Người Việt trẻ: Vì sao thích “đi bụi” hơn phát triển sự nghiệp?

(PLVN) - Những năm gần đây, câu chuyện người trẻ bỏ việc, xách ba lô lên đi du lịch bụi, tự trải nghiệm cuộc sống ngày càng nhiều. Phải chăng, đang có sự chuyển dịch trong quan điểm về giá trị cuộc sống của họ?
Chàng trai trẻ Khải Hoàn bỏ việc đi khám phá các vùng đất lạ (Ảnh của nhân vật)
Chàng trai trẻ Khải Hoàn bỏ việc đi khám phá các vùng đất lạ (Ảnh của nhân vật)

Những người trẻ đi khắp thế giới

Phan Khải Hoàn là chủ nhân của Youtube mang tên Fahoka Xê Dịch được thành lập vào năm 2018. Trên kênh Youtube của mình, Hoàn mô tả lại cuộc hành trình qua nhiều nước, phản ánh chân thật đời sống, văn hóa, ẩm thực những vùng đất anh đã đi qua… Điều này đã thu hút một lượng lớn những người theo dõi trang Youtube này.

Sau 4 năm làm việc ở một văn phòng công ty, năm 2017, chàng trai này quyết định bỏ việc, lên đường đi chu du. Cho đến nay, Khải Hoàn đã đi trên 50 quốc gia tại châu Á và một số nước thuộc các châu lục khác. Kinh phí chuyến đi Khải Hoàn lấy từ việc viết blog, thu nhập trên mạng, kinh doanh sản phẩm lưu niệm… 

Khải Hoàn không phải là người trẻ duy nhất chọn con đường “bỏ việc để đi bụi”. Trong những năm gần đây, có rất nhiều bạn trẻ như thế. Xuất phát điểm, họ là những người trẻ học hành hẳn hoi, ra trường, xin đi làm, có công việc ổn định. Nhưng một ngày, họ bỗng nhiên nung nấu giấc mơ bỏ việc, sống cuộc đời của một kẻ phiêu lưu.

Không chỉ là các chàng trai, mà ngay cả các cô gái cũng thế. Nguyệt Ánh, một cô gái trẻ ở TP HCM cũng được nhiều bạn trẻ biết đến vì đã quyết định bỏ việc 1 năm để du lịch khắp châu Á. Một cô gái trẻ khác, Thanh Hoài, cũng ở TP HCM cũng đã nghỉ việc để lang thang khắp châu Mỹ.

Rất nhiều người trẻ thích đi du lịch, độc hành trên những chẳng đường phiêu lưu của mình. Có người lấy số vốn tích lũy sau nhiều năm đi làm, có người đi chỉ với ít tiền trong túi, vừa đi vừa xin ăn ké, ở nhờ, vừa đi vừa lao động kiếm sống và đi.

“Đi bụi” nên lựa chọn của họ không phải những khác sạn sang trọng, tươm tất hay khu nghỉ dưỡng mà là những căn phòng trọ chật hẹp, ở nhờ nhà dân bản địa, ngủ ga tàu, xe, máy bay hay căng lều ở ngoài trời. Hành trình của họ trải qua không ít gian lao, có khi nắng thiêu đốt, có khi là vùng đất lạnh kinh người…

Họ đi chuyển đường bộ, tàu lửa hay xe máy… Nhưng trong tất cả những vất vả ấy chứa đựng sự thách thức, niềm say mê được đặt chân đến những vùng đất xa lạ, gặp gỡ những con người xa lạ, trải nghiệm nhiều điều mới mẻ… cứ thôi thúc họ tiếp tục đi.

Mới đây, một bạn trẻ chia sẻ câu chuyện mình gặp trên đường du lịch: Một bà cụ Việt trên 70 tuổi “trốn” con cái, một mình đi du lịch tự túc nhiều tỉnh Thái Lan. Bà cụ tự lên mạng mua vé, tìm hiểu cách thức đi lại, đặt phòng, ăn ở… Bởi vì bà đã hy sinh cả tuổi trẻ cho gia đình, con cái và về già bỗng nhiên muốn thực hiện một chuyến “đi bụi” của đời mình. Câu chuyện đã khiến nhiều bạn trẻ ngỡ ngàng, thích thú. Và họ lại có thêm động lực để “còn sức là còn đi”.

Căn nhà hay những con đường?

Gần đây, một tranh luận về quan điểm sống mới của người trẻ cũng đã nổ ra: Nên đi để khám phá đời sống mênh mông hay nên chăm chỉ làm lụng, tích lũy cho tương lai. Những bạn trẻ thuộc phái “tích lũy” cho rằng, người trẻ thì nên có chí tiến thủ, chịu khó làm lụng, tích lũy tiền bạc cho tương lai, giúp đỡ gia đình…

Ngược lại, các bạn trẻ đề cao việc “dám đi” thì cho rằng, tuổi trẻ ngắn ngủi, nếu chôn vùi vào văn phòng, vào công việc, vào mục tiêu kiếm tiền thì sẽ không biết đến những chân trời bao la khác. “Hãy đi khi còn trẻ” là quan điểm mà những người “yêu xê dịch” đưa ra.

Căn nhà và những chuyến đi, con đường là hai chủ thể được họ lấy ra để so sánh, tranh biện: Chọn làm lụng, tích lũy để có thể mua cho mình một căn nhà, an cư lạc nghiệp, hay chọn những con đường mới để mở rộng tầm nhìn? Cuộc tranh luận này cũng kéo theo ý kiến trái chiều của nhiều thế hệ khác nhau. 

Không thể phủ nhận, “xê dịch” đã trở thành một quan điểm sống và ngày càng nhiều người trẻ yêu thích, lựa chọn. Ở thời điểm trước đây, với những thế hệ trước khi mà đời sống còn khó khăn, gánh nặng cơm áo, mưu sinh còn oằn lên vai, thì mục tiêu của giới trẻ đặt ra như là việc kiếm tiền, chu toàn đời sống, tạo dựng sự nghiệp. Thế nhưng, giờ đây, đời sống trở nên phát triển, dư dả hơn, cùng với sự du nhập nhiều trào lưu, các tư tưởng phương Tây đã khiến nhân sinh quan của người trẻ thay đổi rất nhiều. 

Có lẽ, cả tích lũy hay xê dịch, căn nhà hay những chuyến đi không có lựa chọn nào đúng và sai hoàn toàn. Điều quan trọng là người trẻ đặt ra cho mình ước mơ, mục tiêu như thế nào. Quan trọng không kém cũng là lựa chọn cách đi. Cắm đầu vào làm lụng, hy sinh tất cả cho sự nghiệp, không ít người đi qua tuổi trẻ và giật mình thấy đời sống mình quá đơn điệu, chẳng biết đi đâu về đâu.

Cũng không ít người trẻ “ra đi để trở về” sau khi thỏa chí tung hoành, tìm ra hoài bão của mình. Nhưng cũng không ít bạn trẻ, chọn những cách đi liều lĩnh, để rồi hủy hoại bản thân trên những cung đường tử thần. Và có những người trẻ chấp nhận chưa vội đi xa, làm nên những công trình khởi nghiệp đáng nể, hữu ích cho mình, gia đình và cộng đồng.

Vậy thì tích lũy hay du lịch, căn nhà hay con đường không phải là câu chuyện của quan điểm, của trào lưu. Đó có lẽ là lựa chọn của trái tim, khi những người trẻ lắng nghe và hiểu chính mình.