Nguy cơ khủng bố lan rộng tại Đông Nam Á

(PLO) - Ngày 9/7/2017, cảnh sát Indonesia thông báo vừa bắt giữ một đối tượng tình nghi là thành viên phiến quân Hồi giáo âm mưu đánh bom tại một số địa điểm ở Bandung - thủ phủ tỉnh Tây Java. 
Hiện trường phát hiện một nồi áp suất chứa đinh do Agus Wiguna chế tạo
Hiện trường phát hiện một nồi áp suất chứa đinh do Agus Wiguna chế tạo

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều các vụ tấn công xảy ra trong khu vực, vụ việc đã khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ khủng bố ngày càng lan rộng tại Đông Nam Á. 

Tự tạo bom, mưu khủng bố

Đối tượng bị bắt giữ trong vụ việc vừa qua có tên là Agus Wiguna, 21 tuổi, làm nghề bán hàng ăn. Agus Wiguna bị bắt giữ ngay sau khi xảy ra một loạt các vụ nổ tại căn hộ y thuê ở Bandung. Tại hiện trường, cảnh sát phát hiện một nồi áp suất chứa đinh và một số bom nồi áp suất đã phát nổ. Qua điều tra, cảnh sát đã xác định thiết bị gây nổ đều là bom tự tạo phục vụ các âm mưu tấn công khủng bố. Tuy nhiên, những quả bom này đã bị kích hoạt nhầm và không gây trường hợp thương vong nào. Cảnh sát Indonesia cũng phát hiện từ ngày 1/6, Agus Wiguna đã sử dụng các thông tin được thu thập từ một trang thông tin điện tử của một nhóm phiến quân phục vụ mục đích tự chế tạo bom.

Theo Cảnh sát trưởng thành phố Bandung, nghi can đã khai nhận có âm mưu đặt bom ở một số địa điểm công cộng ở thành phố, bao gồm 1 nhà hàng, 1 nhà thờ và 1 quán cà phê, điểm đến quen thuộc nổi tiếng của du khách. Theo đó, Cafe Bali là mục tiêu tấn công đầu tiên và âm mưu này sẽ được thực hiện trong ngày 16/7 tới. Hiện chưa rõ lý do khiến nghi can lựa chọn 3 địa điểm nói trên, song theo lời khai của tên này, các cuộc tấn công đều có chung mục tiêu nhằm vào người “không phải đạo Hồi”.

Nguy cơ có thật

Đánh giá về thực trạng khủng bố ở Indonesia so với các nước Đông Nam Á khác trong thời gian gần đây, các nhà phân tích cho rằng nguy cơ khủng bố ở các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là ở các nước như Indonesia, Malaysia và Philippines là tương tự nhau, bởi các phần tử khủng bố có mạng lưới rộng khắp và liên kết với nhau ở khu vực, cũng như có liên quan đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. 

Chính quyền Indonesia hiện đang quan ngại về nguy cơ gia tăng hoạt động của các phần tử thánh chiến tại quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống nhất trên thế giới. Bên cạnh đó là mối lo ngại đối với sự trở về của hàng trăm công dân nước này đã tới Syria để tham gia hỗ trợ IS. Thông qua Internet và các mạng xã hội, các đối tượng khủng bố đang tích cực tuyên truyền, vận động các tín đồ Hồi giáo tiến hành thánh chiến, đặc biệt là đối với các tín đồ trẻ tuổi. Hôm 26/6/2017, cảnh sát Indonesia đã tìm thấy hàng trăm cuốn sách có chứa các bức tranh và thông điệp cổ súy thánh chiến nhằm vào đối tượng trẻ em tại nhà của một nghi phạm bị bắt giữ do có liên quan tới vụ tấn công bằng dao làm một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng. 

Đề cập về nguy cơ này, Tư lệnh Quân đội Indonesia Gatot Nurmantyo khẳng định, hiện các mầm mống IS ở Indonesia đều đang trong trạng thái “ngủ”, song chúng có thể thức tỉnh bất cứ thời điểm nào để hành động nhằm đạt được mục đích. Hiện nhiều nhóm vũ trang ở nước này đã phối hợp với các tay súng có quan hệ với IS đang âm mưu một số kế hoạch tấn công, do đó cần nâng cao cảnh giác. Nhiều khả năng những tay súng có quan hệ với IS hiện có mặt tại thành phố bất ổn Marawi, miền Nam Philippines sẽ đặt chân đến Indonesia và cấu kết với đồng đảng khủng bố tại đây. Ông cho rằng “vòi bạch tuộc” của IS đã lan tới Đông Nam Á và đang ngày càng bám rễ sâu tại khu vực này.

Còn Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhận định: “Mối đe dọa mà chúng ta đang đối mặt đang ở rất gần. Không hành động không phải là một lựa chọn. Ngược lại, chúng ta cần phải có hành động cụ thể và nhanh chóng. Mối đe dọa khủng bố đang gây lo ngại không chỉ với sự tham gia các tay súng khủng bố nước ngoài mà còn cả yếu tố truyền thông xã hội. Do đó, sự hợp tác của các nước trong khu vực là điều rất cần thiết”. 

Đề cao cảnh giác

Để đối phó với nạn khủng bố, Indonesia đã thành lập Cơ quan chống khủng bố và Đội đặc nhiệm chống khủng bố Densus 88. Các cơ quan này hiện được đánh giá là hoạt động khá hiệu quả trong quá trình truy quét các phần tử khủng bố. Tuy nhiên, với nhiều hoạt động ngày càng tinh vi và nguy hiểm của các đối tượng khủng bố thì đây không chỉ là trách nhiệm của chính phủ, các cơ quan chống khủng bố mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội, mọi người dân cũng cần đề cao cảnh giác trước các đối tượng khủng bố, kịp thời phát hiện các dấu hiệu nghi vấn và báo cho cảnh sát. Về lâu dài, Chính phủ Indonesia mong muốn thông qua giáo dục, tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt những người trẻ tuổi không tham gia vào các tổ chức cực đoan, phi pháp.

Hiện nay, cuộc chiến chống khủng bố, trong đó đặc biệt là các đối tượng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang diễn ra rất quyết liệt. Bên cạnh việc sử dụng vũ lực để đánh bại các đối tượng này, các quốc gia - trong đó có Indonesia - đang tập trung ngăn chặn nguồn tài chính mà các tổ chức khủng bố có được để phục vụ hoạt động của mình. Ngày 29/6/2017, Indonesia đã đệ trình mong muốn trở thành thành viên chính thức của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Thế giới (FATF) nhằm chống lại nạn rửa tiền, tài trợ cho khủng bố và các mối đe dọa toàn cầu khác liên quan đến hệ thống tài chính toàn cầu. 

Theo các nhà phân tích, trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Đông nam Á, các nước cần phải tham gia vào một hệ thống hiệu quả để nhận diện và chống các hành động khủng bố. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan an ninh của mỗi nước cần phải đề cao cảnh giác, đồng thời phải chia sẻ thông tin tình báo, đặc biệt là các chiến binh trở về từ Syria và Iraq, cũng như chia sẻ những sáng kiến mới và hiệu quả trong việc ngăn chặn khủng bố và cực đoan. Hiện Indonesia, Philippines và Malaysia đang phối hợp tăng cường tuần tra đường biển để ngăn chặn tay súng IS vượt biên xâm nhập vào các nước này...

Đọc thêm