Nghe tin công ty sẽ giảm 50% thưởng Tết so với mọi năm, Lê Hoàng Anh, 26 tuổi, nhân viên thiết kế thuộc một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa tại TP HCM rất lo lắng. Mức lương của Lê Hoàng Anh chỉ hơn 10 triệu mỗi tháng, hầu như sau khi chi dùng cho cuộc sống thường nhật thì không dành dụm được chút nào. Hoàng Anh chỉ trông chờ vào khoản thưởng Tết, tương đương 3 tháng lương để chi tiêu Tết, gửi tiền cho gia đình. Thế nên, khi nghe thông tin khả năng thưởng Tết giảm mạnh sau khi công ty đã cắt giảm nhân sự do doanh thu sụt giảm, Hoàng Anh rất lo lắng và tích cực tìm kiếm những việc làm thêm phù hợp. May mắn là Hoàng Anh đã tìm được công việc vẽ trang trí Tết cho một số nhà hàng, quán ăn tại TP HCM.
Một nghề “tay trái” được nhiều nhân viên văn phòng lựa chọn dịp cuối năm là bán hàng online. Gần Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nhiều người trẻ năng động đã chủ động tìm nguồn, nhập hàng hóa hoặc tự làm sản phẩm “home made” để bán Tết. Như Nguyễn Thị Hải Vân, 28 tuổi, nhân viên bán hàng làm việc tại một công ty kinh doanh nước giải khát thì lựa chọn cách tự nhập hàng của công ty cùng với nhiều sản phẩm khác như bánh kẹo nhập ngoại, đồ hộp... về để đăng lên trang cá nhân bán Tết. Thời điểm này, cô đã nhận được một số đơn đặt hàng từ bạn bè, người quen.
Nhiều nhân viên văn phòng trẻ tuổi cho biết, việc họ phát triển thêm “nghề tay trái” dịp này tuy là “bất đắc dĩ” vì mong muốn có cái Tết được “rủng rỉnh”, nhưng đây cũng là cơ hội để họ thay đổi bản thân, phát triển thêm kĩ năng mới, năng động hơn.
Như Lê Hoàng Anh, nhân viên thiết kế chia sẻ, chính nhờ nguy cơ bị giảm thưởng, thiếu thốn trong dịp Tết nên mới có thể vượt ra khỏi sự ù lì của bản thân để tìm một hướng đi mới. Nếu như trước kia chỉ biết đi làm rồi về đi chơi, chờ ngày lãnh lương rồi tiêu xài thì những khó khăn thời gian qua đã cho Hoàng Anh thấy nhu cầu cần tăng thu nhập, dành dụm để đề phòng những rủi ro trong cuộc sống.
Những khó khăn sau thời điểm bùng phát đại dịch đã làm thay đổi suy nghĩ của rất nhiều người trẻ về thói quen kiếm tiền và tiêu tiền. Nếu như trước kia, nhiều người trong số họ không lo lắng gì nhiều, chỉ yên tâm với việc đi làm hàng ngày, đủ sống, đủ chi tiêu, không cần quan tâm mấy đến “ngày mai” thì giờ đây những người trẻ đã suy nghĩ nhiều hơn đến việc phát triển thêm những kĩ năng mới, mở rộng giới hạn bản thân, cố gắng nhiều hơn trong công việc để có thể tăng thu nhập, vạch ra những kế hoạch thực tế cho tương lai.
Cạnh đó, trước nguy cơ giảm thu nhập trước Tết và những khó khăn về tài chính trong năm mới, một bộ phận giới trẻ cũng ý thức hơn trong việc siết chặt chi tiêu, không còn thói quen “săn hàng”, “vung tay quá trán” như trước.
Có thể thấy khó khăn sau đại dịch là có thật, nhưng đi cùng với những ảnh hưởng tiêu cực vẫn có những thay đổi tích cực đang xảy ra trong thói quen, tư duy sống của người trẻ. Đó là những tín hiệu đáng để mừng, trong thời điểm nhiều lắng lo này.