Mất ngủ vì lối sống không lành mạnh
Linh Trang (26 tuổi, đang sinh sống ở Hà Nội), một ngày, ngoài 8 tiếng làm việc ở công ty, cô còn làm bán thời gian khoảng 3 tiếng. Công việc bận rộn, khiến Trang luôn phải sử dụng máy tính, điện thoại liên tục không ngừng nghỉ. Có những hôm đến 12 giờ đêm, cô vẫn phải làm việc. Nếp sống không lành mạnh, khiến Trang mất ngủ ở tuổi 26.
Cô chia sẻ: “Khoảng một năm nay, vào những ngày cuối tuần, kỳ nghỉ lễ, dù rất rảnh rỗi, nhưng tôi chỉ ngủ được 2 - 3 tiếng/ngày. Giấc ngủ chập chờn, không sâu khiến tôi thường bị đau đầu khi tỉnh dậy. Đặc biệt, buổi tối, tôi thường trằn trọc đến 2 - 3 giờ sáng mới có thể ngủ được”. Mất ngủ khiến tinh thần Linh Trang mệt mỏi, kiệt quệ.
Trang cho biết, mất ngủ thời gian dài khiến hiệu suất làm việc của cô giảm sút. Cô phải xin nghỉ công việc bán thời gian do không đáp ứng được nhu cầu của chỗ làm. Trí nhớ của Trang trong một năm gần đây cũng có dấu hiệu giảm sút, cô thường bị nhầm lẫn tên khách hàng, số liệu.
Công việc, cuộc sống không tốt, khiến cô rơi vào khủng hoảng tâm lý. Cô sụt hơn nhiều cân so với những năm trước. Cô phải tìm đến bác sĩ tâm lý, bác sĩ chuyên khoa thần kinh để điều trị. Nhưng để “lấy lại” giấc ngủ ngon và sâu như trước kia còn là một chặng đường dài đối với Trang.
Cũng giống như Trang, đó là câu chuyện của Minh Vũ. Anh hiện đang là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội. Mặc dù mới 20 tuổi, Vũ có lối sống khá “tùy hứng”. Ban ngày, anh cắp sách đến trường như bao bạn bè. Vào buổi tối, Vũ lại thức đến 4 - 5 giờ sáng để chơi game.
Vũ tâm sự: “Lên đại học, bố mẹ không còn quản lý tôi chặt như trước. Vì vậy, cuộc sống thoải mái hơn nhiều. Sau mỗi giờ học căng thẳng trên giảng đường, về đến nhà, tôi sẽ làm hết các bài tập cá nhân, bài tập nhóm rồi bắt đầu chơi game. Bình thường khoảng rạng sáng tôi mới ngủ. Còn những hôm “lành mạnh” hơn khoảng 1 - 2 giờ sáng tôi sẽ đi ngủ”.
Sau ba năm “ngày học, đêm chơi” sức khỏe của Vũ suy yếu hơn hẳn. Vũ thường xuyên rơi vào trạng thái tinh thần mệt mỏi, uể oải khi đến lớp. Có thời gian, Vũ phải nhờ đến sự trợ giúp của thuốc ngủ, tìm đến bệnh viện để khám chữa. Tuy nhiên, giấc ngủ vẫn không có dấu hiệu trở lại với chàng sinh viên trẻ.
Căn bệnh mất ngủ vốn tưởng dành cho những người cao tuổi. Giờ đây, đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người trẻ. Khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Wakefield Research ghi nhận khoảng 37% người trẻ Việt bị mất ngủ, 73% bị căng thẳng do rối loạn giấc ngủ. Số liệu cũng cho thấy, có tới 79% người tham gia không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày. Rối loạn giấc ngủ (hay rối loạn thức -ngủ) liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ, dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mọi người.
Lấy ví dụ, thiếu ngủ, giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn sẽ khiến não bộ không được thư giãn, nghỉ ngơi. Do đó, người bị mất ngủ thường bị mất tập trung và khó để ghi nhớ, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến học tập và hiệu quả công việc. Ngoài ra, giấc ngủ không đủ sẽ khiến cơ thể quá sức, không được nghỉ ngơi dẫn đến tình trạng mệt mỏi vào sáng hôm sau.
Ngoài ra, mất ngủ còn ảnh hưởng đến tim mạch, do tim không được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả. Đặc biệt, đối với người trẻ, mất ngủ để lại hệ lụy vô cùng nguy hiểm và thường gặp như ảnh hưởng đến tâm trạng khiến người bị mất ngủ thường xuyên căng thẳng, lo âu, suy nghĩ tiêu cực,... Nếu không khắc phục kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ bị trầm cảm dù không có tiền sử bệnh.
Chi cả chục triệu để tìm lại giấc ngủ ngon
Để chữa căn bệnh mất ngủ, nhiều người đã chi hàng chục, hàng trăm triệu. Như Linh Trang, sau nhiều đợt điều trị chứng mất ngủ không đạt hiệu quả như mong muốn, cô đã nghe lời khuyên bạn bè, gia đình, bắt đầu chuyến “du lịch ngủ”. Vài tháng một lần, Trang chi hàng chục triệu đồng cho các chuyến đi du lịch, nghỉ dưỡng đến những vùng đất hoang sơ. Ngoài ra, mỗi tuần một lần, cô lại đến các buổi thiền chuông, vừa lắng nghe tiếng chuông, ngửi mùi trầm hương để thư giãn tinh thần.
|
Thiếu ngủ khiến người trẻ làm việc kém hiệu quả. (Ảnh minh họa - Nguồn: Sức khỏe đời sống) |
Báo cáo Dự đoán Du lịch năm 2024 của Booking.com đã chỉ ra rằng, gần hai phần ba (66%) du khách đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết muốn đi du lịch chỉ để có một giấc ngủ trọn vẹn, không bị gián đoạn. Theo báo cáo, có đến gần 70% du khách Việt Nam tìm đến các chuyến du lịch ngủ. Điểm khiến “du lịch ngủ” khác biệt với các hình thức du lịch khác tập trung ở quá trình nghỉ ngơi và trẻ hóa, không phải khám phá hay trải nghiệm, mua sắm, vui chơi sôi động như thông thường.
Trong những năm gần đây, giới trẻ Việt Nam có xu hướng đi du lịch đến những vùng đất gần gũi thiên nhiên, hoang sơ. Lấy ví dụ như tour trekking khám phá đỉnh núi “chọc trời” ở Việt Nam như đến Tà Chì Nhù (Yên Bái) ngắm hoa chi pâu tím, đi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) thưởng thức tuyết mùa đông, cheo leo trên Tả Liên Sơn (Lai Châu) giữa đại ngàn núi rừng. Hoặc người trẻ sẽ tìm đến những hòn đảo thơ mộng giữa biển như Cát Bà (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh), Nam Du..., để tránh xa tiếng xe cộ ồn ào, cuộc sống tấp nập nơi phố thị.
Ngoài các chuyến đi du lịch, để “lấy lại” một giấc ngủ ngon, người trẻ còn dùng nhiều phương pháp khác nhau. Một số người tìm những khóa thiền chuông, thiền ngủ, để thư giãn tâm trí, giúp cơ thể chìm vào giấc ngủ nhanh hơn. Một số người trẻ khác lại tích cực tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày. Việc tập chạy bộ, gym, yoga, bơi lội,... đều đặn mỗi ngày, giúp người trẻ dần dần thoát khỏi căn bệnh mất ngủ, xây dựng một thói quen sống lành mạnh.
Đặc biệt, bên cạnh các biện pháp điều trị chứng mất ngủ thông thường. Nhiều người trẻ còn có những cách tìm lại giấc ngủ ngon rất thú vị, độc đáo. Mạng xã hội chính là một cầu nối để học thực hiện.
Hiện tại, Minh Vũ cho biết, anh không thể ngủ trước 1 giờ sáng như thời còn học sinh. Để cải thiện sức khỏe, Vũ đã tham gia các “thử thách ngủ” ở trên mạng để tìm lại nếp sinh hoạt lành mạnh. Đồng thời, anh cũng thuê những người “gửi tin nhắn chúc ngủ ngon” ở trên mạng để nhắc mình lên giường đúng giờ.
Thực tế, mất ngủ, thiếu ngủ đang là tình trạng chung của rất nhiều người trẻ trong xã hội. Vì vậy, có rất nhiều hội nhóm trên mạng trở thành một cộng đồng chia sẻ bí quyết ngủ sớm, các thành viên trong nhóm khuyến khích nhau ngủ đủ giấc mỗi ngày. Lấy ví dụ, ngay trước thềm kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 vào tháng 9 vừa qua ở Việt Nam, các sự kiện “ngủ xuyên 4 ngày lễ”, “nghỉ lễ không làm gì”... liên tục được nhắc đến trên các trang mạng xã hội. Trong đó, sự kiện mang tên “Thử thách ngủ xuyên 4 ngày nghỉ lễ” đã có 11 nghìn người bấm quan tâm và tham gia.
Một giấc ngủ đủ giúp nâng cao sức khỏe cho mỗi người. Ngủ ít quá, hay nhiều quá đều ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất con người. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Đại học California và Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 1 triệu người từ trẻ đến già. Cụ thể là từ 30 đến 102 tuổi trong vòng 6 năm bằng việc ghi lại thời gian ngủ của mỗi người và chia thành các nhóm. Tất cả mọi người được chia thành các nhóm: là nhóm ngủ ít, nhóm ngủ bình thường, nhóm ngủ nhiều. Người thuộc nhóm ngủ đủ sẽ ngủ từ 6 - 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, người ngủ ít là người ngủ ít hơn 4,5 tiếng. Còn người ngủ từ 9 tiếng trở lên sẽ được xếp vào nhóm ngủ nhiều. Căn cứ vào kết quả, họ phát hiện người duy trì được thói quen ngủ 6 - 8 tiếng/ngày có tỉ lệ tử vong thấp. Nhất là người dành 6,5 - 7,4 giờ cho việc ngủ có tỉ lệ thấp nhất. Ở những người dành 4,5 giờ cho việc ngủ đổ xuống, tỉ lệ tử vong có dấu hiệu tăng cao. Không chỉ có vậy, người ngủ nhiều cũng có kết quả tương tự.