Đang nghi oan án, lại “mở rộng” sang cả người thân
Ngày 23/12/2021, Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT, Thượng tá Nguyễn Văn Cung ký Văn bản 4618 gửi các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan tổ chức cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử.
Nội dung yêu cầu: “Hiện Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng đang điều tra vụ án hình sự Huỳnh Thị Châu – Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn quận Cẩm Lệ, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự 31/QĐ-VPCQCSĐT ngày 4/05/2021”.
“Để phục vụ điều tra, Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Đà Nẵng rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu các hợp đồng dân sự, kinh doanh thương mại được công chứng (còn hiệu lực pháp luật) của các cá nhân là bà Huỳnh Thị Châu, ông Tán Kim Lâm (chồng bà Châu) và Tán Huỳnh Kim Huy (con trai bà Châu). Cung cấp bản sao hợp đồng có đóng dấu mộc đỏ của cơ quan cung cấp”.
Văn bản 4618 vẫn do Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng, Thượng tá Nguyễn Văn Cung ký. |
Đánh giá về động thái trên, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nói: “Cá nhân bà Châu đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đang bị điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong một vụ việc mà các chuyên gia pháp lý đều đánh giá là “hình sự hóa quan hệ dân sự”. Thế nên sau khi báo chí phản ánh, Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng lại thu thập hợp đồng dân sự, kinh doanh của chồng và con trai bà Châu lại càng cho thấy đánh giá của các chuyên gia pháp lý là có cơ sở. Tất nhiên CQĐT có quyền mở rộng điều tra nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, và quyền này phải được tôn trọng. Thế nhưng CQĐT cần mời, triệu tập những người nghi vấn, chứ không nên có động thái như vậy”.
Một bất thường khác, trước đó, trong văn bản ngày 21/12/2021 gửi Báo PLVN, Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng cho rằng “không được tiết lộ bí mật điều tra”. Nhưng cũng trong văn bản này, Công an Đà Nẵng lại ghi về nhân thân bà Châu như sau: “Tiền án: Năm 2013 bị TAND Cẩm Lệ xử phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Cung cấp sai thông tin về bị can
Bà Châu có tiền án hay không? Vì sao Công an Đà Nẵng lại cung cấp thông tin này cho báo chí?
Ngay lần đầu làm việc với PV, bà Châu đã không ngần ngại kể về lần vi phạm pháp luật và bị tòa kết án hồi 2013. “Tôi có gì thì tôi kể hết, không giấu giếm”, bà Châu nói.
Bà Châu kể, vào những năm 2012 – 2013, khi làm hồ sơ đáo hạn ngân hàng, bà có tham gia làm giả một số chứng từ. “Tôi scan một số hóa đơn, chứng từ từ trên mạng xuống để đưa vào hồ sơ chứng minh khả năng tài chính, khả năng thanh toán. Năm 2013, tôi bị khởi tố, truy tố, bị tuyên 2 năm tù cho hưởng án treo về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Vụ án này tôi khẳng định CQĐT đã điều tra, VKS truy tố, tòa xét xử đúng người đúng tội, tôi không oan”, bà Châu kể.
Theo Bản án 50/2013/HSST của TAND Cẩm Lệ, bà Châu bị tuyên 2 năm tù treo và thử thách 2 năm, phải nộp án phí 900 nghìn đồng.
Ngày 18/02/2014, Chi cục THADS Cẩm Lệ ban hành Quyết định 47/QĐ-CCTHA về thi hành án chủ động, bà Châu phải nộp án phí hình sự sơ thẩm 200 nghìn đồng và án phí dân sự sơ thẩm 700 nghìn đồng.
Bà Châu đã nộp án phí và chấp hành xong phần hình phạt 2 năm tù treo năm 2013 nhưng Công an Đà Nẵng vẫn xác định có “tiền án” là sai. |
Ngày 10/11/2014, bà Châu nộp đủ 900 nghìn đồng theo Quyết định 47 của Chi cục THADS Cẩm Lệ, được cấp biên lai thu tiền số 0008267. Như vậy, bà Châu đã chấp hành xong hình phạt, đã đóng án phí theo bản án nên không còn tiền án; nhưng mới đây Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng vẫn xác định bà Châu có “tiền án”.
Vấn đề này, LS Trần Văn Đạt (Đoàn LS Bình Thuận) giải thích: “Tiền án là người đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích. Điều 69 BLHS 2015 nêu rõ: “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”. Như vậy, người chưa từng bị kết án, hoặc đã bị kết án nhưng được xóa án tích được coi là người không có tiền án”.
Căn cứ điểm a, khoản 2 Điều 70 BLHS 2015, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, đã đóng án phí và trong thời hạn 1 năm mà không có hành vi phạm tội mới; nên bà Châu đương nhiên được xóa án tích. Chiếu theo các quy định pháp luật trên, bà Châu đã được xóa án tích từ 2016, được xem là người không có tiền án”.
“Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng cho rằng bà Châu có “tiền án” là sai luật? Bà Châu hoàn toàn có thể khởi kiện Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng yêu cầu công khai xin lỗi vì cung cấp thông tin “tiền án” không đúng”, LS Đạt nói.
Tiền án có quan trọng hay không? LS Đạt nói: “Thứ nhất, về tâm lý, người từng vi phạm pháp luật có thể sẽ bị nhận ác cảm; hoặc khi bị tố giác, bị điều tra về tội mới thì thường bị đánh giá “không oan”. Cái đó là sự cảm tính hết sức nguy hiểm”.
“Về mặt pháp luật, người có tiền án, đã bị kết án nhưng chưa xóa án tích mà thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật khác sẽ được xem là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Đây là tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 53 BLHS 2015. Người phạm tội có hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng, khi xem xét mức hình phạt sẽ không được giảm án. Do đó, tiền án là một vấn đề rất quan trọng đối với người phạm tội”.