Người trẻ khởi nghiệp thành công trên mảnh đất Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong đó phải kể đến những doanh nhân trẻ đã lựa chọn mảnh đất Hòa Bình là nơi đặt chân xây dựng kinh tế, phát triển xã hội.
 Nhóm bạn trẻ người dân tộc Mường khởi nghiệp thành công với ứng dụng khoa học 4K Happy Farm.
Nhóm bạn trẻ người dân tộc Mường khởi nghiệp thành công với ứng dụng khoa học 4K Happy Farm.

"Nông phú" 8x với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng anh Bùi Văn An (1985) tại Yên Thủy, Hòa Bình đến nay đã trở thành một "nông phú" với mức thu nhập lên tới 2-3 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2006, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về gia đình, anh luôn băn khoăn suy nghĩ phải làm thế nào để vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Anh An đã mạnh dạn trồng cây dưa hấu trên diện tích 5 sào đất nông nghiệp được giao khoán. Từ năm 2006 đến năm 2014 gia đình anh An đã không ngừng mở rộng diện tích trồng cây dưa hấu, cây bí xanh cho thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng hàng năm.

Năm 2015, anh tiếp tục vay vốn ngân hàng để xây dựng chuồng trại nuôi gà với tổng diện tích là 1.200 m2 nhằm phát triển quy mô, mang lại thu nhập từ 400 triệu đến 500 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Không chỉ làm giàu cho bản thân, 15 hộ dân trong xã đã làm theo mô hình chăn nuôi gà của anh An cho năng suất cao và tìm được đầu ra ổn định.

Đến năm 2017 anh An tiếp tục chuyển sang chăn nuôi thêm lợn nái siêu nạc. Hiện gia đình anh đã xây dựng được mô hình chuồng trại khép kín vừa nuôi lợn vừa giết mổ đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Hàng năm gia đình xuất bán khoảng 80 tấn lợn hơi và 400 con lợn giống mang lại thu nhập từ 2-3 tỷ đồng. Mô hình chăn nuôi của anh An cũng đang tạo ra việc làm cho một số lao động thường xuyên với mức lương bình quân từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Nhóm bạn trẻ khởi nghiệp với ứng dụng khoa học 4K Happy Farm

Tự tin, đam mê, ham học hỏi, một nhóm bạn trẻ 9x người dân tộc thiểu tại Hòa Bình đã bắt tay vào hành trình khởi nghiệp với ứng dụng khoa học 4K Happy Farm. Mô hình khởi nghiệp du lịch trải nghiệp 4k Happy Farm được thực hiện tại xóm Đồng Chúi, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn.

Anh Bùi Văn An với mô hình chuồng trại khép kín mang lại thu nhập cao.

Anh Bùi Văn An với mô hình chuồng trại khép kín mang lại thu nhập cao.

Từ đầu tháng 5 năm nay, nhóm Happy Farm đã tiến hành triển khai sản xuất với sản phẩm chủ yếu là các loại rau ăn lá áp dụng công nghệ khí canh, tưới tiết kiệm theo hướng cánh đồng mẫu lớn tại xóm Đồng Chúi với 40 hộ tham gia. Diện tích canh tác gần 3 héc ta, năng suất trung bình đạt 10 tấn/héc ta.

Bước đầu thị trường đã đón nhận sản phẩm rau an toàn của Happy Farm. Bên cạnh đó, dự án đang triển khai một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: dưa lưới Nhật Bản, cà chua ngọt. Ước tính, đạt sản lượng hơn 100 tấn, tương đương doanh thu 1,7 tỷ đồng. Hiện nay, mô hình 4k Happy Farm đã và đang liên kết với các mô hình du lịch xung quanh xã Tân Vinh để tiến hành mở rộng quy mô trang trại, với nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm.

Với tiêu chí 4k là khách hàng - khoa học kỹ thuật - không gian - không khí, mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ người Mường đã và đang phát huy tốt tiềm năng thế mạnh và lợi thế của địa phương và của mỗi cá nhân để khởi nghiệp.

Được biết, Dự án khởi nghiệp 4k Happy Farm đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình lần thứ II, năm 2019 và lọt vào vòng bán kết cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2019.

Ông Nguyễn Đức Tính, Phó Bí thư Thành Đoàn TP. Hòa Bình cho biết: “Những năm qua, đoàn luôn đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên. Đồng thời chú trọng đến việc tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên thông qua cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh”. Từ đó, nhiều thanh niên đã trở thành doanh nhân thành đạt, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh nhà”.

Hỗ trợ tối đa cho kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngoài những tấm gương kể trên, còn rất nhiều những bạn trẻ, doanh nhân thành đạt cũng đã lựa chọn tỉnh Hòa Bình để xây dựng, phát triển kinh tế, làm giàu bằng nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Theo số liệu báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hoà Bình, đến năm 2020, tổng doanh thu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh ước đạt 49.598 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt từ 4,5-6,5 triệu đồng/tháng.

Công tác cải cách thủ tục hành chính tại tỉnh Hòa Bình đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác cải cách thủ tục hành chính tại tỉnh Hòa Bình đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Đến nay, môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh đã được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh.

Ông Phạm Xuân Trí, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Tiến An (Công ty Tiến An), TP. Hòa Bình, một trong những người đạt danh hiệu "Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Hòa Bình” lần thứ IV, năm 2019 nhận xét: “ Tỉnh Hoà Bình có môi trường đầu tư hấp dẫn, là điểm đến của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp. Ngoài việc phát triển kinh tế tại đây, tôi cũng mong muốn cùng các doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng, xã hội, xây dựng tỉnh nhà ngày càng vững mạnh”.

Cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Tỉnh Hòa Bình cũng luôn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch cải cách hành chính, trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Kết quả đạt được cho đến nay, tỉnh Hòa Bình đã thành lập được Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; xây dựng Bộ phận một cửa hiện đại ở cấp huyện, cấp xã; xây dựng Cổng dịch vụ công của tỉnh và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn theo quy định đã được khắc phục.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng thường xuyên nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trong tương lai, với những lợi thế về thiên nhiên, con người và chính sách đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, Hòa Bình hứa hẹn sẽ trở thành điểm “dừng chân” của các doanh nhân, doanh nghiệp trên cả nước cũng như quốc tế.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập tại tỉnh Hòa Bình hàng năm có chiều hướng gia tăng. Riêng trong năm 2020, có 365 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 12.672 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 3.770 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 47.003 tỷ đồng. Trong đó, có 3.527 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm trên 97% tổng số doanh nhiệp với số vốn đăng ký là 31.486 tỷ đồng.

Đọc thêm