Người tiêu dùng trong “cuộc chiến” chống video quảng cáo sai lệch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mạng xã hội đã trở thành một nền tảng quan trọng cho việc quảng cáo và tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các nội dung quảng cáo trên mạng cũng đem lại nhiều mặt trái, trong đó có sự xuất hiện của hàng loạt mẫu quảng cáo độc hại.
Người dùng cần chủ động có biện pháp bảo vệ mình và gia đình khỏi các video quảng cáo sai lệch trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa/Nguồn: họa sĩ DAD)
Người dùng cần chủ động có biện pháp bảo vệ mình và gia đình khỏi các video quảng cáo sai lệch trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa/Nguồn: họa sĩ DAD)

Nhan nhản quảng cáo sai lệch

Mới đây, Công ty xe Đ.B đã phải đưa ra lời xin lỗi, mong muốn rút kinh nghiệm sau khi đoạn quảng cáo xe phát tán trên mạng có hình ảnh hai nghệ sĩ xiếc lái xe trong tư thế chồng đầu lên nhau và không đội mũ bảo hiểm. Tuy hậu trường được tiết lộ sau đó cho thấy có cả một ekip hỗ trợ an toàn nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng những hành vi biểu diễn trong quảng cáo tạo cảm giác nguy hiểm, không tuân thủ luật giao thông và không đem lại những giá trị tích cực cho xã hội.

Tuy vậy, sai sót trong thực hiện đoạn quảng cáo trên vẫn được nhiều người tiêu dùng cho rằng có thể thông cảm vì nhãn hàng đã có động thái nhận lỗi và tự giác “tạm khóa” clip.

Trong khi đó, thực tế còn nhan nhản những clip quảng cáo khác có nội dung phản cảm, lừa dối khách hàng vẫn xuất hiện rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Cách đây ít lâu, một đoạn quảng cáo của nhãn hàng thuốc bổ não đã khiến người xem bức xúc vì nội dung phản cảm. Trong clip là đoạn trò chuyện của một người đàn ông với bạn, kể rằng mẹ mình nhờ uống thuốc bổ não nên tỉnh táo, minh mẫn, còn vợ do không uống thuốc nên sức khỏe suy giảm. Nhân vật này còn “chê” vợ có học vị nhưng thiếu hiểu biết, không uống thuốc là “nghiệp chướng nặng nề”, “trời đày”...

Còn có nhiều clip khác xuất hiện trên mạng xã hội với nội dung “thổi phồng” sản phẩm, cam kết về hiệu quả thần kì, hoặc dùng những nhân vật giả danh tiến sĩ, giáo sư, người của quân đội để khẳng định chất lượng sản phẩm.

Nhiều nội dung quảng cáo vi phạm quy tắc đạo đức và chuẩn mực xã hội xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, chứa đựng thông tin sai sự thật, kì thị, bạo lực, hoặc sai lệch về kiến thức khoa học, về văn hóa vùng miền... gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với người tiêu dùng.

Làm gì để hạn chế nội dung quảng cáo phản cảm?

Anh Hoàng Minh Châu, 42 tuổi, giáo viên cấp 3, ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thời gian qua, khi tham gia mạng xã hội, tôi đã phải xem một cách thụ động nhiều đoạn quảng cáo có nội dung bậy bạ, trái với thuần phong mỹ tục, thậm chí có nội dung lừa đảo, trái pháp luật. Những đoạn quảng cáo này được chèn vào các clip trên mạng xã hội, hoặc xuất hiện trên các trang thông tin trên website khi đang đọc tin tức. Tôi và gia đình cảm thấy rất bức xúc khi bị “tấn công” liên tục bởi các đoạn quảng cáo này. Đặc biệt trong đó có những đoạn quảng cáo lừa dối khách hàng do nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thực hiện, dù cơ quan quản lý đã lên tiếng chấn chỉnh, nhưng đến nay vẫn còn xuất hiện”.

Không chỉ gây tác động tiêu cực đến tâm lý, ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm của người tiêu dùng, các đoạn quảng cáo lệch chuẩn trên mạng xã hội còn có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh, thiếu niên, khi các em bị tiếp xúc với nội dung không phù hợp với độ tuổi hoặc clip có tính chất phi giáo dục, gây nhiễu loạn tâm lý, lệch chuẩn nhận thức cho các em.

Các cơ quan quản lý đã có những hành động chấn chỉnh mạnh mẽ, xử phạt hàng loạt công ty và nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, đồng thời xây dựng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng quảng cáo phản cảm nói trên. Tuy nhiên, cái khó là các mẫu quảng cáo xuất hiện trên mạng xã hội và đa phần là trên các nền tảng xuyên biên giới. Chính vì thế, chất lượng nội dung quảng cáo sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các nền tảng mạng. Các nền tảng mạng này nếu phát huy tốt vai trò kiểm duyệt và quản lý nội dung quảng cáo để đảm bảo tính phù hợp và an toàn cho người dùng, xây dựng các quy tắc chuẩn về quảng cáo, có các công cụ lọc hiệu quả... thì người dùng sẽ “được nhờ” và ngược lại.

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, mạng xã hội là một thế giới mênh mông và khó lòng kiểm soát mọi nội dung xuất hiện, trong đó có video quảng cáo. Chính vì thế, người dùng cũng phải chủ động có biện pháp bảo vệ mình và gia đình, bằng cách cài đặt các phần mềm kiểm duyệt, ngăn chặn các nội dung không phù hợp. Có thể báo cáo đến nền tảng mạng thông qua các nút báo cáo trên màn hình ứng dụng khi gặp clip có nội dung phản cảm. Hoặc, với các clip lệch lạc nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần lên tiếng và báo cáo đến cơ quan chức năng xử lý.