Người trẻ còn 'mặn mà' với Tết?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Những năm gần đây, mỗi khi Tết đến Xuân về, nhiều người lại than rằng “Tết này nhạt hơn Tết xưa”, “người trẻ đã không còn mặn mà với Tết Nguyên Đán nữa”. Thực tế, Tết đối với người Việt Nam vẫn luôn là một dịp lễ lớn, quan trọng trong năm. Nhưng, theo sự phát triển của thời đại, thế hệ trẻ hiện nay, có sự thay đổi về cách đón năm mới.

“Áp lực” đón Tết

Năm hết, xuân về, mỗi người đều có những công việc và dự định riêng cần sắp xếp chu toàn để đón Tết. Còn đối với nhiều người trẻ, áp lực Tết không chỉ đơn giản là công việc mà còn cả về mặt kinh tế, tâm lý. Đầu tiên, gánh nặng kinh tế đè lên lên những người trẻ. Trong những tháng cuối năm, để đảm bảo đủ tiền mua sắm đồ Tết, lì xì cho gia đình, họ hàng, đi chơi, sắm sửa quần áo cho bản thân, nhiều người đã “làm thâu đêm, suốt sáng” để có đủ chi phí lo Tết.

Trần Thu Trang (29 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, vào những tháng bình thường trong năm, cô tan làm vào đúng 17h30 buổi chiều. Nhưng vào tháng gần Tết, cô thường làm việc đến đêm. Trang cho biết, cần nhẩm tính khoản chi phí sắm sửa trong đầu, đã gấp hai, ba lần số tiền lương một tháng. Thu Trang đành nhận thêm dự án, làm thêm giờ để có đủ tiền: “Có những ngày tôi ở lại cơ quan làm việc đến 23h đêm mới về nhà. Hôm nào quá bận, tôi ngủ lại cơ quan luôn cho an toàn, con gái đi đêm, về muộn rất nguy hiểm”.

Giống như Trần Thu Trang, Phạm Trung Đức (23 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội), phải nhận thêm công việc để có thu nhập, phụ giúp bố mẹ sắm sửa ngày Tết. Vừa mới ra trường một năm, công việc bộn bề, chưa ổn định, nhưng Đức thường xuyên đối diện với câu hỏi của họ hàng ở quê nhà, như “Lương bao nhiêu?”, “Khi nào thì thăng chức?”, khiến anh rất áp lực. Đức cho biết: “Gia đình tôi rất thoải mái, nhưng họ hàng, hàng xóm tại quê quan niệm người làm việc ở thành phố có thu nhập cao, khiến tôi rất áp lực. Đặc biệt, dịp Tết, mọi người sẽ nhìn đồ đạc, cây cảnh trong nhà để đánh giá tôi”.

Thậm chí, tiền lương, thưởng còn chi phối đến lịch nghỉ Tết của nhiều người trẻ. Ở một số công ty nước ngoài, sàn thương mại điện tử, công ty truyền thông… không ít người trẻ đã chọn làm “xuyên Tết”. Họ chấp nhận không nghỉ Tết Nguyên Đán, vẫn đi làm và hưởng mức lương gấp bốn lần bình thường. Nguyễn Thanh Nhàn (28 tuổi, sống ở Đà Nẵng) cho biết: “Tôi làm ngành dịch vụ, Tết là thời điểm mọi người đi du lịch, vì vậy công ty sẵn sàng trả gấp bốn, năm lần tiền lương, nếu chúng tôi không nghỉ Tết”. Để có thêm thu nhập, Thanh Nhàn quyết định, không nghỉ bảy ngày Tết để về quê, mà tiếp tục ở lại làm việc.

Thực tế, theo một cuộc khảo sát năm của Experian, vào vài năm trước đây, cho thấy thế hệ trẻ hiện nay có xu hướng lo lắng về tiền bạc nhiều hơn các thế hệ trước. 51% người trẻ lo sợ vấn đề tiền bạc sẽ ngăn cản, kìm hãm họ làm những gì họ muốn trong cuộc sống. Đặc biệt, năm 2024, tiền lương thưởng trước Tết được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ có những biến động. Như Theo SSI Research đánh giá xu hướng dòng tiền trước dịp Tết Nguyên đán thường có nhiều biến động mạnh. Điều này càng khiến người trẻ đang trong độ tuổi lao động lo lắng.

Người trẻ liệu còn mặn mà với Tết? (Ảnh minh họa. Nguồn:VJShop).

Người trẻ liệu còn mặn mà với Tết? (Ảnh minh họa. Nguồn:VJShop).

Ngoài ra vấn đề về kinh tế, áp lực tâm lý của người trẻ vào những ngày Tết cũng rất lớn, họ phải đối diện với câu hỏi “truyền thống” về hôn nhân, sinh con. Nguyễn Thúy Hà (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Vào những ngày đầu năm mới, tôi thường tránh gặp họ hàng. Tôi mệt mỏi nhất khi phải trả lời câu hỏi về chuyện kết hôn, sinh con, đẻ cái. Đặc biệt, bị so sánh với các anh chị em khác trong gia đình, họ hàng, khiến tôi rất áp lực”. Đây là một trong những lý do, khiến Thúy Hà sợ những ngày Tết cổ truyền. Đã có năm, để tránh họ hàng, người quen “hỏi thăm”, Thúy Hà nhận đến trực cơ quan vào một số ngày Tết, vừa có thêm lương, vừa tránh được những áp lực đầu xuân.

Ngược lại với Thúy Hà, gia đình anh Trần Tuấn Minh (30 tuổi, Hà Nội) phải đối diện với việc sắm sửa đồ đạc hai nhà nội ngoại. Ngoài ra, còn hàng loạt vấn đề như ăn Tết bên nội, bên ngoại. Đặc biệt, những câu hỏi liên tục không hồi kết của họ hàng về vấn đề con cái. Anh Tuấn Minh chia sẻ: “Hai vợ chồng mới cưới được hai năm, còn trẻ, còn phấn đấu làm việc, nên chưa vội sinh con. Nhưng cứ đi đến nhà họ hàng chúc Tết lại nhận được câu hỏi về việc có em bé, trả lời nhiều đến mức đau cả đầu”. Chính vì vậy, cứ đến Tết, cặp vợ chồng trẻ lại thở dài, mệt mỏi vì những lo toan không hồi kết.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ người sống độc thân tại Việt Nam đang có xu hướng tăng, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019, tức là gần gấp đôi sau 15 năm. Áp lực hôn nhân, gia đình, khiến giới trẻ có xu hướng trì hoãn kết hôn. Đặc biệt, tỷ lệ sinh con ở Việt Nam cũng có xu hướng giảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, như do công việc, tài chính, đời sống. Đây là lựa chọn mang tính cá nhân của người trẻ. Tuy nhiên, khoảng cách thế hệ, quan niệm “dựng vợ, gả chồng” khiến những người lớn tuổi trong gia đình thường sẽ hỏi thăm, khuyên bảo con cháu trong nhà kết hôn, sinh con sớm. Điều này, vô tình tạo ra áp lực cho thế hệ trẻ trong ngày Tết.

Người trẻ “làm mới” Tết truyền thống

Dù gặp phải không ít áp lực cận Tết, người trẻ vẫn mong mỏi ngày Tết Nguyên đán để sắm sửa quần áo mới sau một năm làm việc vất vả, được tân trang cho bản thân và trên hết là đoàn tụ, quây quần bên gia đình sau những ngày tháng làm việc vất vả.

Mặc dù chưa đến Tết, nhưng chỉ cần lên các trang mạng xã hội, có thể thấy, người trẻ đang háo hức chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm. Các cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề trang phục Tết, địa điểm vui chơi ngày Tết, đồ ăn, thức uống đang được quan tâm. Nếu nói rằng người trẻ không “mặn mà” với Tết cổ truyền, có lẽ chưa đúng. Bởi bất cứ người Việt Nam nào cũng háo hức đón Tết, yêu mến, trân trọng ngày lễ truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhưng theo sự phát triển của thời đại, xã hội, người trẻ có cách đón Tết đặc sắc, độc đáo của riêng họ.

Ngày nay, thế hệ trẻ có thể đón Tết nhiều cách khác nhau như đi chụp bộ ảnh Tết tại studio được trang trí lộng lẫy. Nhiều người lại chọn đón Tết “online” với người thân, bạn bè, hạn chế ra ngoài. Một số gia đình đón Tết ở địa điểm du lịch, hoặc dùng ngày Tết để thư giãn, nghỉ ngơi. Trần Tuấn Minh (30 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Để tránh tranh cãi không đáng có xảy ra vào ngày Tết. Năm nay, hai vợ tôi quyết định mời bố mẹ nội, ngoại hai bên cùng đi du lịch vào ngày đầu năm mới”. Tuấn Minh chia sẻ, việc đi du lịch ngày Tết được cả hai gia đình ủng hộ, việc sắm sửa đón Tết cũng nhẹ nhàng hơn. Những câu hỏi “khó nhằn” khiến cặp vợ chồng trẻ “rầu lòng” những ngày Tết sẽ không còn nữa. Minh tâm sự: “Tết ở đâu, cũng là Tết, miễn mình có gia đình ở bên cạnh. Đặc biệt, Tết là thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi, nên tôi không câu nệ những lễ nghi quá nhiều”.

Đối với Trần Thu Trang (29 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Dù vất vả đến mấy, tôi cũng rất yêu Tết Nguyên đán. Trong suy nghĩ của tôi, Tết dịp lễ đặc biệt cả năm mới có một lần. Đây là thời gian tôi được nghỉ ngơi thoải mái với gia đình, gặp mặt bạn bè, tạm rời xa áp lực công việc, tài chính để hưởng thụ cuộc sống”.

Dù áp lực ra sao, người trẻ vẫn luôn háo hức đón Tết. (Ảnh minh họa. Nguồn: Baotintuc.vn)

Dù áp lực ra sao, người trẻ vẫn luôn háo hức đón Tết. (Ảnh minh họa. Nguồn: Baotintuc.vn)

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), từng nhận định xu hướng đón Tết của giới trẻ ngày nay rõ ràng có những nét riêng biệt. Người trẻ tập trung vào việc nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng ngày lễ Tết: “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các hoạt động truyền thống ngày Tết đều bị giới trẻ bỏ qua, mà họ chỉ thực hiện nó theo một cách khác hoặc nâng tầm hiện đại, thổi thêm luồng gió công nghệ vào đó. Thí dụ, thay thế cho những món quà Tết truyền thống như bánh chưng, cây giò thì giới trẻ sẵn sàng biếu những món đồ công nghệ”. PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Thực tế, dù xã hội phát triển, người trẻ có nhiều thay đổi, nhưng Tết vẫn là một ngày lễ rất đỗi thân thuộc và thiêng liêng. Nó không chỉ giúp mọi người quên đi những nỗi cô đơn, nhớ nhà, mà còn là khoảng thời gian nhìn lại một năm cũ đã qua xem mình đã làm được gì và chưa được làm gì. Từ đó làm động lực để lấy lại tinh thần và sẵn sàng chiến đấu với những thách thức ở năm tiếp theo.

Đặc biệt, Tết đâu chỉ là để nghỉ ngơi, thưởng thức bữa cơm gia đình mà còn nhắc nhở người trẻ rằng gia đình chính là mái nhà che nắng che mưa cho họ về nương náu. Vì vậy, Tết trở về là tìm về nguồn cội, ấu thơ, về gốc rễ tâm hồn của mỗi người. Về nhà ngày Tết là tìm về nơi người trẻ được cởi bỏ những lo toan, vui buồn đã “khoác” lên ngoài xã hội, để được là chính mình.

Đọc thêm