Nói là tái cấu trúc các tập đoàn, TCty, DNNN nhưng chẳng ai hiểu sẽ phải làm gì, đến đâu, chi phí ra sao và “ăn theo” các vấn đề của tái cấu trúc ấy có cần phải tái cấu trúc các vấn đề liên quan đến bộ máy quản lý, thể chế, chính sách khác không…? Đó là những câu hỏi mà theo TS. Lê Đăng Doanh- Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vẫn chưa có phương án rõ nét….
[links()]Nói là tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty (TCty),doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng chẳng ai hiểu sẽ phải làm gì, đến đâu, chi phí ra sao và “ăn theo” các vấn đề của tái cấu trúc ấy có cần phải tái cấu trúc các vấn đề liên quan đến bộ máy quản lý, thể chế, chính sách khác không…? Đó là những câu hỏi mà theo TS. Lê Đăng Doanh- Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vẫn chưa có phương án rõ nét….
- Thưa ông, việc tái cấu trúc các doanh nghiệp (DN) hiện nay làm còn rất chậm và gần như chưa tính tới việc cần chi phí bao nhiêu để tái cấu trúc DN, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Đúng là cho đến nay có một câu hỏi mà chưa ai trả lời và cũng chưa có báo cáo nào nêu lên là tái cấu trúc sẽ tốn kém bao nhiêu? Trong khi thực tế hiện nay cho thấy, ngân hàng đang tồn tại nhiều khoản nợ, bất động sản đang đóng băng, rất nhiều DN khó khăn, thị trường chứng khoán vẫn đang trong tình trạng suy giảm, nhiều DNNN nợ nần…Những tồn tại đó chẳng ai có thể đưa ra những con số đầy đủ và cụ thể. Chính vì thế, đã đến lúc cần cần có những tính toán nghiêm túc để có số vốn bắc cầu, vốn mồi để có thể mua lại nợ xấu của các DN. Những DN nào lành mạnh, có thị trường, có công nghệ, có sản phẩm và có quản lý tốt nhưng lại bị “chết oan” vì lãi suất quá cao thì cần phải có cơ chế cứu vãn họ.
Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, trong khi lãi suất ở nước ta trên 20% thì tại Nhật Bản chỉ là 1,7%- 2%, lãi suất ở Mỹ là 3%. Hoặc ngay cả với Thái Lan, Singapor, lãi suất của hai nước này cũng không quá 5%. Điều đó cho thấy, cùng với khó khăn của khủng hoảng, lãi suất cao cũng làm cho các DN Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các DN nước ngoài.
- Theo ông, lý do nào khiến cho việc tái cấu trúc DN đang có dấu hiệu bị chậm phải chăng chúng ta vẫn chưa định hình được cần phải tái cấu trúc DN như thế nào?
- Nói đến tái cấu trúc tức là muốn chuyển trạng tái từ điểm “A” sang điểm “B”. Muốn làm được điều đó cần phải biết điểm “A” nằm ở đâu, các biểu hiện của nó như thế nào, là cái gì? Sau đó cần phải biết điểm “B” là cái gì, tiêu chí và quỹ đạo từ điểm “A” đến điểm “B” cần đi qua những bước nào? Nếu làm được điều đó thì chúng ta mới có thể tái cấu trúc được.
Thực tế cho thấy, hiện nay bức tranh điểm “A”- điểm cần tái cấu trúc lại là hoàn toàn không rõ, không ai nói rõ được với DNNN, với các ngân hàng cần làm ra sao hay chỉ là “úp úp, mở mở”, không cụ thể. Hoặc ngay cả muốn tái cấu trúc DN được phải xác định được điểm cần tái cấu trúc và các tiêu chí, lộ trình ra sao… tất cả những điều ấy vẫn còn chưa rõ nét.
Chính những lý do nêu trên dẫn đến, hàng loạt các báo cáo đưa ra thời gian qua nói về vấn đề tái cấu trúc, thực chất mới chỉ là việc sắp xếp lại, là chuyện cũ ôn lại, những việc đã làm từ 30 năm nay và đã rất nhàm chán thế nhưng đến nay lại đặt ra cần phải tái cấu trúc. Trong khi đó, các vấn đề hiện nay chúng ta cần phải giải quyết là các DNNN cần làm những gì, những cái gì không cần làm? Hơn nữa, việc quản trị của DNNN theo tiêu chí, chuẩn mực nào? Cũng cần được đình hình phù hợp hơn.
- Vậy xử lý các vấn đề cấp bách đặt ra của tái cấu trúc DN nói riêng và các vấn đề khác liên quan theo ông cần được thực hiện ra sao thời gian tới?
- Trong vấn đề công khai minh bạch, vừa qua có một loạt các tập đoàn kinh tế cam kết cắt giảm, truyền thông “rùng beng” là sẽ cắt giảm 5% hay 10% nhưng chẳng ai biết được 5% hay 10% đó là của cái gì, ai xác định, không ai biết rõ mẫu số của nó ra sao. Nếu như vậy sẽ xẩy ra tình trạng cam kết một cách tùy tiện, không có một hạn mức và cũng không ai kiểm soát được việc đó. Qua đó cho thấy, những động thái ấy vẫn chưa đi vào thực chất của việc tái cấu trúc.
Muốn tái cấu trúc được các DNNN, việc xác định chủ sở hữu sẽ là ai, nội dung của chủ sở hữu là gì, cần được thể hiện rõ ràng. Còn khi có chủ sở hữu nhưng nhân sự lại được quyết định bởi một lực lượng khác thì có còn phù hợp không? Bản thân chủ sở hữu phải tự xác định được nhân sự phù hợp cho mình, bởi chính những người đó sẽ đại diện cho quyền lợi ích của chủ sở hữu.
Những vấn đề nêu trên có sự liên quan rất mật thiết. Cụ thể như khi tái cấu trúc các ngân hàng thì liệu các ngân hàng đó có liên quan đến các DNNN không trong khi các DNNN có những khoản nợ rất lớn. Hoặc như tái cấu trúc đầu tư liệu có liên quan đến DNNN không? Ngoài ra, còn một lĩnh vực mà chưa có đề án cho tái cấu trúc là cần tái cấu trúc thể chế kinh tế, bộ máy quản lý. Ví như tính đến việc tái cấu trúc đầu tư, chắc chắn không thể không điều chỉnh Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và phải xây dựng pháp luật đầu tư công.
Những nội dung cơ bản của tái cấu trúc nói trên cũng đang còn là ẩn số. Thậm chí đến nay, thiếu vấn đề quan trọng nhất mà chưa ai bàn tới là tái cấu chúc bộ máy Nhà nước, luật pháp và thể chế. Nếu tái cấu trúc các ngân hàng thương mại thì ngân hàng nhà nước có thấy đổi gì? Tái cấu trúc xong lại đặt ra cần phải có cơ quan giám sát đầy đủ. Trong khi đó, cơ quan giám sát ngân hàng hiện nay là độc lập, giám sát tài chính riêng, giám sát chứng khoán riêng. Nếu để tình trạng “mỗi ông làm mỗi mảnh” chẳng khác nào “các thầy bói sờ voi”.
Cấp bách đặt ra lúc này là rất cần có một đề án tái cấu trúc thể chế nhà nước, luật pháp và các quy chế nhà nước. Nếu không có nó, chúng ta sẽ không thể thực hiện các đề án tái cấu trúc khác được. Sắp tới đây sẽ có các kiến nghị được trình lên Quốc hội về một đề án tái cấu trúc tổng thể bao gồm các lĩnh vực và có bổ sung thêm lĩnh vực tái cấu trúc thể chế nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!
• Hồng Anh (thực hiện)