Ảnh minh họa |
Thưa ông, có thể đánh giá như thế nào về tình cảnh của các làng nghề Việt Nam trong điều kiện kinh tế bất ổn như hiện nay?
- Hiện nay cả nước có hơn 2.000 làng nghề, trong đó có 30% là làng nghề truyền thống. Vào những thời điểm phát triển mạnh nhất, các làng nghề từng sử dụng từ 11-12 triệu lao động ở nông thôn.
Từ năm 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế mà làng nghề Việt Nam lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn. Thứ nhất là khó khăn về vốn. Dù Chính phủ trong giai đoạn 2008- 2009 đã có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các làng nghề, nhưng thực tế có tới 80% các làng nghề, các chủ làng nghề không tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi đó. Thứ hai là khó khăn về vấn đề thị trường bấp bênh, trải qua nhiều khâu trung gian. Thứ ba là công nghệ lạc hậu, không cải tiến.
Thứ tư là mặt bằng chật hẹp, không có nơi để chứa nguyên liệu và sản phẩm. Thứ năm là khó khăn về vùng nguyên liệu. Nước ta có nhiều nguồn nguyên liệu quý, có thể cung cấp nguyên liệu cho sản xuất tại các làng nghề nhưng lại thiếu các quy hoạch cụ thể và phù hợp. Thứ sáu là khó khăn về lao động làng nghề. Điều này thể hiện ở chỗ, bản thân các gia đình làm nghề không phát triển được kinh tế bằng nghề truyền thống. Có những nghề truyền thống với các sản phẩm rất nổi tiếng, như lụa ở Vạn Phúc, the ở La Khê hay như tranh Đông Hồ… đang bị nhiều gia đình quay lưng. Thứ bẩy là khó khăn về giao thông và năng lượng.
Thứ tám là khó khăn về nhận thức của các cấp chính quyền chưa thực tế. Các chính sách thì nhiều, nhưng lại chưa sát với thực tế. Thứ chín là khó khăn về vấn đề ô nhiễm môi trường…
Đứng trước thực tế khó khăn như vậy, theo ông cần có cách tháo gỡ như thế nào để bảo vệ và phát triển các làng nghề ở nước ta?
- Điều vướng mắc hiện nay là chúng ta chưa có một chính sách đồng bộ, hiện mỗi bộ ngành lại có liên quan tới một vấn đề khác nhau đối với làng nghề. Định hình vị trí của làng nghề trong vấn đề xây dựng nông thôn mới như thế nào? - Nhà nước cần có chính sách hợp lý trong việc xây dựng mô hình nông thôn mới gắn với việc phát triển làng nghề truyền thống. Rồi các tiêu chí, vai trò và vị trí của các cấp, ngành, đoàn thể ở địa phương và trung ương ra sao? Và, cần phải giảm các khâu trung gian để các chính sách tiến sát hơn, gần hơn với người dân ở các làng nghề. Ngoài ra cũng cần nâng vai trò của các tổ chức xã hội, tranh thủ kinh nghiệm, trí tuệ và tài năng của các chuyên gia, các nhà văn hóa, các nhà khoa học đối với việc phát triển các làng nghề hiện nay.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn cũng đặt ra vấn đề phát triển thị trường, đầu ra cho các sản phẩm làng nghề, theo ông chúng ta cần có chính sách ra sao trong thời gian tới?
- Cần thiết phải tập trung đầu tư về vốn cho làng nghề, đi sát thực tế và tập trung vào nguồn cung để phục vụ cho sản xuất. Hoặc là cũng cần phải đầu tư về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho làng nghề để lực lượng lao động đó bắt nhịp với các đòi hỏi của cơ chế thị trường. Vấn đề đưa hàng hóa ra thị trường, cũng không nên làm theo phong trào.
Trong các chương trình thúc đẩy bán hàng Việt, cần lựa chọn các mặt hàng có chất lượng thật, thương hiệu tốt. Nâng dần và bảo vệ giá trị thương hiệu ở các làng nghề. Cần coi trọng lực lượng có tay nghề cao, là các nghệ nhân, thợ cả có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế để nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề nước ta. Cạnh tranh tốt hơn với các hàng từ nước ngoài, hàng phẩm cấp thấp từ Trung Quốc. Bên cạnh đó cần tập trung hơn nữa về vấn đề bao bì, nhãn mác …
Xin cảm ơn ông!
Hải Triều (thực hiện)