Nguy cơ đồng nhiễm cúm và COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đồng nhiễm COVID-19 và cúm được ví như “quả bom kép” tàn phá hệ miễn dịch và hệ hô hấp, thậm chí là tử vong, nhất là đối tượng có nguy cơ cao như: người có bệnh nền, phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Đâu là cách ứng phó thông minh trong trường hợp này?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều triệu chứng giống nhau

Các chuyên gia y tế cảnh báo, đồng nhiễm cúm và COVID-19 có nguy cơ xảy ra vào cuối năm nay, gây ra những hậu quả nghiêm trọng: tăng nặng tổn thương phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, tổn thương tim, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Phạm Thái Sơn – Phó trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh cho hay, cúm ở người có 4 chủng A, B, C, D (phổ biến là cúm A và B). Thời tiết hiện tại rất thuận lợi cho lây truyền bệnh cúm, đặc biệt sau một thời gian ít tiếp xúc do các biện pháp dự phòng COVID-19, khi tiếp xúc trở lại dịch bệnh cúm có cơ hội xuất hiện và bùng thành dịch.

Theo PGS. TS. Bác sĩ Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh, cảm cúm chỉ thoáng qua 1, 2 tuần, triệu chứng thường nhẹ, gần như không gây tử vong. Vì thế, chỉ cần uống thuốc cảm thông thường hay uống nhiều nước trái cây là đỡ. Miền Nam bệnh cúm diễn biến quanh năm, miền Bắc thường xảy ra vào mùa đông. Đường lây truyền của bệnh cúm qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn, hoặc lây truyền gián tiếp qua không khí. Biến chứng chủ yếu của bệnh là viêm phổi, bùng nhiễm trùng ở người mắc bệnh tiểu đường... Đường lây truyền bệnh COVID-19 cũng tương tự như vậy, tuy nhiên thời gian ủ bệnh và mắc bệnh COVID-19 dài hơn rất nhiều (thậm chí sau 6 tháng, 1 năm vẫn còn triệu chứng).

Cũng theo bác sĩ Trần Văn Ngọc, cúm tỷ lệ tử vong rất thấp (0,1 - 0,2%), nhưng lại đặc biệt cao ở những người lớn tuổi (sau 65 tuổi trở lên) và những người mắc bệnh nền. Đối với những người cao tuổi, mắc bệnh nền, COVID-19 gây ra các triệu chứng khó thở, phải thở máy và phản ứng viêm trong cơ thể nhiều hơn, đặc biệt liên quan đến đường tiêu hóa (nôn, mửa).

Theo chuyên gia y tế, hai bệnh này gần như không thể phân biệt nếu chỉ dựa vào triệu chứng vì triệu chứng gần giống nhau, cả COVID-19 và cúm đều dẫn đến mất vị giác, ăn không ngon... Các bác sĩ có kinh nghiệm khi khám bệnh có thể nghi ngờ nhiều về cúm hay COVID-19, song phải làm các test có thể chẩn đoán chính xác về bệnh.

Thận trọng khi điều trị

Thời gian gần đây, qua công tác thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Phạm Thái Sơn phản ánh, có không ít trường hợp bị đồng nhiễm COVID-19 và cúm hoặc sốt xuất huyết (SXH). Trong trường hợp đó, khi điều trị phải quan tâm vấn đề chính của bệnh nhân là gì, không chỉ điều trị một hướng mà phải điều trị toàn diện, xác định vấn đề nào cần ưu tiên điều trị trước.

“Hiện tại, các trường hợp bệnh nhi mắc SXH ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam rất nặng, số lượng lớn, có trường hợp đã tử vong, do đó vấn đề SXH đặt lên trên. Có thể, trước đó bệnh nhân đã mắc COVID-19 có những kháng thể, hiện tại tiếp nhận thêm kháng nguyên mới, tỷ lệ tăng viêm nhiều hơn dẫn đến bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, cần phải có các nghiên cứu sâu hơn về dịch tễ và lâm sàng học mới có thể trả lời được câu hỏi này” – bác sĩ Sơn nhận định.

PGS. TS Trần Văn Ngọc cho biết thêm, người lớn mắc SXH phức tạp hơn trẻ em rất nhiều, đặc biệt các trường hợp mắc bệnh nền (tiểu đường, huyết áp cao), sử dụng nhiều kháng sinh rất nguy hiểm.

Thực tế, đa số bệnh nhân cúm và COVID-19 điều trị tại nhà. Nếu trong trường hợp đồng nhiễm cả hai bệnh, họ cần xử trí thế nào? Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Trần Văn Ngọc khuyến cáo, khi bị mắc COVID-19 hay cúm, chúng ta chỉ sử dụng các phương pháp nâng đỡ như: giảm đau, hạ sốt, tăng cường sức khỏe là chính, còn thuốc kháng COVID-19 là loại thuốc mới, được phê duyệt khẩn cấp, chưa được đánh giá độ an toàn và đầy đủ trên một số đối tượng (phụ nữ, trẻ em). Do đó, nó chỉ được sử dụng cho các đối tượng được chỉ định, chẩn đoán xác định bệnh nặng bệnh nền, có yếu tố nguy cơ tiến triển bệnh nặng. Còn đa phần không nên lạm dụng thuốc kháng virus, bởi các thuốc kháng virus, kể cả Tamiflu cũng có tác dụng phụ.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, có tới 60% bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp do đa tác nhân. Một bệnh nhân có thể tìm ra 4 - 5 tác nhân trên cơ thể, gây nên dịch bệnh phổi trong bệnh viện do chồng hết tác nhân này đến tác nhân khác, do kháng kháng sinh, nhiễm vi khuẩn, nấm bệnh viện. “Cũng vì thế, khi bị nhiễm cúm, COVID-19 hay đồng nhiễm các tác nhân khác nặng hơn và điều trị phức tạp hơn rất nhiều” – chuyên gia hô hấp khẳng định.

Đọc thêm