Người trẻ người già đón Tết khác nhau thế nào?

(PLO) - Ngày Tết là Tết chung, Tết của mọi nhà. Thế nhưng, với người trẻ và người già, tâm thái đón Tết cũng không hề giống nhau… 
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Người trẻ: Tranh cãi với muôn kiểu đón Tết

Với những người trẻ, Tết là dịp để nghỉ ngơi sau một năm tất bật nỗi lo công việc, cơm áo, học hành. Tết cũng là dịp tụ tập, vui chơi lễ lạt với bè bạn. Tết còn là dịp để người trẻ khoe với nhau, cùng nhau “lăng xê” các mốt thời trang mới nhất…

Đó là cách ăn Tết của người trẻ từ nhiều năm nay. Nhưng, vài năm gần đây, từ trong những người trẻ, đã có rất nhiều thay đổi về tư duy đón Tết. Trong khi, một bộ phận người trẻ vẫn “chiều” theo cách ăn Tết truyền thống bao nhiêu năm nay, thì một bộ phận khác, lại mong muốn đổi thay với một cách ăn Tết mới, đó là ăn Tết “tinh giản”. Khác với người già, luôn muôn giữ gìn cái Tết cổ truyền, với đầy đủ các lễ nghĩa, thủ tục cúng kiếng, sắp đặt, bày biện, kiêng kị…, người trẻ lại mong muốn Tết không còn rườm rà, không còn phải “vắt chân lên cổ” chạy theo việc mua sắm, trang hoàng, biếu xén…

Ngay trong những gia đình, đã có những tranh cãi “nảy lửa” nổ ra giữa phái “cách tân” và phái “truyền thống” khi hai luồng quan điểm khác nhau được đưa ra. “Tôi mong rằng, Tết sẽ ngày càng đi vào thực tế, thực chất chứ không còn nặng về hình thức nữa. Tết phải là một dịp nghỉ ngơi, vui chơi và sum vầy đích thực, chứ không phải thời điểm còn tất bật, áp lực còn hơn cả những ngày trong năm với nhiều thủ tục, tục lệ…”, anh Nguyễn Minh Quân, nhân viên một ngân hàng tại quận 3, TP.HCM chia sẻ. Từ năm ngoái đến nay, anh Quân đã “đấu tranh” với cha mẹ, ông nội để ngày Tết gia đình anh tinh giản bớt các “thủ tục” bày biện, các điều kiêng kị để mọi người ăn Tết giản dị, nhẹ nhàng, đỡ mệt hơn. Thậm chí, nhiều người trẻ còn ủng hộ quan điểm bỏ Tết cổ truyền, chỉ ăn Tết Dương lịch.

Từ hai năm nay, đã có một quan điểm mới về đón Tết, đó là “Tết du lịch”. Nhiều người trẻ đã phá vỡ các quy tắc truyền thống khi cho rằng, Tết không nhất thiết là ngày sum họp gia đình, các thành viên phải quay quần bên nhau. Đối với họ, Tết còn là thời gian rảnh rang để nghỉ ngơi, khám phá, làm những điều mình thích. Với họ, thay vì năm nào cũng trở về nhà, về quê đón Tết, thì dành ngày Tết để đi khắp nơi, để thử trải nghiệm không khí Tết, trải nghiệm mùa xuân ở các vùng đất khác… Quan điểm này, khi mới xuất hiện đã gây rất nhiều tranh cãi. Thế nhưng, càng ngày, dường như càng nhiều người trẻ ủng hộ và thực hiện cách đón Tết này.

Người già: Giữ gìn truyền thống, ước mong sum vầy

Với cụ Nguyễn Thị Xuân, nông dân ở Xuân Lộc, Đồng Nai, thì Tết luôn là một là một thời điểm thiêng liêng, không chỉ để gia đình quây quần mà còn là thời điểm để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Chính vì thế, đón Tết là phải luôn tươm tất, luôn đủ đầy đúng như phong tục truyền thống từ bao đời nay: Trong nhà phải có cành mai, chậu cúc vàng. Bàn thờ không thể thiếu mâm ngũ quả. Trong nhà ngày Tết luôn phải có các món tự tay nấu như thịt kho tàu, bánh chưng bánh tét, măng kho, dưa muối củ kiệu, các loại mứt “cây nhà lá vườn”. Trước Tết phải có một mâm cúng tất niên với ngũ quả, gà cúng và chục món khác, mời cả làng đến ăn chung. Đêm giao thừa là phải luôn có mặt cả gia đình, sum vầy chờ giây phút Tết đến. 3 ngày Tết sáng nào cũng phải cúng cơm tổ tiên tươm tất… 

Ngoài những “thủ tục” không thể thiếu ngày Tết như trên, nhà bà Lê Thị Bé Vân, ngụ Cai Lậy, Tiền Giang còn có một quy định bắt buộc cho con cháu trong nhà, đó là mâm cơm cúng ông bà tổ tiên 3 ngày Tết xong, con cháu phải có mặt đông đủ cùng ăn bữa cơm cúng Tết, như một sự sum họp đủ đầy, và cũng là quan niệm “hưởng lộc” Tổ tiên ngày Tết.

Càng ngày, những phong tục tập lệ ngày Tết, nhưng quan điểm Tết truyền thống của người già càng đứng trước những đòi hỏi thay đổi và cách tân, ăn Tết kiểu mới từ phía những người trẻ, mà phía nào cũng có cái lý của mình. Tất cả phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi thế hệ. Anh Trần Phan Thanh Tùng, kĩ sư xây dựng, sau nhiều mùa Tết “tranh đấu” với các bậc phụ huynh về quan điểm đón Tết truyền thống hay kiểu mới, cuối cùng anh đã “ngộ” ra một điều mà theo anh, đôi khi những người trẻ do chủ quan nên không nhìn thấy được. Đó là trong sự khăng khăng đòi gìn giữ những tục lệ truyền thống của người già, của các bậc cha mẹ, chưa hẳn là “tư tưởng cũ”. Thực ra, đó chỉ là cách mà những bậc cha mẹ bày tỏ lòng tôn kính với ông bà tổ tiên, và mong muốn có một cái Tết tươm tất để sum vầy cùng con cháu.

Những người trẻ có tự do và rất nhiều niềm vui chung quanh. Nhưng với người già, đa phần quanh năm cô quạnh, con cháu đi làm hết, nhất là những bậc cha mẹ có con cái tha hương, thì Tết là dịp hiếm hoi trong năm để được đoàn tụ, được vui vẻ với con, với cháu. Sự khác biệt trong suy nghĩ dẫn đến tranh luận giữa hai thế hệ, thực chất chỉ ở vấn đề là chưa hiểu nhau. Người trẻ có cả một thanh xuân phía trước, còn người già, càng đi về phía mùa xuân, thì những ngày tháng trên cuộc đời, bên gia đình càng rút ngắn lại. Nếu thấu hiểu được điều này, người trẻ sẽ có một cái nhìn khác và cách thức các về quan điểm đón Tết cổ truyền.

Làm sao để ngày Tết có thể đơn giản, bớt đi những rườm rà, bày biện và tất bật, hao tốn sức khoẻ, tâm trí, nhưng vẫn là một Tết truyền thống với ý nghĩa sum vầy, để gia đình cùng bên nhau, để cha mẹ, ông bà được sống trong trong không khí ấm áp, đoàn viên… Điều này không dựa vào sự tranh cãi hay đòi hỏi đổi mới, cách tân một cách triệt để, mà phải từ sự khéo léo, có cả nhượng bộ và yêu thương, thì mới có thể thực hiện được.

Đọc thêm