Được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư (LS) có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành. Trong đó, đáng chú ý là thay vì người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (như quy định hiện hành) thì người thân hoặc người đại diện hợp pháp của họ cũng được quyền yêu cầu LS bào chữa.
Ảnh minh họa |
Đã bị xử lý hình sự thì không được làm LS?
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho biết: Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 28 Điều, bổ sung 2 Điều và bỏ 3 Điều trên tổng số 94 Điều của Luật Luật sư (LS) hiện hành.
Đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban Tư pháp và các cơ quan liên quan nhất trí với dự thảo Luật cho phép người thân của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của các đối tượng này cũng có quyền yêu cầu LS bào chữa. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lại lưu ý quy định này phải đảm bảo thống nhất với các luật khác. “Khái niệm người thân ở đây chưa được làm rõ. Khái niệm này được mở rộng đến đâu, người yêu có phải người thân không?” - Phó Chủ tịch đặt câu hỏi... |
Theo dự thảo luật, các đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích không được cấp chứng chỉ hành nghề LS. Như vậy, dự thảo Luật không cấm người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích được hành nghề LS.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý không đồng tình với quy định này, ông cho rằng LS là một nghề đòi hỏi sự uy tín, đã bị kết án về tội nghiêm trọng rồi thì dù có được xóa án tích cũng không nên cho phép hành nghề. Một số Ủy viên TVQH cũng đồng ý với quan điểm này. Còn theo Ủy ban Tư pháp “việc quy định cấm hành nghề LS đối với người đã từng phạm tội trong những trường hợp nhất định là cần thiết, tạo cơ sở để hình thành một đội ngũ LS vừa hồng, vừa chuyên…”.
Nên cho viên chức giảng dạy pháp luật được hành nghề LS
Với lập luận nhằm thu hút những người có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật tham gia hành nghề LS, góp phần phát triển đội ngũ LS, Chính phủ đề xuất cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật vẫn được hành nghề LS.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển ủng hộ: Viên chức giảng dạy có kế hoạch, thời gian cụ thể, theo giờ lên lớp. Họ có thời gian, có điều kiện để có thể hành nghề LS. Mặt khác, việc cho viên chức giảng dạy pháp luật tham gia hành nghề giúp họ có thêm những kinh nghiệm thực tiễn để giảng dạy tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Luật Viên chức chỉ cho phép viên chức làm ngoài giờ, còn hành nghề LS thì không thể chỉ làm ngoài giờ, vì không có Tòa án nào mở vào…ban đêm.
“Bỏ được Giấy chứng nhận bào chữa là tốt”
Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi cho ý kiến vào quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS. Theo dự thảo Luật, đối với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì khi tham gia tố tụng, LS chỉ cần xuất trình thẻ LS và giấy yêu cầu LS của khách hàng; đối với các vụ án hình sự, vẫn duy trì việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, nhưng giấy chứng nhận này có giá trị trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng, đồng thời, thủ tục cấp Giấy chứng nhận bào chữa được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa hơn.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định này, đồng thời đề nghị quy định rõ các căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng nghiêng về quan điểm dần tiến tới bỏ cấp giấy chứng nhận để đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động tư pháp, tạo điều kiện cho LS hành nghề, khắc phục cơ chế “xin- cho”...
Chỉ hơn 21% vụ án hình sự có LS tham gia Theo Chính phủ, hiện số luật sư so với dân số còn rất thấp (1 luật sư/12.000 người dân), tỷ lệ vụ án hình sự, dân sự và hôn nhân gia đình có luật sư tham gia còn thấp (hình sự chiếm khoảng 21,4%, dân sự và hôn nhân gia đình chiếm khoảng 6,8%), tại một số địa phương không có đủ luật sư để tham gia các vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. |
Thu Hằng