Người trẻ 'đau đầu' lo Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không ít người trẻ cảm thấy khá “đau đầu” vì có nhiều thứ phải lo trong ngày Tết. Thậm chí có những bạn trẻ cảm thấy mỗi dịp Tết về, lại cảm thấy vui 3 phần thì 7 phần áp lực bởi ngày tết hễ gặp ai cũng bị “quan tâm hết sức cục súc” về chuyện tiền bạc, chồng con.
Người trẻ 'đau đầu' lo Tết

Tất bật sớm tối chờ Tết

Những ngày sát Tết với nhiều người trẻ là thời điểm chạy “dealine” trước kỳ nghỉ dài. Một bộ phận không nhỏ bạn trẻ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài cũng canh cánh nỗi lo khi Tết về.

Là phiên dịch viên tiếng Hàn cho một công ty Hàn Quốc tại Bắc Giang, chị Minh Hà tất bật chuẩn bị những kế hoạch cuối cùng để kịp hoàn thành tiến độ công việc trước Tết.

“Còn vài ngày nữa là tết, ngoài đường không khí tết ngập tràn, nhưng trong công ty thì mọi thứ vẫn rất bình thường, không thấy trang hoàng đặc biệt. Dịp cuối năm chúng tôi còn bận hơn vì phải chuẩn bị sản xuất hàng hóa đảm bảo tồn hàng trước và sau tết”, chị Hà chia sẻ.

Minh Hà (30 tuổi, Bắc Giang). Ảnh: NVCC

Minh Hà (30 tuổi, Bắc Giang). Ảnh: NVCC

Nguyễn Nhất, lao động xuất khẩu ở Nhật Bản đã trở về Việt Nam chuẩn bị đón Tết với gia đình. Dự định về Việt Nam ăn tết 1 tháng, vì vậy trước đó Nhất cũng phải "gồng sức" để tăng ca, thậm chí làm cả ngày chủ nhật cho kịp tiến độ công việc. Nhật Bản là một trong những nước không đón Tết theo lịch âm, vì thế mọi công việc phải hoàn thiện trước Tết dương lịch, áp lực gần như tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.

Không chỉ áp lực về chuyện hoàn thành công việc trước Tết, nhiều bạn trẻ còn cảm thấy băn khoăn khi Tết về thường xuyên bị giục lập gia đình hay bị hỏi han vấn đề tiền bạc.

Chắt chiu từng đồng để kịp lo Tết

Với nhiều bạn trẻ chưa lập gia đình, áp lực về tiền bạc dịp Tết có lẽ không quá lớn, nhưng đây vẫn là chuyện phải tính toán. Bởi làm việc cả năm không thể không có tiền biếu ông/bà hay cha/mẹ hoặc chỉ là chút lì xì đầu năm cho các em/cháu nhỏ.

Cách xa quê nhà hàng nghìn cây số, chi phí đi về là khoản lớn đối với những lao động xuất khẩu. Vé tàu xe, vé máy bay, tiền biếu ông/bà, cha/mẹ, tiền quà biếu, sắm tết, tiền lì xì…, hàng loạt loại tiền khác nhau khiến nhiều người dù muốn cũng “ngại” về quê ăn Tết, nhất là lao động đi nước ngoài được 1-2 năm. Nguyễn Nhất đã xuất khẩu lao động tại Nhật Bản 5 năm, đón 5 cái Tết xa nhà, sau những lần lỡ hẹn, anh mới quyết tâm về đón Tết với gia đình.

“Tôi đã đón tới 5 cái Tết xa nhà, nhìn người thân qua webcam mỗi dịp Tết thấy rất chạnh lòng. Những lúc ấy muốn bay ngay về nhà, nhưng vì chi phí di chuyển quá lớn, và khi đồng Yên (tiền của Nhật – PV) mất giá, giảm sâu thì tôi phải cân nhắc khá nhiều về việc về quê ăn Tết hay ở lại tiếp tục công việc tích lũy cho tương lai”, Nguyễn Nhất bộc bạch.

Cũng áp lực về tiền, chị Minh Hà cho biết: “Đi làm cả năm, lo 3 ngày Tết… Không phải vấn đề ăn Tết to hay nhỏ, mà ngày Tết sẽ là báo hiếu, chăm lo gia đình, hay du xuân nghỉ ngơi đều cần đến tiền. Do vậy, không thể không có "cục" tiền to vào dịp Tết được”.

Bao giờ lập gia đình?

Đây có lẽ là câu hỏi mà mỗi bạn trẻ thường được nghe khi đến tuổi dựng vợ gả chồng. Và dù đây là câu hỏi bày tỏ sự quan tâm, nhưng số lần hỏi có thể tỷ lệ thuận với tần suất gặp gỡ người thân, bạn bè... ngày Tết, vô hình chung cũng trở thành áp lực ngày Tết.

Từ khi trở về Việt Nam, bố mẹ cho đến người thân họ hàng đều "truy vấn" Nhất: “Bao giờ lấy vợ?”, "cuối năm là năm nào?"...

“Ngoài 30 tuổi chưa lập gia đình thì câu hỏi ấy không tránh được. Các cô, các bác khuyên tôi không nên kén chọn, thậm chí có người còn tìm những cô gái chưa có chồng để giới thiệu cho tôi. Áp lực cũng lớn, nhưng cảm nhận được sự quan tâm của mọi người nên dù bị hỏi bao nhiêu lần, nhắc bao nhiêu câu thì tôi vẫn vui vẻ, hùa theo để tạo tiếng cười cho các cô, các bác thay vì tỏ vẻ khó chịu hoặc cáu gắt. Rồi sau đó tôi động viên các cô, các bác để mọi người yên tâm mình sẽ dắt con dâu, cháu dâu của các bác, các cô về sớm thôi”, Nguyễn Nhất vừa cười vừa tâm sự.

Chị Phạm Phương (công tác tại Công ty TNHH Phần mềm Zozo tại Hà Nội) chung nỗi lo mỗi dịp xuân về bị cả gia đình giục lấy chồng. “Có lẽ áp lực lớn nhất mỗi dịp Tết về của tôi là bị giục lấy chồng, dù bản thân tôi biết, các cô, các bác trong gia đình quan tâm mong muốn tôi sớm có bến đỗ. Nhưng may mắn, dù bị giục nhưng mọi người đều hỏi và giục theo kiểu đùa và muốn san sẻ nên dù bị hỏi hơi nhiều một chút, tôi vẫn cười khì thôi”, Phương kể.

Gia đình của chị Phạm Phương. Ảnh: NVCC

Gia đình của chị Phạm Phương. Ảnh: NVCC

Vấn đề kết hôn là câu chúc chính, câu hỏi han của mọi người với Minh Hà, trở thành nỗi ám ảnh chị mỗi khi Tết về, nhiều khi khiến chị cảm thấy mất vui.

“Tết là kỳ nghỉ cho bản thân sau một năm xô bồ, tất bật với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Là thời gian để sum vầy bên gia đình, cùng ở nhà, cùng ăn cùng nói, cùng đi du xuân. Thế nhưng vui 3 phần thì 7 phần áp lực. Bởi ngày Tết hễ gặp ai cũng bị “quan tâm hết sức” về chuyện tiền bạc, chồng con”, Minh Hà giãi bày. “Thậm chí có nhiều cô chú tự hào về gia đình, con cái họ nên cứ hỏi mình về lương thưởng để so sánh, khoe khoang rồi chế giễu này kia… Mặc dù đã đủ trưởng thành để không phản ứng gay gắt lại nhưng thực sự thật khó mà đối phó lại trong tình cảnh đó”.

Tuy có quá nhiều những thứ phải lo lắng đè nặng trên vai thế nhưng năm hết Tết đến là lẽ dĩ nhiên. Thay vì vô tình tạo cho người trẻ những mặc cảm hay áp lực, hãy cảm thông, đừng đặt nặng vấn đề tiền bạc hay những câu hỏi “kém duyên” khiến họ cảm thấy không được thoải mái. Các bạn trẻ hãy cùng gác bỏ những trăn trở, bỏ qua chuyện cũ, nghĩ thoáng... để cùng gia đình chào đón một năm mới hạnh phúc và sum vầy.

Đọc thêm