Nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thiên tai, thời tiết, Ban chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản ứng phó với bão, mưa lũ trong 10 ngày tới.
Bão Kompasu hướng vào Biển Đông. Ảnh: Tổng cục Khí tượng Thủy văn
Bão Kompasu hướng vào Biển Đông. Ảnh: Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Theo báo cáo nhanh tại cuộc họp giao ban công tác trực phòng chống thiên tai sáng 11/10, vùng áp thấp sau bão số 7 gây mưa to đến rất to ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Đến 6h ngày 11/10 các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình chưa ghi nhận thông tin thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

Trong khi đó, bão số 8 cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 300km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và mạnh thêm.

Để ứng phó với bão số 8 đang diễn biến nhanh Phó trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT - Trần Quang Hoài yêu cầu ca trực, các bộ phận chuyên môn tiếp tục theo dõi lượng mưa, lũ trên các sông, rà soát đê, kè biển, sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường, chuẩn bị chi tiết các kịch bản có thể xảy ra đồng thời cũng tổng kết đánh giá rút kinh nghiệp ứng phó với bão số 7.

Trước diễn biến của mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và bão KOMPASU vào biển Đông, nguy cơ xảy ra tình huống thiên tai nguy hiểm (bão chồng bão, lũ chồng lũ) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp. Ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai yêu cầu các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thiên tai, thời tiết, Ban chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản ứng phó với bão, mưa lũ trong 10 ngày tới.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin sớm về mưa lũ sau bão số 7 và cơn bão KOMPASU; xác định khu vực nguy hiểm trên biển để hướng dẫn tàu thuyền.

Các đơn vị cần chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng tình huống bị chia cắt; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, khu vực khai thác khoáng sản.

Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó bão và dịch bệnh COVID-19. Và duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.

Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Đọc thêm