếu không khi ngồi trên ghế xét xử, người Thẩm phán sẽ khó có được một niềm tin nội tâm chính xác để xét xử công bằng” - ông Xướng nói.

Trong những chuyến đi cơ sở như thế, nhiều khi cán bộ Tòa án phải đi bộ hai phần ba ngày đường mới vào được thôn, bản, hành lý bao giờ cũng có lương khô, mì tôm vì các vùng bản làng không có các dịch vụ ăn uống, nhà cán bộ cũng không đủ gạo để ăn huống hồ gì có mời cán bộ Tòa án.

Muốn xóa án tồn, phải dân vận tốt

Trong giai đoạn các năm từ 2005-2010, Thẩm phán Đinh Lâm Xướng đã giải quyết 237 vụ án các loại, trong đó có 137 vụ án hôn nhân gia đình và tranh chấp dân sự. Kết quả giải quyết xét xử không bị cấp phúc thẩm hủy hoặc cải sửa nghiêm trọng một vụ án nào. Đặc biệt trong số đó đã hòa giải thành 14 vụ: 04 vụ án tranh chấp bò, 02 vụ án tranh chấp đất đai, 08 vụ án hôn nhân và gia đình, những vụ án hòa giải thành này đã gắn chặt lại tình đoàn kết trong làng xóm và các cặp gia đình trở lại hạnh phúc.

Thẩm phán Xướng cho biết, tại Minh Hóa, trước đây do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà số án tồn đọng khá nhiều. Nghiêm túc xem xét và rút kinh nghiệm, lãnh đạo Tòa án thấy rằng ngoài các quy định của pháp luật kinh nghiệm phải chủ động phối hợp chính quyền cơ sở và các cơ quan ban ngành liên quan, phải kiên trì và am hiểu phong tục tập quán của bà con để tìm ra sự thật thì mới đem lại hiệu quả cao trong giải quyết án tồn đọng.

Thế nên có nhiều lúc, để tiến trình giải quyết kịp thời, người cán bộ Tòa án phải sử dụng mối quan hệ quen biết tập thể hay quan hệ cá nhân, có khi phải trích bớt một phần tiền lương mua gói bánh, hay hộp sữa biếu gia đình cán bộ cơ sở để  từ đó tự họ tác động giúp những người cán bộ cơ sở “nhiệt tình” tham gia hoàn thành công việc của Tòa án.

Nghe qua tưởng chừng là câu chuyện không đâu, nhưng chính nhờ từ những công việc đó đã giúp TAND huyện Minh Hóa tháo gỡ những vướng mắc và giải quyết kịp thời dứt điểm án tồn đọng và cán bộ Tòa án ngoài tinh thông nghiệp vụ, giỏi chuyên môn, hiểu biết xã hội thì còn phải làm tốt công tác “dân vận” mới được như mong muốn.

Trong 5 năm 2005-2010, Thẩm phán Đinh Lâm Xướng đã được vinh dự đón nhận các danh hiệu khen thưởng như: 3 năm liền là Lao động Tiên tiến; 2 năm liền là Chiến sỹ thi đua cơ sở; được Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình quyết định cho nâng lương trước thời hạn vào ngày 01/10/2009; 3 năm liền được Chi bộ đề nghị và Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa khen thưởng là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; là một trong những điển hình tiên tiến được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tòa án nhân dân lần thứ II diễn ra hồi đầu tháng 9/2010.
Xuân Hoa

Đọc thêm