Người thương binh hiến đất “vàng” để mở đường

(PLO) -Vào thời điểm “sốt đất”, nhiều người năn nỉ mua thửa đất mặt tiền trên 175m2 của gia đình ông với giá hàng trăm cây vàng nhưng ông không bán. Vậy mà khi địa phương vận động hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới, lập tức ông tự nguyện hiến số đất “vàng” đó để làm đường.
Ông Chương bên con đường ông đã hiến 175m2 đất để làm.
Ông Chương bên con đường ông đã hiến 175m2 đất để làm.
Xương máu còn không tiếc thì tiếc gì miếng đất
Năm 21 tuổi, ông Nguyễn Văn Chương (SN 1963, thương binh nặng hạng 1/4, xã Nghi Liên, TP Vinh, Nghệ Antham gia bộ đội, chiến đấu tại chiến trường Campuchia (thuộc Sư đoàn 309, Tiểu đoàn 812, Đại đội 11).
Trong chiến dịch mùa khô 1984-1985, một lần bị phục kích bất ngờ, ông Chương cùng nhiều đồng đội khác vướng phải mìn. Ông thoát chết nhưng buộc phải cắt bỏ chân trái ngay giữa trạm quân y dã chiến ở chiến trường. 
Năm 1989 trở về quê hương với những vết thương và đôi nạng gỗ, ông là thương binh hạng nặng 1/4 được chăm sóc tại Đoàn an dưỡng 200 Quân khu 4. Với những vết thương do đạn bom trên cơ thể, ông được điều dưỡng viên Lê Thị Duyến chăm sóc và đem lòng yêu thương rồi kết nghĩa vợ chồng.
Với bản chất siêng năng, cần cù, dù phải di chuyển bằng chân giả, ông Chương vẫn không nề hà bất cứ việc gì, bà Duyến mở quán bán bánh mướt, hàng xáo, chạy chợ để kiếm thêm thu nhập, ông cũng cố gắng phụ vợ một tay.
Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng ông vẫn gồng gánh nuôi đàn con bốn đứa học hành tử tế. Mặc dù vậy, kinh tế gia đình ông cũng chưa phải giàu có, khá giả gì.  
Năm 2013, khi chủ trương xây dựng nông thôn mới được triển khai, chính quyền xã vận động nhân dân hiến đất làm đường nhưng hầu hết chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Thời điểm đó, giá đất đang “nóng”, “tấc đất là tấc vàng” nên việc hiến đất làm đường gần như không nhận được sự ủng hộ của người dân.
Trong một cuộc họp xóm, có lãnh đạo UBND xã về dự, sau khi thông báo chủ trương xây dựng nông thôn mới có tiêu chí mở rộng con đường chính của xóm từ 5 – 7m được đặt lên hàng đầu. Nói về mở rộng đường được hỗ trợ ai cũng muốn con đường được mở rộng, nhưng lại tiếc đất, tiếc cây cối… 
Ông Chương với vết thương chiến tranh cướp đi chân trái.
Ông Chương với vết thương chiến tranh cướp đi chân trái. 
Nhận thấy được sự cần thiết đó, ông Chương đã đứng lên xung phong hiến đất vườn nhà mình để mở đường. “Bữa đó, nhiều người trong hội trường cũng tưởng tui nói chơi, nhiều người còn nghĩ là tui bị “khùng” nên mới làm như rứa.
Nhưng với bản thân tui, xương máu hy sinh vì Tổ quốc tui còn không tiếc thì vài trăm mét đất có nghĩa lý gì, bạn bè tui có người đã nằm lại mãi mãi với đất, với rừng, tui còn được sống, được trở về là tuyệt vời rồi.
Đường muốn đẹp phải mở rộng, mới có điện chiếu sáng cho con cháu đi chứ…”, ông Chương cười khà khà nói. 
Vinh dự được Chủ tịch nước về thăm
Điều bất ngờ là quyết định hiến đất ông Chương chưa hề bàn với vợ con. Trong khi vợ đi chợ, con đang đi học, ông đã gọi cán bộ chính quyền địa phương đến đo đạc đất đai rồi huy động máy móc đến san bằng ao cá cùng rất nhiều cây ăn quả lâu năm, tổng diện tích là 175m2.
Khi vợ con về thấy nhà mình “bỗng dưng mất đất” cũng la lối om sòm, nhưng ông Chương đã tường tận giải thích nên bà cũng hiểu và không nói thêm câu gì nữa.
“Hồi nớ tui đi chợ về thấy vườn bị chặt hết cây cối, nhiều cây cổ thụ để dành làm nhà bị chặt, ao cá bị lấp… hoảng quá tui tưởng ông nợ nần ai mà phải bán đất. Sau một lúc mới biết ông hiến đất làm đường giao thông, ban đầu cũng không đồng ý lắm vì ông không bàn với vợ con trước khi làm.
Nhưng giờ nhìn thấy con đường rộng, đẹp, sạch sẽ cũng ưng cái bụng nên cũng không phản đối ông nữa…”, bà Lê Thị Duyến nói.
Gia đình ông Chương vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm, động viên.
Gia đình ông Chương vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm, động viên.  
Với việc làm được cho là đầy bất ngờ của ông Chương, mở đầu cho phong trào hiến đất làm đường của địa phương. Nhiều người sau khi thấy ông Chương là thương binh mà còn hiến được đất nên đã mạnh dạn hiến đất để làm đường giao thông.
Vào tháng 3/2014, Đoàn công tác của Trung ương do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu về làm việc tại TP Vinh đã đến thăm, động viên gia đình ông Nguyễn Văn Chương. Chủ tịch nước hết sức trân trọng nghĩa cử cao đẹp của ông Chương và gia đình.
Tâm sự với Chủ tịch nước, ông Chương nói: “Gia đình tôi cũng như hàng chục hộ dân khác hiến đất mở đường là để giúp chúng tôi đi lại thuận lợi và về lâu dài, con cháu được thừa hưởng. Đất vẫn ở đó nhưng đưa ra dùng chung, như vậy sẽ phát huy giá trị của nó”. 
Theo ông Nguyễn Công Hà, Chủ tịch UBND xã Nghi Liên cho biết, thời điểm đó ông Chương đã đồng ý dời bờ rào, hiến đất để làm đường mà không đòi hỏi bất cứ một điều gì, hết sức vô tư là điều mà nhân dân cảm nhận được.
“Ông Chương là một hội viên Hội Cựu chiến binh, một thương binh nặng, nên việc làm của ông đã trở thành tấm gương để cán bộ, nhân dân địa phương noi theo và nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác. Việc xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 có tiêu chí mở rộng đường giao thông có sự góp sức hiến đất của ông Chương...”, ông Hà nói./.

Đọc thêm