Người tố cáo cần gì?

(PLVN) -Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM vừa ban hành Quy định 1269 về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó có nội dung mua tin phản ánh về hành vi này với mức phí tối đa 10 triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc trả tiền để mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng không phải mới. Mười năm trước, Ban Nội chính Trung ương và một số tỉnh, thành đã thực hiện cơ chế này. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của cơ chế này ra sao thì chưa được làm rõ hay công khai chi tiết rộng rãi.

Theo Quy định 1269 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, các thông tin được mua trực tiếp tại trụ sở Ban Tiếp công dân TP hoặc trụ sở Ban Nội chính Thành ủy TP. Người dân cũng có thể gửi văn bản qua đường bưu điện, hoặc hộp thư điện tử: pctntc.thanhuy@tphcm.gov.vn. Thông tin có thể là văn bản giấy, file mềm, file ảnh, video, ghi âm.

Chủ trương mua thông tin phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là động thái thể hiện mong muốn cán bộ, nhân dân thực hiện tốt cơ chế giám sát, tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ quy định này làm sao để đi vào thực chất, hiệu quả hay không? Có thêm tiền động viên là tốt, trong khi thực tế người tố cáo thường không chỉ tố cáo vì lấy tiền động viên, khuyến khích.

Nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế, với đa số những người khi đã xác định đi tố cáo, có thể vì các mục tiêu như: Hành động vì chính nghĩa; phát huy tinh thần giám sát của công dân, muốn làm trong sạch bộ máy; có quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm trong vụ tham nhũng đó; vì mâu thuẫn cá nhân; hay thậm chí có những trường hợp cố tình tố cáo sai nhằm làm hại người khác… Rất ít người đi tố cáo mà mong lấy tiền thưởng. Đó là còn chưa nói để có thông tin tố cáo, bản thân người tố phải có trình độ, kiến thức, bỏ nhiều công sức; thậm chí gian nan, cực khổ khó có thể bù đắp bằng tiền.

Thực tế thời gian qua có một số vụ việc bị lọt thông tin người tố cáo khiến họ bị ảnh hưởng. Một số người chấp nhận rủi ro, mất việc, bị trù dập để tố cáo nhưng sau đó cách xử lý của cơ quan chức năng vẫn bị đánh giá không đến nơi đến chốn; vô tình làm xói mòn niềm tin của người tố cáo.

Chúng ta cũng có thể nhìn nhận lại trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước phát động thời gian qua, hiệu quả rất cao một phần đến từ việc cơ quan chức năng đã chứng minh “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Khi các vụ tham nhũng, sai phạm được xử lý đúng quy định pháp luật, công khai thì toàn dân cùng hồ hởi tham gia, có trả tiền thưởng hay không, hay trả bao nhiêu tiền, không còn quan trọng.

Nhận diện vấn đề như vậy, để trong công tác tiếp nhận thông tin phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần có những cách làm mới, sáng tạo, chặt chẽ. Một số ý kiến cho rằng cơ quan tiếp nhận thông tin cần ưu tiên sử dụng công nghệ. Trường hợp tiếp nhận trực tiếp, cần bố trí ít nhất 2 cán bộ để tránh trường hợp “bưng bít, ém” thông tin. Cùng với những phương thức mới, kỳ vọng quy định mua tin tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; có tác dụng phòng ngừa, răn đe, cảnh báo; để công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả.

Đọc thêm