Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng phương tiện giao thông điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việt Nam đã và đang thực hiện các bước để thúc đẩy việc sử dụng xe điện trong những năm gần đây. Đến nay, nhận thức và thói quen sử dụng phương tiện giao thông điện của người dân, đặc biệt tại các thành phố, ngày càng được cải thiện.
Xe buýt điện ngày càng được ưa chuộng tại các thành phố. (Ảnh minh hoạ)
Xe buýt điện ngày càng được ưa chuộng tại các thành phố. (Ảnh minh hoạ)

Thói quen dần thay đổi

Để định hướng cho ngành Giao thông Vận tải đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 876/QĐ-TTg, trong đó quy định lộ trình chuyển đổi sang xe điện đối với xe buýt, xe taxi và giao UBND các tỉnh, thành phố thúc đẩy người dân chuyển đổi sang phương tiện giao thông cá nhân sử dụng điện.

Nhờ nỗ lực tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, báo chí, truyền thông và các tổ chức, doanh nghiệp, đến nay mức độ người tiêu dùng chấp nhận và sử dụng đa dạng các loại phương tiện giao thông điện ngày càng gia tăng. Gắn liền với đó là nhận thức và trách nhiệm về lợi ích giảm phát thải, giảm ô nhiễm không khí và tiết kiệm chi phí vận hành.

Đó là kết quả của Báo cáo khảo sát người tiêu dùng về phương tiện giao thông điện tại Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao công bố mới đây. Khảo sát được tiến hành trực tiếp và trực tuyến với hơn 1.280 người tiêu dùng trên phạm vi cả nước gồm: 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ) và 3 tỉnh/thành phố tiềm năng (Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên). Hoạt động này nằm trong dự án “Thúc đẩy chuyển dịch bền vững giao thông bằng điện ở Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, nhằm mục đích giảm phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện chính sách, môi trường cho phát triển giao thông điện ở cấp quốc gia và thực hiện các hoạt động thí điểm về thúc đẩy giao thông điện tại Việt Nam.

Theo báo cáo này, 78% người tiêu dùng được phỏng vấn chưa sử dụng phương tiện giao thông điện cho biết họ mong muốn được chuyển đổi sang sử dụng phương tiện điện trong tương lai. Bên cạnh mức giá, người tiêu dùng coi lợi ích đối với môi trường và tiết kiệm chi phí là hai ưu điểm vượt trội của phương tiện giao thông điện so với phương tiện sử dụng động cơ đốt trong. Mặt khác, họ cũng rất quan tâm đến các yếu tố an toàn sử dụng, tuổi thọ pin và độ bền phương tiện, quãng đường di chuyển, giá thành và thời gian sạc pin. Hiện nay, người tiêu dùng thường mang pin cũ tới nơi sửa chữa, thay thế và trả thêm ít chi phí để đổi lấy pin mới.

Tuy nhiên, về hạn chế của giao thông điện ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng cũng chỉ ra những yếu tố cần khắc phục như: tuổi thọ pin kém, thời gian sạc pin lâu, khó mua linh kiện thay thế, dịch vụ cung ứng và hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ tiếp cận phương tiện giao thông điện còn hạn chế.

Đánh giá về ý nghĩa của hoạt động này, ông Trần Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, khảo sát thị trường các nhóm người tiêu dùng về xe điện sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho các bộ và UBND các tỉnh, thành phố làm cơ sở đề ra chính sách phù hợp để thúc đẩy sự chuyển đổi của người dân.

Thúc đẩy nhận thức về giao thông điện

Cũng nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy chuyển dịch bền vững giao thông bằng điện ở Việt Nam”, UNDP và Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp & Nghề công tác xã hội Việt đã tổ chức “Cuộc thi Tranh biện Giao thông Xanh” nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp thêm kiến thức cho sinh viên về giao thông xanh phát thải carbon thấp.

Cuộc thi đã diễn ra từ 8/2/2023 với 28 đội gồm các sinh viên 21 trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc tham dự, trong đó các trường đại học lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, Đại học Bách khoa TP HCM, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Ngân hàng, Đại học FPT,… Cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên trên cả nước về xu hướng giao thông xanh.

Lê Đặng Kiên, Đội trưởng của đội “BK – AUTO” đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội – đội giành giải Nhất trong cuộc thi – chia sẻ, cuộc thi đã truyền cảm hứng cho các bạn tạo ra câu lạc bộ tranh biện về giao thông xanh để “cùng với nhau tranh biện, trao đổi thông tin mới nhất, có góc nhìn mới mẻ hơn về lĩnh vực này”, góp phần lan toả, nâng cao nhận thức về xu hướng giao thông giảm phát thải carbon trong cộng đồng sinh viên.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi Khí hậu và Môi trường UNDP tại Việt Nam khẳng định: “Thanh niên sẽ là những người chủ của đất nước trong tương lai. Thanh niên cũng chính là những người sẽ hình thành tiêu dùng trách nhiệm, tạo ra thị trường mới góp phần phát triển đất nước xanh và bền vững. Chúng ta cần khuyến khích và tạo điều kiện để sinh viên, thế hệ trẻ tham gia, đóng góp ý kiến và lan tỏa thông điệp về giao thông xanh”.

Theo ông Lai, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển giao thông xanh cũng như phương tiện giao thông điện đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Đây cũng là cơ hội để ngành Giao thông Vận tải Việt Nam phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.

Một số hoạt động cụ thể khác của dự án “Chuyển dịch bền vững giao thông bằng điện” bao gồm: hỗ trợ xây dựng Chương trình quốc gia phát triển giao thông vận tải hành khách đường bộ thân thiện môi trường, hỗ trợ xây dựng 3 tiêu chuẩn về trạm sạc điện, tổ chức đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và các hoạt động truyền thông. Các mô hình thí điểm được thực hiện tại thành phố Huế như thí sử dụng xe điện phục vụ thu gom rác, xe điện trong vận tải hàng hóa chặng cuối, thí điểm cơ chế tài chính thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông điện, hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý xe điện chia sẻ.

Đọc thêm