Người thầy gieo mầm xanh nơi vùng cao

(PLVN) - Đã gần 40 năm kể từ ngày bước chân lên vùng miền núi Nam Đông dạy học, thầy giáo, Nhà giáo ưu tú Lê Quang Thẩm, nay là Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã “gieo” con chữ cho các học sinh vùng dân tộc thiểu số huyện miền núi Nam Đông. 
Thầy giáo, Nhà giáo ưu tú Lê Quang Thẩm thăm khu nội trú của các em học sinh
Thầy giáo, Nhà giáo ưu tú Lê Quang Thẩm thăm khu nội trú của các em học sinh

Trụ lại vùng đất nghèo vì tình yêu con chữ

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm tiểu học Quảng Bình, cuối thập niên 1970, thầy giáo Lê Quang Thẩm được phân công lên dạy học tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Hương Lộc (huyện Nam Đông).

Kể về những ngày tháng đầu tiên bước chân lên vùng núi Nam Đông, thầy Thẩm nhớ lại: “Năm ấy, tôi cùng 12 giáo viên khác cùng lên đây để nhận nhiệm vụ dạy học. Nam Đông hồi đó thật xa xôi và hẻo lánh, nhiều thầy, cô giáo đã phải bỏ cuộc về thành phố vì lúc đó cuộc sống ở đây vô cùng khó khăn, đường sá đi lại vô cùng hiểm trở”. 

“Gia đình tôi cũng nhiều lần khuyên về quê lập nghiệp nhưng với niềm đam mê, mong muốn “gieo chữ” cho các em học sinh nơi đây nên tôi đã quyết định ở lại. Lúc đó, tôi và vợ hiện tại cùng với một người nữa tình nguyện bám lại vùng đất này. Cuộc sống khó khăn, bọn trẻ ở đây, cơm không có ăn, áo không có mặc, luôn nghỉ học mỗi khi trời mưa gió”- thầy Thẩm chia sẻ.

Huyện Nam Đông có 11 xã và thị trấn, trong đó 6 xã có đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu sinh sống. Vì cuộc sống lúc đó khó khăn nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tập quán và tâm lý của bà con nơi đây. Đặc biệt, chuyện học hành khá xa lạ với người dân nơi đây. Muốn vận động học sinh đến trường, thầy Thẩm đến gặp các già làng, trưởng bản ở các xã có đa số học sinh Cơ tu.

Nhiều đồng bào, nhất là các già làng đều mang họ Bác Hồ nên nghe thầy giáo Thẩm kể những mẩu chuyện về Bác và ước nguyện của Người trong sự nghiệp giáo dục, mắt họ rưng rưng, xúc động. Sau đó, các già làng đã triệu tập bà con đến nhà rông để tuyên truyền, nhắc nhở con em không bỏ họ.

Khai giảng năm học mới tại vùng núi Thượng Long, Nam Đông, Thừa Thiên - Huế
Khai giảng năm học mới tại vùng núi Thượng Long, Nam Đông, Thừa Thiên - Huế

Bên cạnh đó, để con em trong bản làng  tự tin đến lớp, thầy Thẩm đã vận động giáo viên dạy phụ đạo cho học sinh. Từ ý tưởng và cuộc vận động của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông, hầu như giáo viên ở huyện miền núi này không có kỳ nghỉ hè khi họ tự nguyện kèm cặp các em.

Thầy Thẩm cũng là đầu tàu trong việc vận động giáo viên hưởng ứng phong trào “Thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với những công việc cụ thể, thiết thực tại mỗi đơn vị.

Công tác này được ông kiểm tra thường xuyên và cũng là động lực để mỗi giáo viên luôn tự học, tự đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp mỗi lứa tuổi học sinh. Nhờ đó, 100% các trường từ mầm non, tiểu học đến THCS có học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn gần đây đều có giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên.

Vận động nhân dân hiến đất xây trường

Từ những năm tháng đầu tiên lên giữ chức Trưởng phòng Giáo dục, thầy Thẩm nghĩ ngay đến chuyện tham mưu cho huyện Nam Đông quy các trường về một đầu mối để nâng cao chất lượng giảng dạy bởi lúc đó ở các xã có hàng chục điểm trường lẻ.

Thầy Thẩm cho rằng muốn dân tin vào Đảng thì mỗi người đảng viên phải hành động bằng những công việc cụ thể, phải thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động ở địa phương và rồi đích thân thầy đã đi vận động người dân hiến đất để xây trường học cho con em học tập. Thầy cho biết, lúc đó đã có nhiều hộ sẵn sàng hiến hàng ngàn mét vuông đất để các em có những ngôi trường mới khang trang.

Không chỉ biết đến là một thầy giáo luôn tâm huyết với nghề, một vị Trưởng phòng gương mẫu, thầy Thẩm còn gắn liền tên tuổi của mình với đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo học sinh dân tộc thiểu số”.

Đây là đề án mà Nhà giáo ưu tú Lê Quang Thẩm đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Nam Đông hỗ trợ kinh phí để các trường có học sinh dân tộc thiểu số dạy tăng cường tiếng Việt ở bậc mầm non, dạy phụ đạo cho học sinh yếu hay bồi dưỡng học sinh mũi nhọn ở ngành học phổ thông và ôn tập cho học sinh lớp 12.

Từ những tham mưu ấy, trong năm 2015, 100% số con em đồng bào Cơ Tu trong độ tuổi được huy động vào tiểu học, 98,2% được huy động vào THCS và 96,8% được huy động vào THPT.

Trong 5 năm qua, tỷ lệ học sinh dân tộc ít người bỏ học chỉ còn dưới 1% ở bậc tiểu học, 3% ở các bậc THCS và THPT. Chất lượng học tập được nâng lên. Kết quả thi tốt nghiệp tiểu học và THCS đạt 100%; THPT gần 90%. 

Trong 10 năm qua, toàn huyện có 834 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, trong đó có 144 học sinh dân tộc thiểu số. Chưa dừng lại ở đó, thầy Thẩm còn tổ chức tuyển chọn khoảng 30 em người dân tộc có thành tích tốt ở tất cả các xã vào học ở Trường THCS Dân tộc nội trú Nam Đông để đào tạo nguồn học sinh chất lượng cao.

“Thầy giáo Thẩm là một đảng viên gương mẫu, một giáo viên có tâm huyết, yêu nghề, nặng tình với vùng đất Nam Đông nên mới có những tham mưu phù hợp thực tế địa phương. Với vai trò là một huyện ủy viên, mỗi ý kiến tham mưu của thầy là một sự trăn trở, luôn tìm sự cộng hưởng từ tập thể để tạo nên sự thống nhất cao, nhất là công tác tư tưởng luôn được làm trước một bước”, bà Lê Thị Thu Hương, Bí thư Huyện ủy Nam Đông cho biết.

Đọc thêm