Nhiều thủy, hải sản chứa chất độc
Nhu cầu tiêu thụ hải sản trong mùa hè tăng mạnh cộng với sự quá tải của các khu du lịch khiến chất lượng thực phẩm ở các cơ sở, nhà hàng phục vụ tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo. Mới đây nhất, chiều ngày 11/7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết đã tiếp nhận một ca ngộ độc do ăn ốc lạ ở biển.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tê hết tay, chân, nói khó. Bệnh nhân chuyển biến nguy kịch rất nhanh và đã tử vong trên đường lên tuyến trên.
Tại Việt Nam chưa có thống kê chính xác các trường hợp ngộ độc hải sản, nhưng qua các cảnh báo về những ca tử vong do ngộ độc hải sản trên các phương tiện truyền thông cho thấy, con số này không hề nhỏ.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Viện Hải dương học Nha Trang đã nghiên cứu và công bố 39 loài sinh vật có chứa chất độc có khả năng gây chết người tại vùng biển nước ta. Trong đó có 22 loài cá, 1 loài mực tuộc, 2 loài ốc, 3 loài cua, 1 loài sam và 10 loài rắn biển.
Ngoài ra có hai loài cá nóc nước ngọt mới được phát hiện ở một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, tổng cộng có 41 loài sinh vật thủy, hải sản có chứa chất độc.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đưa ra khuyến cáo vùng ven biển nước ta có hai con vật rất giống nhau, đó là Sam và So.
Cả hai con này đều sống chủ yếu ở vùng ven biển, trong các vịnh, đầm nước mặn và các cửa sông, hình thù giống hệt nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Cũng vì vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra ngộ độc chết người do nhầm con So với con Sam và ăn trứng của nó.
Chất độc giết người trong loài So biển là Tetrodotoxin, một chất cực độc giống độc tố của cá nóc. Những vụ ngộ độc thức ăn do Tetrodotoxin thường rất nặng. Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Điều cần chú ý là chất độc này không bị nhiệt phá huỷ, chịu được nhiệt độ cao nên dù đun sôi, phơi khô hay sấy khô, chất độc vẫn tồn tại. Do đó thức ăn được đun nấu chín, nướng chín hay phơi khô ăn đều nguy hiểm.
Theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc thực phẩm xuất phát từ 2 nhóm nguy cơ. Thứ nhất do vi khuẩn có trong thực phẩm ôi thiu. Thời gian đầu hè, nhiệt độ và độ ẩm trong không khí cao là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn phát triển, đặc biệt là thực phẩm làm từ động vật hay hải sản do giàu đạm, không được bảo quản đúng cách. Nhóm còn lại ngộ độc do độc tố chứa sẵn trong thực phẩm, thường xảy ra ngộ độc do ăn hải sản lạ, không biết rõ nguồn gốc.
Không nên ăn hải sản chưa nấu chín
Điều nguy hiểm nhất là một số người có sở thích ăn các loại thực phẩm mới, lạ, thích ăn các loại hải sản tái, chưa được nấu chín mà không biết đây là thói quen cực kỳ nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên ăn các loại hải sản chưa được nấu chín. Trong những chuyến du lịch, du khách chỉ nên chọn mua và sử dụng hải sản tại các nhà hàng có uy tín.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, biện pháp phòng, tránh ngộ độc thực phẩm tốt nhất là thực hiện ăn chín, uống sôi. Bởi lẽ, nhiều thực khách khoái khẩu với món lẩu hải sản, nhưng khi nhúng vào nước sôi, thực phẩm chỉ chín tái nên nguy cơ ngộ độc vẫn còn. Ngoài ra, người dân không nên ăn những món hải sản đã chế biến từ lâu, không nên ăn hải sản ở vùng có thủy triều đỏ.
Đồng thời, không chọn mua hải sản, tôm, cua, sò, ốc, hến đã chết vì hải sản chết càng lâu, lượng histamin sinh ra càng nhiều, ăn vào càng dễ bị dị ứng gây ngộ độc. Đặc biệt, đối với những hải sản lạ, chưa từng ăn thì mọi người phải thận trọng vì có thể chứa chất độc nguy hiểm.
Trong trường hợp ngộ độc hải sản, cần loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt, đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý, can thiệp kịp thời./.