Mở ra hướng đi mới kết nối mạng lưới trí thức kiều bào
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là một bộ phận của đội ngũ trí thức Việt Nam. Nghị quyết khẳng định, đa số trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc; nhiều người đã về nước làm việc, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Trong số những nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được nêu rõ trong Nghị quyết có xây dựng chính sách thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới... Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc về vị trí, vai trò của các hội trí thức, đặc biệt là Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học và nghệ thuật, trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết trí thức ở trong nước và trí thức NVNONN.
Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN - Bộ Ngoại giao, ước tính, hiện nay, trong tổng số 5,3 triệu NVNONN, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng hơn 10%, tương đương khoảng 600.000 người, bao gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt ở sở tại, tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây. Trong xu hướng phát triển chung của cộng đồng NVNONN, lực lượng trí thức NVNONN tăng nhanh về lượng và chất, ngày càng thành đạt, có uy tín ở sở tại, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Với lợi thế được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, có kinh nghiệm thực tiễn, làm việc trong môi trường khoa học, công nghệ phát triển cao, đặc biệt có quan hệ sâu rộng ở nước sở tại cũng như trên thế giới, trí thức kiều bào ta ở nước ngoài là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức.
Đặc biệt, trong khoảng 15 năm trở lại đây, trí thức NVNONN đã và đang liên kết, tập hợp dưới hình thức các tổ chức hội, đoàn để phát huy sức mạnh tập thể, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng. Sự kết nối giữa người Việt trên toàn cầu đang tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác ngày càng linh hoạt cho các chuyên gia trong và ngoài nước khi tham gia vào các dự án, chương trình nằm trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.
Ngoài ra, đây là bước tiến quan trọng trong công tác thu hút nguồn lực trí tuệ của NVNONN, mở ra một hướng đi mới, không chỉ kết nối các chuyên gia, trí thức ở các nước lại với nhau để giao lưu, đóng góp về khoa học, học thuật mà còn kết nối mạng lưới trí thức kiều bào với các cơ quan, nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu trong nước.
Chính sách vẫn thiên về trọng đãi hơn trọng dụng
Thời gian qua, công tác vận động NVNONN, đặc biệt là các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học NVNONN ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, trong đó có nội dung về thu hút nguồn lực trí thức kiều bào. Các chính sách này, cùng hệ thống các chính sách liên quan đến quốc tịch, đầu tư, nhà đất… thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước đối với nguồn lực của cộng đồng NVNONN nói chung và lực lượng trí thức nói riêng. Các cơ quan xây dựng chính sách trong nước ngày càng quan tâm đến những nguyện vọng, lợi ích thiết thân của kiều bào, tạo điều kiện tối đa khi họ về nước hợp tác giảng dạy, chuyển giao khoa học - công nghệ.
Về phía các địa phương, công tác thu hút nguồn lực trí thức kiều bào cũng đã được đẩy mạnh. TS. Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT TP Đà Nẵng cho biết, đi đôi với việc phát triển tốt các nguồn lực trong nước, lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm, đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh và tìm mọi cách để phát huy vai trò của cộng đồng NVNONN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển TP. Một giải pháp nổi bật là việc TP Đà Nẵng hỗ trợ các trường đại học, đặc biệt là Đại học Đà Nẵng triển khai một số chính sách nhằm thu hút cán bộ, trí thức kiều bào về giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
GS.TS. Nguyễn Quốc Sỹ, Đại học Năng lượng Quốc gia Moscow (Nga), Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT khẳng định, xuất phát từ tình yêu và trách nhiệm với đất nước, trí thức kiều bào luôn mong muốn được đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của bản thân, ông Nguyễn Quốc Sỹ chỉ ra rằng, trí thức kiều bào về nước làm việc không phải vì chính sách lương bổng, đãi ngộ nhà cửa… mà là vì mong muốn được cống hiến cho sự phát triển nước nhà. “Chúng tôi cần không chỉ có đồng lương mà chúng tôi cần có những nhiệm vụ khoa học công nghệ. Nếu về nước với mức lương rất cao và một ngôi nhà rất to mà không có nhiệm vụ để làm thì chúng tôi vẫn sẽ lại ra đi”, GS.TS. Nguyễn Quốc Sỹ cho hay.
|
GS. TS Nguyễn Quốc Sỹ |
Ủy ban Nhà nước về NVNONN cũng cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong việc triển khai các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng cán bộ trí thức kiều bào. Điển hình, về xây dựng chính sách, các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh, vẫn thiên về trọng đãi hơn là trọng dụng và nhiều chế độ ưu đãi hiện nay không ̣còn phát huy hiệu quả. Về tổ chức thực hiện chính sách, ở một số nơi, một số cấp, thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cũng là rào cản đối với sự nhiệt tình đóng góp của trí thức kiều bào cho đất nước. Do đó, nhiều trí thức vẫn còn băn khoăn, nghi ngại, chưa yên tâm về làm việc lâu dài ở Việt Nam, thậm chí có một số trường hợp đã về nước làm việc ổn định nhưng lại phải trở ra nước ngoài.
Ngoài ra, môi trường làm việc chưa phù hợp, điều kiện cơ sở vật chất của trong nước còn hạn chế; khác biệt về thể chế; các thông tin, ý kiến đóng góp và tư vấn của chuyên gia, trí thức kiều bào chưa được cơ quan chức năng nghiên cứu một cách nghiêm túc, có hệ thống và thường không có trao đổi, phản hồi hoặc tiếp thu, sử dụng có hiệu quả… cũng khiến việc thu hút, trọng dụng cán bộ trí thức kiều bào chưa đạt kết quả như mong đợi.
Triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút trí thức kiều bào
Trong thời gian tới, Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho rằng, công tác thu hút nguồn lực tri thức kiều bào cần tập trung vào các nội dung như khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển bền vững. Về đối tượng vận động, thu hút, bên cạnh việc duy trì liên hệ, hợp tác với các trí thức, chuyên gia giàu kinh nghiệm, cần tiếp tục mở rộng tới thế hệ trí thức trẻ NVNONN, bao gồm cả lực lượng du học sinh và con em kiều bào thế hệ thứ hai, thứ ba ở sở tại. Về cách thức triển khai, cần tăng cường thu hút nguồn lực chất xám của kiều bào “từ xa”, gián tiếp thông qua các hình thức như giảng dạy ngắn hạn, tư vấn, chuyển giao công nghệ cao, làm cầu nối mời chuyên gia quốc tế đến Việt Nam, thay vì phải quay về Việt Nam làm việc dài hạn.
GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ kiến nghị cần thể hiện rõ sự trân trọng, lắng nghe, đánh giá khách quan, khen thưởng kịp thời, có chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm ghi nhận những thành quả thiết thực mà trí thức kiều bào đem lại cho xã hội và đất nước. Cùng với đó, cần cải tổ bộ máy tổ chức, quản lý hệ thống khoa học và tập hợp, thu hút trí thức, trong đó có trí thức kiều bào theo hướng gọn nhẹ, chuyên sâu. “Chúng ta cần nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước trong thu hút, tập hợp lực lượng trí thức, đồng thời phải có chiến lược hợp tác chặt chẽ, sâu rộng và hiệu quả với các quốc gia phát triển có tiềm lực tri thức của thế giới; trong hợp tác với các nước phát triển, hết sức chú ý sử dụng vai trò cầu nối của lực lượng trí thức kiều bào”, ông Nguyễn Quốc Sỹ nhấn mạnh.
Đồng thời, GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ cũng kiến nghị tập trung mọi nguồn lực của đất nước, của xã hội cho phát triển khoa học công nghệ, trong đó phải lấy tiêu chí hiệu quả ứng dụng lên hàng đầu. “Đất nước còn nhiều khó khăn nên không thể đầu tư cho khoa học công nghệ và phát triển, đào tạo nguồn lực trí thức một cách dàn trải mà phải có trọng tâm, trọng điểm”, ông nói.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, các cấp, các ngành cần có một chiến lược, với những giải pháp cụ thể để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút kiều bào về nước tham gia đóng góp xây dựng đất nước, đặc biệt là trên các lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác về NVNONN phải thực sự “đúng vai”, nhất quán, giảm thiểu chồng chéo về chức năng, đồng thời có sự liên thông, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan.