Tấn công, “tẩy chay” người khác trên mạng: Hành vi nhất thời, đối mặt hậu quả pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự việc một Hoa hậu gần đây bị “tẩy chay” mạnh mẽ trên mạng lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự bất chấp pháp luật của một bộ phận không nhỏ “cư dân mạng”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Những cuộc tấn công ác ý

Mới đăng quang được hơn 2 tuần, tân Hoa hậu Thế giới Việt Nam H.T.Y.N đã đứng trước “làn sóng tẩy chay” mạnh mẽ hiếm thấy trong showbiz Việt. Xuất phát từ những câu trả lời, ứng xử bị cho là vụng về, thiếu tế nhị trước truyền thông, Hoa hậu đã nhanh chóng “thu hút” một lượng lớn “antifan” trên mạng.

Những clip có các đoạn trả lời phỏng vấn của Hoa hậu được chia sẻ khắp mạng xã hội. Đồng thời, không ít đoạn phỏng vấn được đăng tải nhưng cố ý cắt cúp khỏi ngữ cảnh để “gây sốc”, “câu view” cũng liên tục xuất hiện. Nhiều cá nhân, nhóm còn thực hiện những clip, hình ảnh công phu bằng đồ họa và kĩ thuật số để biến hình ảnh hoa hậu thành phản cảm. Đi cùng với đó là những lời chê bai, miệt thị, xúc phạm, với những thông tin đồn thổi không chứng cứ hướng đến tân Hoa hậu. Cuộc sống cá nhân của Hoa hậu cũng bị soi mói, xâm phạm.

Hiện các nhóm “anti” Hoa hậu này được lập rầm rộ trên mạng, trong đó có nhóm lớn mạnh nhanh chóng, đến nay đã có trên 500 ngàn thành viên tham gia. Có hội nhóm đã tổ chức gặp mặt, ăn uống, giăng băng rôn, biểu ngữ có in hình ảnh những khoảnh khắc “kém đẹp” của Hoa hậu được lan truyền khắp nơi. Những lời kêu gọi tước vương miện cũng được đẩy mạnh trên mạng, trong khi theo quy chế thi và quy định tại Điều 18 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Hoa hậu này không vi phạm điều khoản nào trong hai trường hợp hoa hậu bị thu hồi vương miện.

Hiện nay, tân Hoa hậu Thế giới Việt Nam đã chấm dứt các hoạt động truyền thông sau khi đăng quang mà đáng ra Hoa hậu nào cũng cần thực hiện. Theo nguồn tin riêng từ bạn bè của Hoa hậu, cô gái trẻ đang khá sốc, suy sụp. Những người thân của cô cũng bị ảnh hưởng không ít vì cuộc “tấn công” trên mạng này.

Trả lời phỏng vấn báo chí, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, sự thiếu tế nhị, thiếu kiến thức của Hoa hậu có phần trách nhiệm của Ban Tổ chức cuộc thi hoa hậu, của gia đình và xã hội, thế nên tập trung phê phán vào một cô gái trẻ như vậy là không nên.

Thực tế, tân Hoa hậu Thế giới Việt Nam không phải là người nổi tiếng duy nhất khốn đốn vì “làn sóng tẩy chay” trên mạng. Trước đó đã có Hoa hậu chuyển giới H.G, nghệ sĩ hài H.L, nữ ca sĩ H.H và MC T.T cũng bị một bộ phận “cư dân mạng” kêu gọi “tẩy chay”, khiến các nghệ sĩ bị “gắn mác” với những biệt danh không hay, đứng trước những cuộc công kích, xúc phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như sự nghiệp. Có nghệ sĩ bị stress, có người mất show diễn, có người bị các đơn vị hợp tác quay lưng...

Hành vi nhất thời, hậu quả đến 10 năm

Cuộc sống đa dạng và mỗi người có quan điểm khác nhau, cũng như có quyền bày tỏ quan điểm riêng của mình, đưa ra các lý lẽ để tỏ ra sự đồng tình hay không đồng tình trước một sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, việc thể hiện này cần đúng quy định pháp luật và không vi phạm quy tắc giao tiếp cơ bản.

Ở khía cạnh pháp luật, trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, Điều 20 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm” và Điều 25 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận”. Như vậy, việc khen hay chê người khác phải theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là khen - chê người khác trên môi trường mạng xã hội.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội, sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi, trong đó có cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Đồng thời, Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định về tội làm nhục người khác có những quy định rõ ràng về mức xử lý khi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Các hình phạt đó có thể là phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù đến 5 năm. Điều 156 Bộ luật Hình sự quy định về tội vu khống người khác quy định về hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác cũng có những mức phạt hành chính hoặc phạt cải tạo không giam giữ, nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù đến 7 năm tù.

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp đưa ra nhận định: “Nhân vô thập toàn, sống trên đời không ai là hoàn mỹ mà đều có sai sót nhất định. Thương nhau thì trái ấu cũng tròn mà ghét nhau thì trái bồ hòn cũng méo. Việc khen - chê người khác nên đặt mình vào lứa tuổi của người khác, nên đặt mình vào mối quan hệ với người khác như anh, chị, em, con, cháu để có thể kiểm soát được xúc cảm tức thời”.

Cũng theo Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP HCM, theo Điều 9 và Điều 27 Bộ luật Hình sự thì thời hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự của 2 tội vu khống và làm nhục người khác đều là 10 năm. Tuy nhiên, tội vu khống và tội làm nhục người khác chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại khi hành vi phạm tội ở khoản 1 Điều 155 và 156 Bộ luật Hình sự. Vì thế, để bảo vệ bản thân, Hoa hậu nên nhờ luật sư, người tư vấn pháp lý thu thập chứng cứ về những fanpage lập ra để “anti” mình, có thể lập vi bằng để chứng minh sai phạm, phòng khi thông tin bị xóa vẫn có chứng cứ kèm theo để tố giác hành vi phạm tội.